Mỹ thực hiện chiến lược toàn diện về Biển Đông

BVD – Mới đây Tuyên bố về Biển Đông của Mỹ và nhóm tàu chiến hiện đang có mặt tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa cho thấy dấu hiệu Washington đang tăng cường sức mạnh thách thức yêu sách của Trung Quốc.

Ngày 13/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đăng trên website tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo, bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington khẳng định Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý nào cho yêu sách “Đường chín đoạn”, cho rằng thế giới quan kiểu ức hiếp của Trung Quốc sẽ không có chỗ trong thế kỷ 21. Mỹ cũng khẳng định sẽ sát cánh cùng các đối tác ở Đông Nam Á và đồng minh để bảo vệ tự do hàng hải và các quyền phù hợp với luật quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo trong cuộc họp báo tại Washington D.C ngày 15/7. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo trong cuộc họp báo tại Washington D.C ngày 15/7. Ảnh: AFP.

Gregory Poling, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ, cho rằng Mỹ đã thể hiện sự ủng hộ kiên quyết hơn đối với phán quyết của Toà trọng tài quốc tế năm 2016. Ông lưu ý Mỹ không thay đổi lập trường về chủ quyền, không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ, mà thể hiện rõ hơn quan điểm đối với các quyền trên biển. Mỹ vốn coi các hoạt động của Trung Quốc ở thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước ven biển là phi pháp, nhưng đến nay mới chính thức lên tiếng. Phán quyết năm 2016 quy định hầu hết tài nguyên ở Biển Đông thuộc về các nước gần biển nhất, gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia.

“Mỹ công khai khẳng định Trung Quốc vi phạm luật quốc tế nếu đánh bắt cá, khai thác dầu và có các hoạt động kinh tế khác ở các khu vực nói trên, hoặc cản trở các quyền này của các nước láng giềng”, Poling nói.

Lucio Blanco Pitlo, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Hướng Phát triển cho Châu Á-Thái Bình Dương, Philippines, cho rằng từ tuyên bố của Pompeo cùng công thư Mỹ gửi đến Liên Hợp Quốc ngày 1/6 để phản đối yêu sách của Trung Quốc, Mỹ đang mở ra một khía cạnh mới trong nỗ lực ngăn chặn hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington không chỉ còn tập trung vào tự do hàng hải và hàng không, mà tăng cường ủng hộ luật quốc tế.

Derek Grossman, nhà phân tích thuộc Tổ chức Rand, cung cấp nghiên cứu, phân tích cho lực lượng vũ trang Mỹ, cho rằng động thái của Mỹ thể hiện sự tiến triển logic trong căng thẳng gia tăng với Trung Quốc. Từ lâu chính quyền của Tổng thống Trump đã nêu rõ Washington có kế hoạch giữ cho các nước ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “mở và tự do” không bị ép buộc. Các chiến lược an ninh, quốc phòng của Mỹ cũng công khai định hướng cạnh tranh để kiềm chế Trung Quốc ở tầm khu vực và quốc tế.

“Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo là biểu hiện mới nhất của chiến lược chung”, Grossman nói.

Mỹ và Trung Quốc từ 2019 gia tăng cạnh tranh chiến lược, khi hai bên thể hiện sự cứng rắn và quyết liệt trong cuộc chiến thương mại. Cạnh tranh dần lan sang các vấn đề khác như công nghệ và địa chính trị, trong đó có vai trò dẫn dắt ở châu Á, đặc biệt là khu vực Biển Đông.

Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS), cho rằng tuyên bố của Mỹ sẽ dẫn tới một chiến lược toàn diện hơn của Mỹ ở Biển Đông, không chỉ đơn thuần là sử dụng các công cụ quân sự để nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực.

Theo Collin, Mỹ từ lâu bị chỉ trích là thiếu chiến lược về Biển Đông, không có gì hơn ngoài việc thực hiện các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) và hợp tác an ninh với các đồng minh và đối tác ở khu vực. Dù vậy, Washington thời gian tới vẫn sẽ duy trì các hoạt động quân sự nhằm bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở khu vực. Tàu khu trục USS Ralph Johnson của Mỹ áp sát Châu Viên và Chữ Thập, hai đá Bắc Kinh cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 14/7, ngay sau khi Washington công khai tuyên bố bác yêu sách của Trung Quốc.

Ngoài ra, Mỹ có thể áp các lệnh trừng phạt với Trung Quốc, theo Collin. Năm 2019, nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio đã nêu ra đề xuất trừng phạt Trung Quốc do các vấn đề ở Biển Đông và Hoa Đông. Ngày 14/7, David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết Washington có thể ra lệnh trừng phạt để đáp trả Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Stilwell cho rằng trừng phạt là một hành động hữu hình, thể hiện rõ ràng quan điểm mà Trung Quốc có thể hiểu được.

“Nếu chính quyền Trump theo đuổi các biện pháp trừng phạt, nó có thể phát huy tác dụng”, Collin nói.

Poling ở CSIS cho rằng Washington hiện có căn cứ xác đáng để thúc đẩy các lệnh trừng phạt kinh tế với Trung Quốc, khi khẳng định các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp.

Trong các dự luật trừng phạt Trung Quốc năm 2017 và 2019, các nghị sĩ Mỹ chỉ tập trung vào các hành động nạo vét, xây dựng và các hoạt động khác ở đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép. Tuy nhiên, ông Stilwell ngày 14/7 nêu rõ vai trò của các công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc và các thực thể khác liên quan đến các hoạt động phi pháp trên biển.

“Có thể có nhiều đối tượng ở Trung Quốc bị trừng phạt hơn, so với các dự luật trước đây của Mỹ. Việc thực thi cũng có thể kịp thời hơn”, Poling nói.

Dựa trên phát biểu của Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Stilwell, bà Bonnie Glaser, cũng là chuyên gia của CSIS, cho biết các đối tượng có thể bị Mỹ trừng phạt là các công ty nhà nước Trung Quốc quản lý các tàu khảo sát, nghiên cứu trên biển.Các tàu này thời gian qua đã hoạt động trong EEZ của một số nước ven Biển Đông mà không được sự cho phép của các quốc gia này, trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Ngoài ra, Glaser cho rằng Washington có thể khuyến khích các tổ chức bảo vệ môi trường kiện Bắc Kinh ra toà do phá huỷ hệ sinh thái trên biển, bằng các hoạt động nạo vét ở các đá.

Xét đến tác động, Tiến sĩ Collin cho rằng trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng, liên quan đến một loạt vấn đề như Hong Kong, Đài Loan, Huawei, phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo có thể nâng mức độ căng thẳng hơn nữa. Nếu Washington tăng cường điều tàu tuần tra đến Biển Đông, Bắc Kinh có thể sẽ thách thức Mỹ. Do đó nguy cơ xảy ra các sự cố giữa các lực lượng trên biển và trên không của hai bên cũng gia tăng. Nếu Mỹ áp lệnh trừng phạt với Trung Quốc, các dự án thuộc Vành đai – Con đường trong khu vực Đông Nam Á có thể bị ảnh hưởng. Trong khi đó, các nước ASEAN có thể sử dụng tuyên bố của Mỹ để làm một lập luận trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc.

Grossman có chung nhận định về căng thẳng Mỹ – Trung leo thang, cho biết Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cuối tháng 5 cáo buộc Mỹ đẩy quan hệ đến “bờ vực Chiến tranh Lạnh”. Do đó, Tuyên bố Biển Đông của Mỹ sẽ khiến hai bên ngày càng thù địch. Ông cho rằng Mỹ rõ ràng có kế hoạch tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác ở khắp khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương để ngăn chặn các hành động phi pháp của Trung Quốc. Washington cũng sẽ gia tăng các hoạt động quân sự để gửi ra các thông điệp với Bắc Kinh và thách thức các yêu sách quá đáng của họ.

Tàu và máy bay Mỹ trong cuộc diễn tập ở Biển Đông ngày 6/7. Ảnh: US Navy.

Tàu và máy bay Mỹ trong cuộc diễn tập ở Biển Đông ngày 6/7. Ảnh: US Navy.

Trên khía cạnh ngoại giao, Poling ở CSIS dự báo các quan chức Mỹ có thể đưa ra những tuyên bố cứng rắn hơn với Trung Quốc tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Cấp cao Đông Á (EAS), Bộ Tứ, nhóm G7. Mỹ có thể lên án các hành động phi pháp của Trung Quốc ở mức độ mạnh mẽ hơn so với trước đây. Mỹ cũng có thể “tạo động lực” để các đối tác và đồng minh tập trung lên án Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế, không đơn thuần coi Trung Quốc gây bất ổn ở khu vực. Khi đó, cộng đồng quốc tế sẽ tạo sức ép, ảnh hưởng đến uy tín của Trung Quốc. Poling cho rằng cách tiếp cận này sẽ được duy trì đến sau bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 và “bất cứ chính quyền của đảng nào cũng khó có thể thay đổi quan điểm mới này”.

Poling dự đoán căng thẳng Mỹ – Trung sẽ tồn tại trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn Washington và cộng đồng quốc tế có thể khiến Bắc Kinh hướng tới một thoả hiệp mà thế giới có thể chấp thuận.

“Đó là cơ hội tốt nhất để giải quyết hoà bình các tranh chấp ở Biển Đông”, Poling nói.

Việt Anh. 

Related Posts