Trung Quốc kiện Mỹ: Con kiến và củ khoai

BVD – Liệu Mỹ có tuân thủ các phán quyết hay không khi cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO không quy định các biện pháp thực thi?

 

Trung Quốc muốn WTO che chở!

Trung Quốc mới đây đã khiếu nại Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng các hành động áp thuế mới nhất của Mỹ đã vi phạm sự đồng thuận đạt được giữa lãnh đạo hai nước tại cuộc gặp thượng đỉnh ở thành phố Osaka (Nhật Bản). Trung Quốc tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền hợp pháp của mình theo các quy định của WTO.

Trung Quốc đã nhờ tới WTO sau khi Mỹ từ ngày 1/9 bắt đầu áp thế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc tổng trị giá 125 tỷ USD, gồm loa thông minh, tai nghe hồng ngoại bluetooth và nhiều loại giày dép.

Trong suốt 2 năm qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã hối thúc Trung Quốc từ bỏ các hành vi thương mại mà Mỹ cho là không công bằng, cũng như thay đổi những chính sách về bảo vệ sở hữu trí tuệ, việc ép buộc chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp và tiếp cận thị trường. Tranh cãi bùng nổ vào tháng 7/2018, theo đó hai nước liên tiếp bổ sung các mức thuế áp với hàng hóa trị giá trăm tỷ USD của nhau.Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh bắt đầu áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng của Mỹ. Trung Quốc cũng áp thuế 5% đối với dầu thô của Mỹ. Đây là lần đầu tiên mặt hàng dầu của Mỹ trở thành mục tiêu bị áp thuế kể từ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu cuộc tranh cãi thương mại hơn một năm trước đây.

Đây là vụ kiện thứ ba mà Trung Quốc đưa ra WTO nhằm chống lại Mỹ liên quan đến các mức thuế quan. Bắc Kinh cho rằng các quốc gia thành viên WTO phải giải quyết các tranh chấp thương mại trong khuôn khổ các thủ tục liên quan do tổ chức quy định và việc đơn phương đưa ra các mức thuế và rào cản là vi phạm trực tiếp các quy tắc cơ bản của WTO.

Ngược lại, Mỹ khẳng định họ không vi phạm bất kỳ quy định nào của WTO. Washington tuyên bố các mức thuế quan áp đặt đối với hàng hoá Trung Quốc là các biện pháp cần thiết để bảo vệ đạo đức cộng đồng theo quy định về các trường hợp đặc biệt của WTO.

Người Mỹ cho rằng việc áp các mức thuế quan là hợp lý và có thể được coi là “biện pháp bảo vệ đạo đức cộng đồng”. Mỹ chỉ ra rằng tranh chấp thương mại đã bắt đầu sau một cuộc điều tra do phía Mỹ khởi xướng theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ. Vì vậy, các vấn đề về quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ vượt quá thẩm quyền của WTO, có nghĩa là các hành động của Mỹ không vi phạm bất kỳ quy tắc nào của tổ chức.Theo giải thích của người Mỹ thì Trung Quốc đã tham gia vào việc chuyển giao trái phép công nghệ Mỹ trong nhiều năm, đồng thời, nhà nước Trung Quốc cũng tích cực trợ cấp cho doanh nghiệp. Washington khẳng định Bắc Kinh đã tạo ra các lợi thế cạnh tranh giả tạo cho sản phẩm Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ cũng viện dẫn các lý do về an ninh quốc gia trong các biện pháp của mình.

Con kiến kiện củ khoai

Phía Trung Quốc tin rằng nước này có cơ hội chiến thắng cao vì đã đệ đơn kiện lên WTO để chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại và hành động đơn phương của Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu Mỹ có tuân thủ các phán quyết của tổ chức thương mại toàn cầu này hay không vì cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO không quy định các biện pháp thực thi. Mỹ có thể đơn giản bỏ qua các phán quyết.

WTO hiện chỏ có 3 trong số 7 trọng tài viên trong cơ quan kháng cáo. Mỹ đang chặn đề cử do các nước khác đề xuất do đó các trọng tài mới không thể được lựa chọn. Nếu ít nhất một trong số 3 trọng tài hiện nay từ chức, công việc của cơ quan kháng cáo sẽ bị tê liệt. Mặt khác, một trong 3 trọng tài này sẽ hết hạn nhiệm kỳ vào tháng 12 năm nay. Do đó, Mỹ có thể kéo dài vô thời hạn việc xem xét vụ kiện từ Trung Quốc.

Trước đó, ông Trump cũng từng đe dọa rút khỏi WTO, chỉ trích tổ chức này có cách đối xử không công bằng với Mỹ, đồng thời khẳng định Washington không cần tuân thủ các nguyên tắc của tổ chức thương mại quốc tế này.Tổng thống Trump hôm 13/8 thậm chí còn đe dọa rút Mỹ khỏi WTO nếu tổ chức này không sửa đổi các điều khoản quy định mà theo ông “ưu ái” Trung Quốc. Tuyên bố tại một sự kiện ở bang Pennysylvania, Tổng thống Trump nêu rõ Washington sẽ rời khỏi tổ chức này nếu Mỹ lâm vào tình thế “bắt buộc”. Ông Trump lặp lại lý lẽ Mỹ nhiều năm qua bị thua thiệt, đồng thời thể hiện quyết tâm không để tình trạng này tái diễn.

Theo chuyên gia thương mại Chad Bown thuộc Viện kinh tế quốc tế Peterson, động thái của Mỹ nhằm làm suy yếu WTO đã gây ra tổn hại lâu dài và không phải tất cả đều có thể được khôi phục.

Còn theo hãng tin Sputnik của Nga, quá trình giải quyết vụ kiện của Trung Quốc đối với Mỹ có thể minh họa rõ ràng về sự bất lực của WTO trong việc giải quyết các vấn đề hiện tại giữa các quốc gia.

Các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã tuyên bố sự cần thiết phải cải tổ WTO trong hội nghị thượng đỉnh tại Osaka. Trung Quốc hồi tháng 5 vừa qua cũng đã đệ trình các đề xuất cải tổ tổ chức này.

 

Related Posts