Trung Quốc chuyển nước lên phía bắc: Mekong có lo hơn?

BVD – Trung Quốc không tham gia Ủy hội sông Mekong quốc tế nhưng đã có cơ chế Lan Thương-Mekong, các bên phải hợp tác, giải quyết vấn đề an ninh nước. 

 

Hãng Reuters ngày 12/12 dẫn lời giới chức Trung Quốc cho hay nước này dự định chuyển gấp đôi lượng nước từ phía nam lên phía bắc khô cằn để có đủ nước tiêu dùng.

Giai đoạn 1 dự án hoàn tất cách đây 5 năm, kết nối Trường Giang với Hoàng Hà qua các tuyến chính ở phía đông và trung tâm, trong khi một tuyến ở phía tây chưa hoàn thành do có nhiều khó khăn hơn.

Công việc sơ bộ hiện đang được tiến hành cho giai đoạn 2, khi hoàn tất sẽ nâng lượng nước hằng năm từ 8,77 tỉ m3 hiện nay lên 16,5 tỉ m3, theo văn phòng quy hoạch thuộc Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh vài đoạn sông Mekong gần đây chuyển màu xanh lục lam, nguyên nhân chính do mực nước xuống quá thấp.

Theo phân tích sơ bộ của Ủy hội Sông Mekong (MRC), sông Mekong đang trải qua một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất, khiến mực nước hạ xuống mức thấp kỷ lục trong ít nhất 60 năm qua. Đây được cho là lý do chính khiến nước đổi màu. Mực nước xuống thấp khiến các trầm tích mịn không còn, khiến nước sông trong hơn.

Điều này đồng nghĩa với việc khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống, nước sẽ hấp thụ mạnh những màu sắc có bước sóng dài và tạo ra màu xanh lục. Hiện tượng này chỉ xuất hiện trên khu vực dài khoảng vài mét.

Thêm vào đó, nước trong hơn tạo điều kiện cho các loài thực vật siêu nhỏ hoặc tảo phát triển trên cát và lớp đá bên dưới nền trầm tích ở đáy sông, khiến nước sông có màu xanh lam.

Vì lẽ đó, thông tin Trung Quốc sắp chuyển lượng nước khổng lồ lên phía bắc càng làm dấy lên lo ngại tình trạng cạn nước, đổi màu của sông Mekong càng thêm trầm trọng.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đào Trọng Tứ (Hội Tưới tiêu Việt Nam) cho biết đây là một vấn đề lớn, cần phải đánh giá thận trọng.

Tuy nhiên, Trung Quốc kiểm soát khoảng 16% lưu lượng nước sông Mekong và vấn đề các chuyên gia lo ngại nhất hiện nay không chỉ là vấn đề Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện để trữ nước mà họ còn chuyển nước ra ngoài lưu vực sông Mekong.

Như dự án chuyển nước nam-bắc được Trung Quốc khởi xướng lần đầu vào năm 1952 do quốc gia này gặp vấn đề lớn về nước: miền nam hay ngập lụt, còn miền bắc khô cằn.

“Hiện nay đang là mùa khô, nước ở thượng nguồn xuống ít thì sẽ làm dòng chảy ở dưới ngày càng thấp. Khi nước trên thượng nguồn xuống lại qua Xayaburi và vào mùa khô, Xayaburi lại tích nước nữa thì dòng chảy ở dưới còn thấp hơn nữa.Đối với tình trạng đổi màu của sông Mekong hiện nay, theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, cần phải nghiên cứu xem nguyên nhân chính là do đâu, có tác động của việc  Trung Quốc chuyển nước hay không. Nếu Trung Quốc chuyển nước lên phía bắc, nước xuống hạ lưu sông Mekong ít hơn thì đó là vấn đề nghiêm trọng.

Cách đây hơn 1 tháng, dưới đập Xayaburi nước sông Mekong đã bị cạn và đổi mùa xanh do không có phù sa, nước nông tạo nên tảo, khi mặt trời chiếu vào tảo càng phát triển mạnh”, PGS.TS Đào Trọng Tứ nói.

Vì lẽ đó, vị chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh, phải phân tích cả chuỗi nguyên nhân khiến sông Mekong đổi màu, trong đó cần làm rõ liệu có hay không tác động của việc Trung Quốc, Thái Lan chuyển nước? 

Trước tác động lâu dài khi một số quốc gia chuyển nước, bàn về cơ chế giải quyết, PGS.TS Đào Trọng Tứ cho biết, cho đến nay, Ủy hội sông Mekong quốc tế chỉ có 4 nước hạ nguồn tham gia (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam), Trung Quốc và Myanmar là hai đối tác, không tham gia ủy hội và cả hai nước vẫn tuyên bố sẽ tham gia tích cực trong vấn đề hợp tác, cung cấp tài liệu.

Dù vậy, hiện nay còn một cơ chế ra đời từ năm 2016 là cơ chế hợp tác Lan Thương-Mekong gồm 6 quốc gia là Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Cả hai cơ chế nói trên đều có các tổ chức chính phủ tham gia, do đó, đứng trước tình trạng của sông Mekong hiện nay, theo ông Tứ, trước tiên, Ủy hội sông Mekong quốc tế – những nước ở hạ nguồn chịu trách nhiệm trực tiếp cũng là chính phủ của các nước phải bàn bạc, thảo luận, trao đổi với phía thượng nguồn để đánh giá, nguyên nhân, từ đó báo cáo với chính phủ các nước để bàn chuyện đối phó.

“Cánh tay kỹ thuật của Ủy hội sông Mekong quốc tế là Ban thư ký Ủy hội có đầy đủ các chuyên gia, họ đã tiến hành phân tích, đánh giá nguyên nhân và công khai chúng”, ông Tứ cho biết.

Bên cạnh đó, cơ chế hợp tác Lan Thương-Mekong có sự tham gia của người đứng đầu chính phủ 6 nước và nước cũng là một trong những chương trình nghị sự của cơ chế này.

“Trung Quốc không tham gia Ủy hội sông Mekong quốc tế nhưng là một thành viên của cơ chế Lan Thương – Mekong. Các quốc gia thành viên phải bàn bạc, đánh giá  vấn đề của sông Mekong, đưa nó lên cấp cao để giải quyết. Ở đây là câu chuyện lợi ích quốc gia và sự đánh đổi phát triển của mỗi nước, nếu chỉ hợp tác chiếu lệ hay chỉ chú ý những trụ cột khác mà bỏ qua vấn đề an ninh nước thì những vấn đề của sông Mekong hiện nay sẽ còn tiếp diễn và kéo dài.

Không những thế, sự phát triển thiếu hợp tác giữa các quốc gia sẽ tạo nên thách thức, không chỉ trong vấn đề an ninh nước, an ninh lương thực mà còn chuyển sang an ninh truyền thống của các quốc gia”, PGS.TS Đào Trọng Tứ lưu ý.

(datviet)

 

Related Posts