Hàng hóa Trung Quốc đối mặt với nguy cơ bị áp thuế 500% tại Ấn Độ

BVD – Ngày 19/8, Hãng thông tấn PTI đưa tin, Liên đoàn các nhà kinh doanh toàn Ấn (CAIT) đã kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và vận động áp thuế lên tới 500% đối với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia láng giềng. Lý do là Bắc Kinh ủng hộ Pakistan tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về vấn đề Kashmir.

cac nha kinh doanh an do muon ap thue 500 voi hang trung quoc vi kashmir
Ấn Độ và Pakistan đang leo thang căng thẳng vì tranh chấp Kashmir. Trung Quốc đã ủng hộ Pakistan tại Liên hợp quốc trong tranh chấp này. (Nguồn: Millennium Post)

Tuyên bố của CAIT cho rằng, việc Trung Quốc ủng hộ Pakistan về vấn đề Kashmir đã đưa Bắc Kinh vào danh sách những kẻ thù đối với an ninh quốc gia của Ấn Độ.

Theo CAIT, đã đến lúc Ấn Độ nên giảm phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc. Tổ chức này cũng cho biết sẽ triệu tập hội nghị các nhà kinh doanh toàn quốc gồm đại diện từ tất cả các bang vào ngày 29/8 để thảo luận về vấn đề trên.

Liên quan đến xung đột Ấn Độ – Pakistan, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và hối thúc hạ nhiệt căng thẳng giữa 2 quốc gia Nam Á này tại vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir.

Tuyên bố của Người phát ngôn Nhà Trắng Hogan Gidley cho biết: “Tổng thống đã nêu rõ tầm quan trọng của nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan và duy trì hòa bình trong khu vực”.

Tuyên bố trên cũng cho hay: “Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận sâu hơn về những biện pháp mà họ sẽ tiếp tục củng cố các mối quan hệ kinh tế Mỹ – Ấn thông qua việc đẩy mạnh thương mại, và họ hy vọng sẽ sớm gặp nhau”.

Về phía Ấn Độ, Chính phủ nước này ra thông báo cho biết, Thủ tướng Narendra Modi đã nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, ông hy vọng, Bộ trưởng Thương mại nước này và Đại diện Thương mại Mỹ sẽ sẽ sớm gặp nhau để thảo luận về những triển vọng thương mại song phương.

Các nhà đàm phán của Mỹ và Ấn Độ đã kết thúc những cuộc thảo luận vào tháng Bảy mà không đạt được tiến triển quan trọng về hàng loạt mâu thuẫn liên quan đến lĩnh vực thuế quan và các biện pháp bảo hộ của cả 2 bên đang gây căng thẳng quan hệ song phương.

(BAOQUOCTE)

Related Posts