Nhà báo Thế Sáng với tâm sự thật nhân ngày 09.11 cách đây 30 năm

BVD – Nhân dịp 30 năm bức tường Berlin sụp đổ (9.11.1989-9.11.2019) Báo VnExpress có cuộc phỏng vấn Thế Sáng. BVD xin đăng lại cuộc PV này để các bạn cùng hình dung bối cảnh ngày ấy ở một xí nghiệp CHDC Đức và cộng đồng người Việt làm việc ở đó.

Auswei của Đặng Thế Sáng do CHDC Đức ( DDR ) cấp

Trò chuyện với người chứng kiến bức tường Berlin sụp đổ
-Thưa ông Thế Sáng!
Được biết là ông là dân hợp tác lao động tại Cộng hoà dân chủ Đức từ những thập niên 80 của thế kỉ trước. Ông là người chứng kiến bức tường Berlin sụp đổ, ông cho biết khi đó tình hình ra sao?
-Chào nhà báo Anh Ngọc, tôi sang Cộng hoà dân chủ Đức năm 1982 theo diện hợp tác lao động, tôi học nghề trồng rau, chế biến rau ở Berlin, năm 1986 tôi được điều động về nhà máy sản xuất ô tô IFA tại Ludwigsfelde cách bức tường Berlin tầm hơn chục km. Tôi làm cán bộ lãnh đạo đơn vị Việt Nam kiêm công tác Thamh niên toàn tỉnh Potsdam.
Tôi còn nhớ như in là tối hôm đó tôi đang ngủ thì cậu Hòa phiên dịch của đơn vị đập cửa nói với tôi là: “Anh Sáng ơi! Bức tường Berlin bị phá rồi, thằng Wofgang vừa đánh xe chạy vào nhà em nói đài, vô tuyến đang truyền trực tiếp…“Tôi nói với Hòa “Ồ thế à? Nhưng ngày mai chắc nhà máy vẫn đi làm bình thường đấy“! Thế là tôi và Hòa cùng ra phòng Câu lạc bộ mở vô tuyến xem, kênh của tây Berlin truyền hình trực tiếp sự kiện này!
PV: Chắc ông còn nhớ không khí trước khi bức tường Berlin sụp đổ
Thế Sáng: Như tôi vừa nói tôi ở Berlin từ năm 1982 đến năm 1986 thì chuyển về tỉnh Potsdam làm việc ở nhà máy sản xuất Ô tô IFA Ludgsfelde tôi làm lãnh đạo ở đơn vị Việt Nam và phụ trách công tác thanh niên toàn tỉnh. Vì vậy cứ thứ Hai hàng tuần tôi và anh đơn vị trưởng giao ban với lãnh đạo nhà máy. Các nước như Cu Ba, Modambich, Angola…họ không có người vượt biên, bỏ trốn sang bên kia, còn đơn vị Việt Nam ngày nào cũng có người bỏ trốn? Người Việt Nam bỏ trốn sang phía Tây Đức ngang ngửa như người dân đông Đức (Cộng hòa Dân chủ Đức-DDR).Thậm chí ông trưởng phòng cán bộ của nà máy cũng bỏ trốn, tình hình rối ren, rất hoảng loạn…Tôi có anh bạn có cô bạn gái ở tỉnh phía nam lên chơi, buổi tối còn liên hoan bia, rượu tít mù …ấy thế mà sáng hôm sau anh bạn gặp tôi nói là „ Thủy…đã bỏ trốn sang tây Đức rồi“? Nghĩa là sự bỏ chạy sang bên kia bí mật đến mức người yêu cũng không biết! Vất vả nhất của chúng tôi lúc đó là ngày nào cũng phải gọi công an, hải quan…vào làm việc để kiểm kê „tài sản“ còn lại của anh chị em bỏ đi. Tình hình lúc này rất nhiều thông tin, chỗ nào cũng bàn chuyện dỡ bỏ bức tường! Ở bến xe, trên toa tàu, trong phân xưởng nhà máy, thậm chí là những đôi lứa yêu nhau cũng đề cập đến việc bức tường sẽ phá vỡ! Nhưng có lẽ nhiều nhất vẫn là các kênh truyền hình, radio của phía Tây Đức, họ đưa tin, phủ sóng phần lớn thời lượng các bản tin thời sự. Báo chí cũng như vậy! Tuy nhiên phía DDR đưa tin dè chừng hơn. Lúc đó tôi được Sứ quán Việt Nam tại CHDC Đức giới thiệu đến tỉnh Đoàn FDJ của họ để hai bên kết hợp tuyên truyền cho thanh niên nhận thức đúng về chính trị? Nhưng tôi chưa kịp liên hệ thì bức tường Berlin đã sụp đổ!
PV: Như vậy là đời sống lúc đó khó khăn hay sao mà bỏ đi? Mặc dù đông Đức là nước khá về kinh tế và đời sống?
Thế Sáng: Đúng thế, đông Đức bấy giờ đã là „thiên đường“ của phe XHCN rồi, thịt, cá, bơ, sữa, đường, sà phòng, vải vóc, quần áo… nói chung thực phẩm, hàng tiêu dùng không thiếu gì. Nhưng cái mà người dân đòi hỏi, muốn có là được tự do đi lại, được dùng, hưởng thụ những sản phẩm của khoa học như vô tuyến màu, điện thoại, ô tô đời mới, được đi du lịch tất cả các nước…Nói chung là được tự do thực sự mà không được! Khi đó người dân mua ô tô phải đợi 15 năm mới đến lượt? Ở phía tây Đức thì đang khủng hoảng thừa! Theo bản năng của con người ta muốn vươn lên đi tìm hạnh phúc…thì họ đi.
Về sau này khi bức tường Berlin sụp đổ thì người dân Đức của 2 bên đi qua lại vẫn qua cửa khẩu, có nghĩa là mở nhưng vẫn có kiểm soát, người Đức chỉ cần trình chứng minh thư, còn người Việt phải xin thị thực xuất cảnh mà thị thức lại do Sứ quán Việt Nam cấp? Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười! Khi đó mỗi người có chứng minh thư của đông Đức sang bên kia đều được nhận 100 DM gọi là tiền “chào đón” của phía Tây Đức tặng mà người Việt cũng được hưởng, vì lúc đó người Việt có chứng minh thư như người Đức nhưng có thời hạn, 100 DM bấy giờ mua được hơn chỉ vàng.
-Sau khi bức tường sụp đổ đời sống của ông nói riêng và của bà con ta thế nào?
-Gia đình tôi là gia đình cách mạng, chú ruột tôi là cán bộ cao cấp, thấy tình thình như bọn đầu trọc khủng bố, ở lại không có việc làm, phải tự đi tìm nhà ở vì nhà máy giải thể nên không lo nhà ở, việc làm cho mình nữa, chú tôi viết thư khuyên tôi về nước! Thực lòng lúc đó ai cũng hoang mang không biết nên ờ lại hay về? Hồi ấy sau khi kết thúc cuộc họp các bí thư tỉnh đoàn tôi nói lời chia tay để về nước với các anh em cùng công tác, anh bạn Tính của tôi hỏi tôi rất quyết liệt:
“Ông Sáng về Việt Nam ông làm ra mỗi tháng 1 chỉ vàng không?”
Tôi nói “không thể”!
Anh bạn Tính hỏi tiếp :”Nếu ở lại đây mỗi tháng ông làm được 2 chỉ vàng không?”
Tôi trả lời ngay “chắc chắn là hơn”! Anh Tính nói to: “Thế thì tại sao ông không ở lại?”.
Thế là tôi quyết định ở lại Đức với muôn vàn khó khăn mà trước hết là nhà ở. Tôi đang ở kí túc xá dành cho công nhân của nhà máy, nhà máy giải thể, thế là mình bật ra đường theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng! Tôi còn nhớ có cái Tết Nguyên đán năm 1990 mà mình không có nhà ở? Không có nơi nào để thắp nén nhang thờ cúng tồ tiên! Không bánh chưng, không có chút gì gọi là không khí Tết! Tôi và người yêu (Vợ tôi hiện nay) phải nấu bát mì tôm đúng lúc giao thừa ở dưới tầng hầm của một nhà trọ trong rừng, cũng may là ở trời Tây không có không khí tết ta nên nỗi tủi thân qua đi rất nhanh. Công ăn việc làm không có, rất khó khăn trong tìm việc làm, người ở lại phải tự kiếm sống, tự bươn trải…Chúng tôi tất cả đổ ra đường “buôn thúng bán mẹt”. Cái khó nhất với tôi lúc đó là vượt qua mặc cảm của chính mình. Vì sao ư? Vì tôi mới hôm qua đấy thôi mình còn đứng trước hàng trăm người nói về lý tưởng…thế mà hôm nay anh lại đứng bán mấy băng Cát- séc, mấy con chíp chíp tìm chìa khoá, mấy bao thuốc lá…mà ở nơi mà toàn người quen, toàn người cấp dưới của mình thì tôi nghĩ đối với bất kì ai đây cũng là bước vượt tâm lý khó khăn!
-Nghĩ lại hồi đó ông có hối tiếc điều gì không?
-Ai ai cũng vậy, cứ qua một thời kì thì mình lại thấy tiếc nhiều điều mà sau này hay nghĩ là “biết thế”! Tôi tiếc nhất là lúc tôi làm đội trưởng một đơn vị lao động hợp tác ở nhà máy may mui bạt ô tô. Lúc ấy tại sao mình không nói với anh em trong đơn là nên ở lại? Mà chỉ bê nguyên những tinh thần của cấp trên về truyền đạt lại cho anh em? Sau này có anh em trách thẳng với tôi như vậy! Nhưng tôi nghĩ chính bản thân mình còn chưa biết nếp, tẻ thế nào thì làm sao khuyên người khác được? Nhưng tôi rất tự hoà mình là người chứng kiến sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chứng kiến bức tường Berlin sụp đổ, tận mắt chứng kiến sự tái thống nhất nước Đức vĩ đại!
-Xin hỏi ông câu cuối cùng là: 30 năm sau ông nhìn nhận về sự kiện này như thứ nào?
-Không phải bây giờ mà ngay sau đó tôi vẫn tự nói thầm là: Nếu không có bức tường Berlin sụp đổ thì mình không biết đến bao giờ mới được cưỡi xe Mercedes? Vì năm 1992 tôi đã mua một chiếc xe “Mẹc” mới tinh tình tình!
-Vâng xin cảm ơn ông! Chúc ông và gia đình có cuộc sống hạnh phúc trên quê hương thứ hai!

BVD

Related Posts