Biển Đông: Mỹ đanh thép cảnh cáo Trung Quốc

BVD – Mỹ đang tăng cường thực hiện các chuyến đi tuần tra ở Biển Đông để gửi đi một thông điệp cho Trung Quốc. Thông điệp đó là Mỹ sẽ duy trì sự tự do ở khu vực có tầm quan trọng then chốt với thương mại toàn cầu này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm qua (19/11) đã phát biểu cứng rắn như vậy.

Mỹ tuyên bố sẽ bảo vệ sự tự do ở Biển Đông
Mỹ tuyên bố sẽ bảo vệ sự tự do ở Biển Đông

Ông Esper đã nói tại một cuộc họp báo ở thủ đô Manila rằng Mỹ “bác bỏ mọi nỗ lực của bất kỳ nước nào nhằm dọa dẫm, ép buộc các nước khác để đạt được các lợi ích quốc tế bằng cách hy sinh lợi ích của các nước khác”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng kêu gọi các nước có tranh chấp ở Biển Đông hãy duy trì một lập trường chung và khẳng định các quyền chủ quyền của mình để buộc Trung Quốc “phải đi đúng đường”.

“Thông điệp rõ ràng mà chúng tôi cố gắng phát đi là chúng tôi thực chất không phải đang chống Trung Quốc mà tất cả chúng tôi chỉ đứng lên bảo vệ luật pháp quốc tế và chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc nên tuân theo luật quốc tế”, Bộ trưởng Esper nhấn mạnh.

Theo ông Esper, Mỹ đã tiến hành “nhiều chiến dịch tự do hàng hải hơn trong năm qua, nhiều hơn so với năm ngoái và nhiều hơn thường lệ trong hơn 20 năm qua.”

Trong khi Bộ trưởng Esper không cho biết chi tiết thì theo con số thống kê được Bloomberg đưa ra, Mỹ trên thực tế đã xác nhận thực hiện ít nhất 5 chiến dịch hàng hải nhằm thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trong một cuộc họp báo riêng rẽ khác, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang đã phản ứng lại những phát biểu của Bộ trưởng Esper, cáo buộc rằng Mỹ từ lâu đã luôn tìm cách “thổi bùng ngọn lửa căng thẳng” và tạo ra “sự rối loạn ở Biển Đông”. Ông Geng nói thêm rằng, Trung Quốc đang phối hợp với các nước trong khu vực để đảm bảo sự ổn định và kêu gọi Mỹ dừng ngay vai trò là “người phá rối”.

Ở Manila, Bộ trưởng Esper cũng nói rằng, Mỹ vẫn cam kết thực hiện hiệp ước phòng thủ 68 tuổi với Philippines, theo đó Mỹ có nghĩa vụ ràng buộc trong trường hợp có lực lượng thứ ba tấn công vào lãnh thổ của Philippines. Hiệp ước này áp dụng với cả Biển Đông, Bộ trưởng Esper khẳng định.

Philippines đang thảo luận với Mỹ về cách thức để làm rõ hơn về hiệp ước phòng thủ, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho hay. Ông Delfin Lorenzana cho hay, quan hệ giữa hai nước “đã có những bước thụt lùi” nhưng vẫn vững chắc.

Bộ trưởng Esper cũng cam kết tiếp tục ủng hộ Philippines trong các nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự và chống khủng bố.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã tức giận lên tiếng kêu gọi quân đội Mỹ ngừng ngay các hoạt động phô trương sức mạnh ở Biển Đông cũng như tránh không làm gia tăng “tình trạng bất ổn” trong vấn đề Đài Loan. Những nội dung này đã được phía Bắc Kinh đưa ra trong các cuộc đối thoại cấp cao giữa hai nước gần đây. Cuộc gặp gỡ này đã phơi bày rất rõ mâu thuẫn và mối quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông – một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.

Trung Quốc đã và đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông. Trong một động thái làm đẩy cao căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc gần đây liên tiếp cho triển khai vũ khí, trong đó có các tên lửa, đến các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Khi Trung Quốc leo thang các hoạt động quân sự ở Biển Đông, Mỹ cũng đã gia tăng áp lực với Trung Quốc bằng những lời chỉ trích, lên án công khai cùng với các hoạt động quân sự. Mỹ liên tục cho các tàu chiến đến khu vực phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý và tham lam của Bắc Kinh ở Biển Đông. Mỹ cũng tiến hành các

Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và đang tìm cách dọa dẫm các nước láng giềng Châu Á để ngăn không cho họ thực hiện hoạt động khai thác các nguồn lực thiên nhiên chính đáng trong khu vực.

(VNmedia)

Related Posts