Mỹ: Giới chức quốc phòng Mỹ lo ông Trump ‘làm liều’ trong những ngày cuối

BVD – Vừa qu, Tổng thống Donald Trump sa thải hàng loạt lãnh đạo quân đội vào thời điểm nhạy cảm, khiến nhiều người lo lắng về khoảng thời gian chuyển tiếp 2 tháng tới, rằng ông có thể hành động liều lĩnh.

Đối diện nguy cơ trở thành cựu tổng thống Mỹ vì bị ông Joe Biden dẫn trước, ông Donald Trump đêm 10-11 (giờ Việt Nam) thông báo sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper.

Giới chức quốc phòng Mỹ lo ông Trump làm liều trong những ngày cuối - Ảnh 1.

Bộ trưởng Mark Esper ra đi vào thời điểm chuyển giao khá nhạy cảm – Ảnh: NYT

Như mọi khi, ông Donald Trump thông báo quyết định sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper trên Twitter, đồng thời bổ nhiệm giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Christopher C. Miller vào vị trí này.

Hai quan chức Nhà Trắng sau đó tiết lộ ông Trump vẫn chưa dừng lại, giám đốc FBI Christopher A. Wray và giám đốc CIA Gina Haspel có thể là những người kế tiếp phải ra đi.

Giới quan sát nhận xét chưa từng có tổng thống nào đi sa thải đồng loạt dàn lãnh đạo an ninh quốc gia khi chỉ còn 2 tháng nữa hết nhiệm kỳ, nhưng từ việc ông Trump từ chối buông bỏ quyền lực có thể thấy ông đang muốn lấy lại quyền hành đang bị mất ở các cơ quan quan trọng của chính phủ.

“Quyết định sa thải Bộ trưởng Esper không chỉ trẻ con mà còn liều lĩnh. Từ lâu ai cũng biết Tổng thống Trump đặt lòng trung thành lên trên hết, thường với cái giá đánh đổi là năng lực. Trong giai đoạn chuyển tiếp giữa 2 chính phủ, năng lực mới là thứ quan trọng nhất”, nghị sĩ Adam Smith của Đảng Dân chủ đánh giá.

Theo báo New York Times, ở Lầu Năm Góc, sự ra đi của ông Esper đồng nghĩa ông C. Miller sẽ chứng kiến đoạn cuối của chính quyền Trump.

Các quan chức quốc phòng đang lo ngại tổng thống có thể kích hoạt các chiến dịch quân sự, công khai hoặc bí mật, chống Iran hoặc những kẻ thù khác trong những ngày cuối.

“Theo kinh nghiệm của tôi, chỉ có vài lý do một bộ trưởng quốc phòng bị đuổi khi chính phủ chỉ còn 72 ngày. Một là dốt và làm sai – nhưng ông Esper thì ổn. Hai là trù dập – đây là cách hết sức vô trách nhiệm với an ninh quốc gia. Ba là tổng thống muốn đưa ra hành động nào đó nhưng tin rằng bộ trưởng quốc phòng sẽ từ chối – điều này thật đáng ngại.

Dù là lý do nào thì đuổi bộ trưởng quốc phòng trong những ngày chuyển giao nhạy cảm đã vi phạm trọng trách lớn nhất của một tổng thống: bảo vệ an ninh quốc gia”, nghị sĩ Dân chủ Elissa Slotkin, cựu quan chức quốc phòng Mỹ, nêu quan điểm.

Sự ra đi của ông Esper đã được dự báo từ hồi tháng 6, sau khi ông công khai bất đồng ý kiến với ông Trump về việc triển khai quân đội kiểm soát làn sóng biểu tình ở nhiều thành phố Mỹ. Ông Trump muốn nhưng ông Esper từ chối.

Các nguồn tin nói ông đã chuẩn bị tâm thế để ra đi, nhưng hi vọng sẽ tiếp tục làm việc càng lâu càng tốt để giữ ổn định công tác lãnh đạo ở Bộ Quốc phòng. Mặc dù ông Esper đã chuẩn bị sẵn đơn từ chức, các quan chức thân cận nói ông không ngờ nó sẽ xảy ra đầu tuần này.

Trong khi đó, bạn bè và đồng nghiệp của C. Miller tỏ ra ngạc nhiên khi ông được đề bạt vị trí cao như vậy, dù thành tích đặc nhiệm và chống khủng bố của ông cũng đáng nể.

Các ý kiến đánh giá ông Miller không có đủ tầm vóc để từ chối mệnh lệnh của ông Trump, dù chúng có thể nguy hiểm.

“Động thái kiểu này có lẽ khiến các quan chức quân đội rùng mình. Vấn đề không nằm ở ông Chris Miller, đơn giản vì nó tạo ra cảm giác mất ổn định, bất ổn trong công tác ra quyết sách, đúng vào thời điểm anh muốn tránh gửi thông điệp mang tính chất này ra thế giới”, Nicholas J. Rasmussen, quan chức chống khủng bố cao cấp dưới thời tổng thống Bush và Obama, nhận xét.

Related Posts