Sáp nhập Vinmart, Masan được, mất ra sao?

BVD – “Có thể bên trong là trao đổi tài chính giữa 2 tập đoàn có sức mạnh lớn hơn tính toán lợi nhuận chúng ta đang thấy”, TS Đinh Thế Hiển nhận định về thương vụ giữa Vingroup và Masan.
Thương vụ sáp nhập VinCommerce và VinEco về Masan ngay khi được công bố chưa đầy 1 tháng sau khi Vinmart tuyên bố sẽ mở rộng với mục tiêu 10.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi đến năm 2025 so với con số 2.600 hiện tại. 3 tháng trước, Vincommerce cũng vừa nhận 500 triệu USD đầu tư từ quỹ GIC.

Công Khoa, chuyên viên phân tích của một quỹ đầu tư chứng khoán ở TP.HCM, cho biết bất ngờ với thông tin về thương vụ giữa Vingroup và Masan. Ông nhìn nhận Vingroup từ trước đến nay luôn theo đuổi định hướng làm bất động sản – bán lẻ để tận dụng sức mạnh tổng hợp của 2 lĩnh vực này.

Với việc chuyển quyền kiểm soát, điều hành hệ thống hơn 2.600 cửa hàng sang cho Masan, Vingroup chấp nhận buông bớt mảng bán lẻ để tập trung cho định hướng sản xuất công nghiệp – công nghệ.

Trong khi đó, ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT Masan Consumer Holding khẳng định mục tiêu thông qua thương vụ là phát triển một tập đoàn hàng tiêu dùng – bán lẻ hàng đầu trong nước, hướng tới vươn ra thế giới.

Sap nhap Vinmart, Masan duoc, mat ra sao? hinh anh 1
Với việc VinCommerce và VinEco sáp nhập về Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, lần đầu tiên tại Việt Nam một doanh nghiệp sản xuất nắm quyền điều hành một hệ thống bán lẻ. Ảnh: Masan.Masan: Phân tán hay tập trung nguồn lực?
Đánh giá về thương vụ này, ông Trần Bằng Việt – Chủ tịch Đông A Solutions cho rằng đây là cơ hội lớn cho Vingroup và Masan Group. Theo vị này, hầu hết doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong khoảng 20 năm qua đều phát triển theo hướng đa ngành nhằm hiện thực hóa mọi cơ hội. Tuy nhiên, đã đến lúc họ lựa chọn một số ngành nghề chủ lực để tập trung phát triển và kinh doanh hiệu quả hơn.

Với mảnh ghép hệ thống siêu thị Vinmart, cửa hàng tiện lợi Vinmart+, Masan sẽ nắm quyền kiểm soát kênh phân phối cho các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh và cả thịt mát của công ty. Trong khi đó, hệ thống nông trại của VinEco sẽ bổ sung cho mảng phân bón, thức ăn chăn nuôi và sản xuất thịt mát.

Sau khi tiếp quản 2.600 siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Vingroup, Masan có cơ hội tối đa hóa lợi nhuận khi tiết giảm loạt chi phí trung gian từ khâu sản xuất đến bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng.

Ông Trần Bằng Việt phân tích: “Trước đây Masan chịu chiết khấu 28-35% để bán hàng trong siêu thị, nhưng giờ họ hoàn toàn có thể thương lượng giảm chiết khấu hoặc rút một lượng hàng hóa nhất định bởi kênh phân phối ở VinMart, VinMart+ khá lớn mạnh rồi. Khi đó, siêu thị buộc phải giảm chiết khấu để tăng tính cạnh tranh, hoặc ưu tiên các nhà sản xuất khác. Điều này tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam khi tìm đến kênh phân phối siêu thị”.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển lại lo ngại hoạt động kinh doanh của Masan sẽ phân tán hơn.

“Masan phải chăm lo chuỗi của mình hơn các chuỗi bán lẻ khác. Sản phẩm Masan ở Vinmart sẽ được ưu đãi nhiều thứ. Những chuỗi bán lẻ đối thủ của Vinmart có thể lựa chọn khác thay vì hàng của Masan. Các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cũng nhân cơ hội này sẽ tìm cách cạnh tranh với Masan bằng cách đẩy hàng vào hệ thống bán lẻ khác”, TS Hiển phân tích.

Sap nhap Vinmart, Masan duoc, mat ra sao? hinh anh 2
Các công ty bán lẻ và nhà sản xuất hàng hóa có thể sẽ thay đổi chiến lược khi Vinmart ưu ái hàng hóa Masan. Ảnh: Việt Đức.
Ông Khoa cũng có nhận định hàng tiêu dùng của Masan sẽ hưởng lợi thêm từ sức mạnh kênh phân phối mới do chính doanh nghiệp sở hữu. Tuy nhiên, chuyên viên phân tích này đánh giá mức độ hiệu quả chưa thể biết chắc do vận hành hệ thống phân phối sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí.

Bên cạnh đó, TS Hiển cho rằng cần phải xem xét thêm việc liệu mô hình mới của Masan có đi theo xu hướng thế giới hay không.

Theo ông Hiển, ngành bán lẻ truyền thống đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của thương mại điện tử phát triển ngày càng nhanh. Công ty bán lẻ tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu hiện tại chính là Amazon với mô hình thương mại điện tử kết nối tất cả nhà sản xuất và vươn dần ảnh hưởng sang những lĩnh vực khác. Thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.

Do đó, sau khi gia nhập ngành bán lẻ qua thương vụ nhận sáp nhập Vinmart, Masan sẽ phải cạnh tranh với các nhà sản xuất hàng tiêu dùng, các chuỗi bán lẻ truyền thống và cả thương mại điện tử.

Kinh nghiệm không phải là câu hỏi lớn

Trước ý kiến Masan liệu có mạo hiểm nhảy vào thị trường bán lẻ vốn cạnh tranh khốc liệt khi chưa có nhiều kinh nghiệm, TS Hiển đánh giá yếu tố kinh nghiệm chỉ mang tính tương đối.

“Vingroup cũng đâu có kinh nghiệm nhưng họ vẫn làm bán lẻ. Masan đi sau sẽ dùng kinh nghiệm của Vingroup. Họ cũng đã có kinh nghiệm phân phối hàng hóa tiêu dùng vào mạng lưới đại lý”, ông phân tích.

Theo thông tin được Vingroup và Masan xác nhận, Masan Consumer Holding sẽ giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như chính sách với nhà cung cấp.

Theo ông Khoa, nếu cam kết này được thực hiện đúng, kinh nghiệm sẽ không trở thành vấn đề của Masan khi bộ sậu điều hành Vinmart, Vinmart+ sẽ hợp tác cùng ban điều hành của công ty tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.

Thay vào đó, ông Khoa cho rằng rủi ro lớn nhất với Masan là làm sao để vận hành chuỗi bán lẻ mới hiệu quả. “Masan sẽ cần thêm rất nhiều tiền đầu tư và cả thay đổi chiến lược nữa”, ông Khoa nêu ý kiến.

Sap nhap Vinmart, Masan duoc, mat ra sao? hinh anh 3
Đồ họa: Quang Thắng.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận hàng nghìn cửa hàng, 14 nông trại với khoảng 25.000 nhân viên không phải là bài toán dễ giải. Những khác biệt trong văn hóa doanh nghiệp, quản trị là thách thức quản trị mà Masan phải xử lý trước khi tính tới chuyện đủ lực cạnh tranh với bên ngoài hay không.

Những tính toán bên trong
Năm 2018, bộ phận bán lẻ của Vingroup báo lỗ trước thuế hơn 5.100 tỷ đồng, tương đương hơn 80% khoản lợi nhuận gần 6.300 tỷ hợp nhất trước thuế của Masan trong cùng năm.

9 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của mảng bán lẻ thuộc Vingroup đạt 23.571 tỷ đồng, cao hơn con số của cả năm 2019. Nhưng Vingroup cũng phải hạch toán khoản lỗ trước thuế gần 3.500 tỷ cho bộ phận bán lẻ. Mức lỗ này bằng 68% con số gần 5.100 tỷ lãi trước thuế của Masan trong cùng kỳ.

Về tác động Masan phải chịu từ khoản lỗ trước thuế lên tới hàng nghìn tỷ của mảng bán lẻ thể hiện trên báo cáo tài chính Vingroup, TS Hiển cho rằng mỗi lĩnh vực kinh doanh có những cơ hội và đặc thù khác nhau.

Theo ông, trong ngành bán lẻ, doanh nghiệp phải có thương hiệu, người tiêu dùng rồi mới có lãi. Do đó các chuỗi đều phát triển hệ thống cửa hàng rồi mới tính tới lợi nhuận. Nhà đầu tư cũng không chỉ nhìn vào lợi nhuận trực tiếp doanh nghiệp làm ra mà quan tâm đến triển vọng công ty.

TS Hiển dẫn chứng Thế giới Di động khi phát triển chuỗi Bách Hóa Xanh cũng đang chấp nhận lỗ ban đầu.

“Masan đang tìm động lực mới và họ tin triển vọng đủ lớn. Có thể ẩn chứa bên trong là trao đổi tài chính giữa 2 tập đoàn có sức mạnh lớn hơn những tính toán lợi nhuận chúng ta đang thấy”, chuyên gia Đinh Thế Hiển kết luận.

Trong khi đó, ông Khoa dự đoán không loại trừ khả năng thương vụ giữa Masan và Vingroup có liên quan đến gã khổng lồ SK Group của Hàn Quốc.

SK trở thành nhà đầu tư chiến lược của Masan từ năm 2018 với việc rót 470 triệu USD vào công ty của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Hồi tháng 5, SK tiếp tục đầu tư 1 tỷ USD mua cổ phần Vingroup để làm đối tác chiến lược của tập đoàn do tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Zing.vn nêu câu hỏi với lãnh đạo Masan về việc chi phí tài chính để thực hiện thương vụ với Vingroup và nguồn gốc số vốn, vai trò của tập đoàn SK trong thương vụ cũng như những áp lực từ khoản lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ của VinCommerce sẽ đặt lên vai Masan. Tuy nhiên, tập đoàn từ chối bình luận thêm về thương vụ thời điểm này.

(Zing)

Related Posts