Mỹ cay đắng chứng kiến S-400 của Nga sắp nghễu nghện giữa lãnh thổ của nước đồng minh?

BVD – Các hệ thống tên lửa S-400 đầu tiên của Nga sẽ được triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ sớm nhất vào tháng 12 này, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir hồi cuối tuần vừa rồi cho biết.

Tên lửa S-400
Tên lửa S-400

“Các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 sẽ được triển khai và kích hoạt vào tháng 12”, ông Demir cho hay.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Kontsern Pvo Almaz-Antei của Nga – ông Yan Novikov hồi cuối tháng 8 cho hay, hoạt động huấn luyện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ để có thể vận hành các hệ thống S-400 dự kiến được khởi động từ 1/9/2019 và sẽ kéo dài cho đến tận 2/1/2020. Đợt mua tên lửa S-400 thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ được lên kế hoạch vào năm 2020.

Ankara đang cố gắng đàm phán một thỏa thuận mua của Mỹ các hệ thống tên lửa đất đối không Patriot. Tuy nhiên, Washington tiếp tục cản trở tiến trình này và vì thế Ankara có thể phải ký thêm một hợp đồng với Moscow để đảm bảo an ninh quốc gia liên quan đến mục đích chống tên lửa.

Lần đầu tiên xuất hiện thông tin về các cuộc đàm phán giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến hợp đồng mua bán hệ thống tên lửa phòng không đình đám S-400 là vào tháng 11 năm 2016. Vào tháng 9 năm 2017, Nga xác nhận hợp đồng trị giá 2,5 tỉ USD đã được ký kết giữa Ankara và Moscow. Theo hợp đồng, Ankara sẽ đón nhận một trung đoàn tên lửa phòng không S-400 (hai tiểu đoàn). Hợp đồng nói trên cũng quy định Nga chuyển giao một phần công nghệ cho phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Hoạt động bàn giao đã chính thức bắt đầu hôm 12/7. Trong giai đoạn đầu tiên, từ ngày 12-25/7, 30 máy bay vận tải quân sự đã chở theo các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 đến căn cứ không quân Muret ở Thổ Nhĩ Kỳ. Giai đoạn hai bắt đầu hôm 27/8.

Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua các tên lửa S-400 của Nga đã nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích gay gắt và phản đối quyết liệt từ các đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ. Mỹ liên tục đe dọa sẽ tung ra các biện pháp trừng phạt, thậm chí còn cảnh báo sẽ không cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình F-35, nếu đồng minh của họ tiếp tục theo đuổi kế hoạch mua S-400 của Nga. Giới chức Mỹ và NATO không ngừng nói đến những nguy cơ gây ra từ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400. Phương Tây tin rằng, hệ thống S-400 không tương thích với mạng lưới phòng thủ của NATO và S-400 của Nga có thể gây nguy hiểm đối với chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới F-35 của họ.

Sau những lời cảnh báo, đe dọa, Mỹ thậm chí còn xuống nước đề nghị bán các tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ để thay thế S-400 của Nga. Tuy nhiên, bất chấp mọi lời cảnh báo, đe dọa và cả lời đề nghị Patriot hấp dẫn của Mỹ, Ankara vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng hợp đồng mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Về phía Nga, Moscow được cho là cũng tìm cách hoàn tất thực hiện hợp đồng S-400 nhanh nhất có thể để đề phòng trường hợp bị Mỹ phá hoại. Tháng 7 vừa rồi, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức được Nga bàn giao các tên lửa S-400 đầu tiên. Sự kiện này là dấu chấm hết cho các nỗ lực của Mỹ nhằm phá bỏ hợp đồng S-400 giữa Moscow và Ankara.

Sau khi Ankara có trong tay hệ thống S-400, Mỹ quyết định trừng phạt bằng cách loại bỏ Thổ Nhĩ Kì khỏi chương trình máy bay tàng hình F-35, máy bay tân tiến nhất trong kho vũ khí của Mỹ. F-35 đang được sử dụng bởi các nước NATO và nhiều nước đối tác khác.

Giống như một số đối tác khác trong NATO, Thổ Nhĩ Kì là một phần của chuỗi sản xuất và cung cấp các bộ phận cho máy bay F-35. Thổ Nhĩ Kỳ đã sản xuất khoảng 900 thiết bị thuộc chiến đấu cơ F-35. Nếu bị loại ra khỏi chương trình F-35, các doanh nghiệp trong ngành quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mất đi công việc trị giá hàng tỉ đô la.

Washington cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt thêm nữa vì hợp đồng S-400. Tuy nhiên, Ankara đến nay vẫn phớt lờ những lời cảnh báo trên và vẫn hy vọng vào lập trường “thông cảm” của Tổng thống Trump bởi ông chủ Nhà Trắng nhiều lần bày tỏ sự “chia sẻ” và “thấu hiểu” trước quyết định mua S-400 của Ankara. Mặc dù vậy, đến nay, ông Trump vẫn chưa loại trừ khả năng tung thêm các đòn trừng phạt nhằm vào đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.

(vnmedia)

Related Posts