Phương Tây: Trung Quốc cài quan chức vào công ty tư nhân

BVD – Các quan chức trong chính quyền Trung Quốc sẽ có mặt trong bộ máy tổ chức của hơn 100 công ty tư nhân, bao gồm cả công ty nước ngoài.

 

Các công ty nước ngoài tại Trung Quốc bày tỏ lo ngại khi Trung Quốc yêu cầu đưa các quan chức chính quyền tham gia vào bộ máy nhân sự của công ty.

Reuters ghi nhận, nhiều lãnh đạo điều hành các công ty nước ngoài cho biết nhiều khi các tổ chức đảng này đã có sự can thiệp vào các quyết định và hoạt động kinh doanh của công ty.Reuters bình luận, luật pháp Trung Quốc từ lâu đã yêu cầu các công ty tư nhân, bao gồm cả các công ty nước ngoài phải thành lập các tổ chức Đảng chính thức. Tổ chức đảng từng được xem là chỉ mang tính biểu tượng nhưng đã thay đổi trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước cảm thấy chuyện có một tổ chức bao gồm các quan chức Trung Quốc tại công ty là điều bình thường.

Đã có 100 công ty Trung Quốc chấp thuận việc có thêm các quan chức Trung Quốc vào trong bộ máy tổ chức của họ, theo chính quyền thành phố Hàng Châu thông báo trên trang điện tử vào cuối tuần trước.

Danh sách đầy đủ các công ty này không được công bố. Dù vậy, thông báo có nhắc đến “các doanh nghiệp chủ chốt như Alibaba, Geely Holdings và Wahaha”.

Giới truyền thông Hàng Châu cho biết đây là một phần nỗ lực “Kế hoạch Sản xuất Mới” của chính quyền. Nó được kì vọng thúc đẩy sản xuất và kinh tế thành phố này.

Đây cũng là những bước tiến lớn phù hợp với kế hoạch Made in China 2025 của Chính phủ Trung Quốc, khuyến khích phát triển công nghệ trong nước nhằm bắt kịp đối thủ trong các ngành công nghiệp giá trị cao như robot và hàng không vũ trụ.

Điều này cũng có nghĩa là sẽ có thêm sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc đối với các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào nước này.

Đây cũng có thể là một trong những trở ngại lớn đã gây nên sự khó thống nhất giữa Mỹ và Trung Quốc hướng tới một thỏa thuận thương mại cuối cùng.

Tờ South China Morning Post cuối tuần trước đã dẫn lời ông Li Deshui, cựu Giám đốc Văn phòng Thống kê của Trung Quốc cho biết, phía Mỹ đã đưa ra một yêu cầu đặc biệt, đó là Trung Quốc phải sửa đổi luật trong nước và đề nghị thành lập một văn phòng song phương thường trực để bàn luận về các chính sách kinh tế của Bắc Kinh.

Ngoài ra, Washington đã yêu cầu cơ chế thực thi một phía cho phép họ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc nếu không hài lòng với các chính sách kinh tế của nước này, trong khi Trung Quốc không thể trả đũa.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng cố gắng hạn chế ngành công nghiệp công nghệ cao và các DNNN của Trung Quốc, đồng thời thúc giục Trung Quốc mở cửa ngành tài chính và thị trường của họ một cách vô điều kiện.

Đối với ông Li, một nghiên cứu viên cao cấp trong chính phủ Trung Quốc và là cán bộ tham gia hoạch định kinh tế của đất nước, Bắc Kinh không thể đồng ý với bất cứ yêu cầu nào của Mỹ khi Washington yêu cầu Trung Quốc từ bỏ chủ quyền kinh tế.

Trong những phản ứng công khai và mới nhất, chính quyền Thành phố Hàng Châu đã cho người Mỹ thấy họ kiên định với các chính sách kinh tế của mình.

(Viettimes)

Related Posts