Asanzo họp báo công bố được minh oan

BVD – Theo tin CTV từ Hà Nội: 

Sáng 17/9/2019, tại Hà Nội, Asanzo đã tổ chức buổi họp báo công bố được minh oan, kết thúc 89 ngày bão tố và công bố mở cửa nhà máy hoạt động trở lại bình thường. Buổi họp báo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà báo nhưng không có sự tham dự của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương 

Quang cảnh buổi họp báo

Ngày 21/6/2019, báo Tuổi trẻ và báo Phụ nữ TPHCM đồng loạt cáo buộc Asanzo giả xuất xứ hàng hóa. Ngay sau đó. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính… khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường. Từ ngày 21/6 đến ngày 17/9, đúng 89 ngày “bão tố” của Asanzo.

Trong 89 ngày qua, Asanzo đã đón tiếp rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra của các Bộ, ngành với tổng cộng 106 cán bộ với thái độ hợp tác tích cực. Đến nay, các đoàn thanh tra đã cơ bản kết thúc công việc và Asanzo đã nhận được kết luận của các cơ quan chức năng.

Ngày 30/8 là thời hạn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng phải có kết luận thanh tra Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo liên quan “nghi án Asanzo bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt”. Với mong muốn nhanh chóng quay lại sản xuất kinh doanh bình thường, Asanzo chủ động đứng ra công bố các kết luận thanh tra, thay vì chờ đợi các cơ quan chức năng.

Tại buổi họp báo, đại diện Asanzo (ông Phạm Ngọc Hưng) cho biết, ngày 16/9 Asanzo nhận đủ các kết luận thanh tra của bộ, ngành. Trong tất cả các văn bản kết luận đó, ngoài những thiếu sót hành chính, không có kết luận nào cho thấy Công ty Asanzo vi phạm pháp luật trong việc mua bán xuất nhập khẩu, ghi nhãn xuất xứ hàng hóa hay các quy định pháp luật trong sản xuất và kê khai đóng thuế. Đối với những cáo buộc của báo chí thì những văn bản kết luận này cùng với văn bản của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo Thủ tướng Chính phủ

trước đó khẳng định một điều rằng: Asanzo không sai!

Ba cáo buộc: Giả xuất xứ hàng hóa, sai phạm về xuất nhập khẩu và lừa dối người tiêu dùng là không đúng

Một là, về việc giả xuất xứ hàng hóa: Theo báo cáo gửi Ban chỉ đạo 389 Quốc gia ngày 1/8/2019, Tổng cục quản lý thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hóa, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hóa của doanh nghiệp. Cụ thể, đối với các sản phẩm do công ty thiết kế sản phẩm, thiết kế bo mạch điện tử, sau đó đặt hàng các nhà cung cấp linh kiện theo tiêu chuẩn chất lượng mà Asanzo kiểm soát, rồi lắp ráp thành sản hoàn chỉnh phẩm, thì Asanzo

ghi xuất xứ Việt Nam. Còn đối với các sản phẩm do Asanzo đặt hàng các doanh nghiệp khác sản xuất và nhập khẩu, Asanzo ghi xuất xứ nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 4/9/2019, có nội dung: “Trên cơ sở các thông tin tìm hiểu được, VCCI nhận thấy sản phẩm điện tử của Công ty Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hang hoá là sản xuất tại Việt Nam, chế tạo tại Việt Nam, hoặc xuất xứ từ Việt Nam… là phù hợp với các quy định pháp luật liên quan hiện hành của Việt Nam”. Như vậy, Asanzo không giả xuất xứ hàng hóa.

Hai là, về cáo buộc sai phạm trong xuất nhập khẩu: Ngày 5/9/2019, Tổng cục Hải quan đã gửi công văn cho Asanzo. Công văn này nêu rõ, “Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã tiến hành kiểm tra và có biên bản kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan số 774/KL-KTSTQ (C3) ngày 15-8-2019 gửi công ty”. Trong đó có kết luận“Trên cơ sở hồ sơ tài liệu, số liệu, thông tin do công ty cung cấp, tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện sai phạm về khai báo hải quan đối với hàng hoá tại 1 tờ khai hải quan xuất khẩu, 26 tờ khai hải quan nhập khẩu”. Như vậy, kết luận của Cục Kiểm tra sau thông quan chính là kết luận kiểm tra của ngành hải quan đối với Asanzo và kết luận này cho thấy, Asanzo không sai phạm vể xuất nhập khẩu.

Cuối buổi họp báo, PV vẫn vây kín CEO của Asanzo – Phạm Văn Tam.

Ba là, Asanzo khẳng định không lừa dối người tiêu dung: Về việc sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, Asanzo đã xin phép Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP.HCM và được đồng ý. Đến thời điểm này, không có bất kỳ biên bản kiểm tra nào của các cơ quan chức năng kết luận Asanzo có sai phạm trong việc sử dụng slogan này.

Trên thực tế, Asanzo có hợp tác với Sharp Roxy – một công ty con tại HongKong của Tập đoàn Sharp (Nhật Bản), nội dung bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm, cùng với các dịch vụ liên quan. Cho đến bây giờ, hợp đồng vẫn đang có hiệu lực”. Do đó, việc dùng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” của Asanzo là không sai, không lừa dối người tiêu dùng”, Luật sư Trần Đức Hoàng, đại diện pháp lý của Asanzo khẳng định.

Thông qua các trao đổi trong buổi họp báo, ta thấy, để làm nên 1 sản phẩm điện tử cần có sự tổng hợp, đóng góp từ nhiều quốc gia khác nhau. Việc Asanzo chú trọng sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng là bà con vùng đồng bằng sông nước hay vùng núi cao kinh tế còn khó khăn là việc thể hiện tinh thần tự lực Việt Nam, đáng tự hào, cần được khuyến khích.

Như vậy, sau 89 ngày khủng hoảng, ước tính Asanzo thiệt hại cả nghìn tỷ đồng. Lúc này Asanzo cần nhanh chóng ổn định lại sản xuất để phục vụ những “khách hàng bị lãng quên, những người kỳ vọng vào Asanzo.

​Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp Việt đối thoại với báo chí khi có những thông tin chưa chính xác về sản phẩm của mình./.

 

Nguyễn Thu, CTV BVD  

 

Related Posts