Tóm tắt nội dung cơ bản 20 chương của hiệp định RCEP

Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được 15 nước, bao gồm: Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, ký kết sáng 15/11. Hiệp định thượng mại tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, trở thành khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới. 

Hiệp định RCEP bao gồm 20 Chương và các Phụ lục. Doanh Nhân Việt Nam xin tóm tắt nội dung cơ bản của Hiệp định để quý độc giả nắm bắt rõ hơn: 

1. Phần mở đầu: Nhấn mạnh mong muốn hợp tác kinh tế của các nước thành viên Hiệp định RCEP (bao gồm các 10 nước ASEAN và 5 nước Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc)

Đề nghị hợp tác trên cơ sở mối liên kết kinh tế hiện có giữa các nước, đồng thời xem xét các chênh lệch về trình độ phát triển và có đối xử khác biệt cho các nước: Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

2. Phần Điều khoản ban đầu và định nghĩa chung: Định nghĩa giải thích các thuật ngữ được sử dụng nhiều lần trong Hiệp định. Một số thuật ngữ có tính kỹ thuật được định nghĩa riêng trong từng chương của Hiệp định.

Nội dung chính là khẳng định mục tiêu của Hiệp định RCEP là thiết lập khung khổ đối tác kinh tế.

3. Chương 2 – Thương mại hàng hóa: Bao gồm các quy định và cam kết cụ thể về tự do hóa thương mại hàng hóa. Ngoài các nghĩa vụ đối xử quốc gia, phí và phụ phí, loại bỏ các hạn chế định lượng đối với xuất nhập khẩu, hàng hóa quá cảnh… được thực hiện theo quy định của Hiệp định chung về Thuế và Thương mại của WTO (GATT), nội dung chương còn quy định về thực hiện lộ trình tự do hóa thuế quan của các bên.

Theo đó, Việt Nam chào cho các nước ASEAN và các nước đối tác tỷ lệ tự do hóa thuế quan không cao hơn mức cam kết trong các Hiệp định FTA ASEAN Cộng hiện hành, cụ thể chào cho ASEAN là 90,3%, cho Australiavà New Zealand là 89,6%, cho Nhật Bản và Hàn Quốc là 86,7%.

Với Trung Quốc, ta chào tỷ lệ tự do hóa thuế quan 85,6% (phù hợp với cam kết của Việt Nam trong Hiệp định FTA ASEAN-Trung Quốc và chính sách thuế hiện hành của ta, nhằm giảm tối đa khả năng tăng nhập siêu từ thị trường này khi thực thi Hiệp định RCEP).

Trong khi đó, các nước đối tác chào cho ta tỉ lệ tự do hóa thuế quan cao hơn ta chào cho các nước đối tác tương ứng, cụ thể Australia xóa bỏ 92%, New Zealand  xóa bỏ 91,4%, Nhật Bản xóa bỏ 90,4%, Hàn Quốc xóa bỏ 90,7% và Trung Quốc xóa bỏ 90,7%.

4. Chương 3 – Quy tắc xuất xứ: Theo quy tắc xuất xứ của Hiệp định RCEP, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong ba trường hợp sau: (i) hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên; (ii) hàng hóa được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên; (iii) hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng quy định tại Quy tắc cụ thể mặt hàng.

Trong Quy tắc cụ thể mặt hàng, ngoài việc áp dụng quy tắc hàm lượng giá trị giá khu vực (RVC) hoặc quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC), một số dòng hàng hóa chất thuộc các Chương 29 và 38 được áp dụng Quy tắc phản ứng hóa học tương đương với quy tắc RVC hoặc CTC.

Đối với Quy trình cấp và kiểm tra chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bao gồm Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), chứng từ tự khai báo xuất xứ hàng hóa của nhà xuất khẩu đủ điều kiện, chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nhà xuất khẩu.

Việt Nam cùng với các nước thành viên RCEP (trừ Campuchia, Lào, Myanmar) bắt đầu triển khai thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của nhà xuất khẩu không quá 10 năm sau ngày thực thi Hiệp định. Trường hợp chưa thể triển khai thực hiện trong 10 năm này, các nước được phép gia hạn tối đa 10 năm nữa để thực hiện cơ chế này.

5. Chương 4 – Thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại: gồm các quy định về đơn giản hóa và minh bạch hóa thủ tục hải quan, hài hòa các thủ tục hải quan với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo tính dễ dự đoán và nhất quán trong việc áp dụng các luật và quy định hải quan, đồng thời thúc đẩy quản lý hiệu quả các thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa nhanh chóng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

6. Chương 5 – Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS)SPS về cơ bản tuân thủ các nguyên tắc của Hiệp định SPS của WTO, đồng thời xác định rõ vai trò quan trọng của tính minh bạch, cơ sở khoa học trong việc xây dựng và áp dụng các biện pháp SPS của các bên, vấn đề hợp tác và nâng cao năng lực và cơ chế tham vấn kỹ thuật nhằm giải quyết các vướng mắc về SPS để thúc đẩy thương mại nông sản thực phẩm giữa các bên đối tác trong RCEP.

Đáng chú ý, các bên cũng thống nhất Chương SPS không thuộc phạm vi điều chỉnh của cơ chế Giải quyết tranh chấp của Hiệp định RCEP mặc dù việc không áp dụng cơ chế Giải quyết tranh chấp sẽ được rà soát lại hai năm sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực.

7. Chương 6 – Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp (STRACAP): nội dung chính là củng cố việc thực hiện Hiệp định về Các hàng rào kỹ thuật trong thương mại của WTO, đồng thời hướng đến mục tiêu công nhận và hiểu biết lẫn nhau về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp của mỗi nước thành viên, cũng như tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác trong lĩnh vực này.

Tương tự như Chương SPS, Chương STRACAP cũng nhấn mạnh nhu cầu hợp tác và tham vấn kỹ thuật trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến thực thi.

Chương STRACAP cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của cơ chế Giải quyết tranh chấp của Hiệp định RCEP mặc dù việc không áp dụng cơ chế Giải quyết tranh chấp sẽ được rà soát lại hai năm sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực.

8. Chương 7 – Phòng vệ thương mại: quy định việc áp dụng các biện pháp: chống bán phá giá, chống trợ cấp, biện pháp tự vệ toàn cầu và biện pháp tự vệ chuyển tiếp trong phạm vi các thành viên Hiệp định RCEP áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp.

Về tổng thể, nội dung Chương Phòng vệ thương mại về cơ bản phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong WTO và pháp luật Việt Nam về phòng vệ thương mại. Các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ toàn cầu được quy định theo hướng bảo lưu nghĩa vụ các bên theo cam kết WTO và bổ sung một số cam kết cụ thể về thông báo, tham vấn, cấm sử dụng phương pháp Quy về không (zeroing), công bố dữ liệu trọng yếu, xử lý thông tin mật và thủ tục thẩm tra tại chỗ.

9. Chương 8 – Thương mại dịch vụ: Chương Thương mại dịch vụ được xây dựng đồng thời theo hai phương thức tiếp cận chọn – cho và chọn – bỏ, tùy các nước lựa chọn cách đưa ra biểu cam kết, với các nghĩa vụ hiện diện địa phương, hội đồng quản trị, yêu cầu về hoạt động (chỉ áp dụng đối với các nước theo phương thức chọn – bỏ), đồng thời vẫn có các nghĩa vụ đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia.

Các nước lựa chọn phương thức chọn – cho phải lựa chọn một số phân ngành áp dụng nguyên tắc MFN tự động và nguyên tắc đơn phương tự do hóa chỉ tiến không lùi (ratchet), đồng thời sẽ phải chuyển đổi sang phương thức tiếp cận chọn – bỏ sau 6 năm kể từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực, với mức độ mở cửa thị trường không thấp hơn mức độ cam kết trong biểu cam kết chọn – cho.

Việt Nam lựa chọn phương thức tiếp cận chọn – cho, với mức độ mở cửa thị trường về cơ bản tương đương với mức cam kết trong khuôn khổ ASEAN và không cao hơn pháp luật hiện hành. Ta lựa chọn 6 phân ngành đã tự do hóa hoàn toàn để áp dụng nguyên tắc MFN tự động và nguyên tắc đơn phương tự do hóa. Hiệp định có quy định quá trình chuyển đổi từ biểu cam kết chọn-cho sang chọn-bỏ không yêu cầu cải thiện mức cam kết (bao gồm cả số lượng phân ngành áp dụng nguyên tắc MFN tự động), nhằm đảm bảo các dịch vụ nhạy cảm như tài chính, viễn thông tránh được khả năng phải áp dụng nghĩa vụ MFN tự động.

Ngoài các nguyên tắc chính điều chỉnh thương mại dịch vụ nói chung, Chương Thương mại dịch vụ còn bao gồm 3 Phụ lục riêng về Dịch vụ Tài chính, Dịch vụ Viễn thông và Dịch vụ Chuyên môn, trong đó:

(i) Phụ lục Dịch vụ Tài chính đưa ra các cam kết liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ tài chính, đồng thời tạo một khoảng không chính sách đảm bảo cho các cơ quan quản lý tài chính duy trì khả năng thực hiện các biện pháp hỗ trợ tính toàn vẹn và ổn định của hệ thống tài chính. So với WTO và các Hiệp định ASEAN+ khác, Hiệp định RCEP có một số quy định mới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính như nghĩa vụ về minh bạch hóa các quy định tài chính và cung cấp các dịch vụ tài chính mới (các nghĩa vụ này phù hợp với một số FTA thế hệ mới khác mà ta đã ký kết).

(ii) Phụ lục Dịch vụ viễn thông có phạm vi điều chỉnh chỉ giới hạn trong thương mại dịch vụ viễn thông công cộng, không bao gồm các chương trình phát thanh và truyền hình. Một số điều khoản mới so với WTO như chuyển mạng giữ số, bán lại dịch vụ viễn thông công cộng, cung cấp dịch vụ thuê kênh riêng, chung điểm đặt thiết bị, hệ thống cáp biển, tiếp cận hạ tầng viễn thông thụ động… Nhìn chung, mức độ cam kết về dịch vụ viễn thông cơ bản cao hơn so với cam kết của Việt Nam trong WTO nhưng thấp hơn so với cam kết trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA, và phù hợp với khung pháp lý về viễn thông hiện hành của Việt Nam.

Đặc biệt đối với hệ thống cáp biển quốc tế, Việt Nam chỉ cam kết đối với trạm cập bờ hệ thống cáp biển quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam, không cam kết đối với hình thức chung điểm đặt thiết bị, đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông công cộng nước ngoài muốn đặt thiết bị để cung cấp dịch vụ tại các trạm cập bờ thì phải tuân thủ quy định về cấp phép của Việt Nam.

(iii) Phụ lục Dịch vụ Chuyên môn chỉ mang tính khuyến khích cho việc công nhận lẫn nhau các trình độ, bằng cấp chuyên môn giữa các nước có nhu cầu, cũng như thúc đẩy phát triển tiêu chuẩn và tiêu chí chung đối với một số Dịch vụ Chuyên môn như giáo dục, bảo vệ người tiêu dùng…

10. Chương 9 – Di chuyển thể nhân: đưa ra các cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và lưu trú tạm thời của các thể nhân tham gia vào các hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, giới hạn ở 2 loại hình thể nhân là khách kinh doanh và người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nước có thể đưa ra cam kết đối với các loại hình thể nhân khác trong Biểu cam kết về di chuyển thể nhân của mỗi nước.

Đối với Việt Nam, Biểu cam kết về di chuyển thể nhân cơ bản tương tự với cam kết của ta trong WTO và trong các Hiệp định FTA ASEAN Cộng hiện hành.

11. Chương 10 – Đầu tư: Chương Đầu tư của Hiệp định RCEP bao gồm đầy đủ 4 yếu tố của một hiệp định đầu tư, gồm tự do hóa, xúc tiến, tạo thuận lợi cho đầu tư và bảo hộ đầu tư. Chương Đầu tư bao gồm các cam kết về đối xử đầu tư, đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc (MFN), yêu cầu thực hiện (PPR), quản lý cấp cao và hội đồng quản trị (SMBD), chuyển tiền, tước quyền sở hữu…

Chương Đầu tư của Hiệp định RCEP có một số cam kết cao hơn so với các hiệp định FTA ASEAN Cộng đã ký kết, như bổ sung nghĩa vụ ngoài các nghĩa vụ quy định tại Hiệp định về các Biện pháp Đầu tư liên quan đến Thương mại (TRIMs) của WTO; cam kết về MFN tự động; cam kết nghĩa vụ đơn phương tự do hóa chỉ tiến không lùi (Ratchet) đối với Danh mục A tại Danh mục bảo lưu và các biện pháp không tương thích của các nước. Tuy nhiên, nghĩa vụ Ratchet chỉ áp dụng đối với các nước sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, Chương Đầu tư của Hiệp định RCEP đã bổ sung cơ chế xem xét, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư tại một nước RCEP phù hợp với pháp luật của nước đó.

Tuy nhiên, so với các FTA ASEAN Cộng mà Việt Nam đã ký kết tại thời điểm kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP, Chương Đầu tư không có cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư (ISDS) và vấn đề tước quyền sở hữu liên quan đến thuế. Nội dung này sẽ tiếp tục được thảo luận sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực. Ngoài ra, ta bảo lưu được quy định không áp dụng Điều khoản MFN tự động trong lĩnh vực đầu tư với Việt Nam.

Đối với các nghĩa vụ như đối xử quốc gia, hội đồng quản trị, yêu cầu hoạt động, các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định RCEP không vượt quá mức cam kết của ta trong các hiệp định FTA đã ký như Hiệp định CPTPP, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

12. Chương 11 – Sở hữu trí tuệ: Chương Sở hữu trí tuệ đưa ra cách tiếp cận cân bằng và toàn diện về việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong khu vực. Chương này bao gồm các cam kết về hài hòa hóa về mức độ bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng trên cơ sở quy định Hiệp định về những khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của WTO. Bên cạnh đó, Hiệp định này có những cam kết không được đề cập trong Hiệp định TRIPS hoặc cao hơn chuẩn mực của Hiệp định TRIPS liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp như thủ tục đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, v.v.., biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, thực thi quyền trong môi trường kỹ thuật số, vấn đề bảo hộ sáng chế liên quan đến nguồn gen hoặc tri thức truyền thống; hoặc làm rõ hơn các nghĩa vụ về thực thi quyền bằng biện pháp hình sự trong Hiệp định TRIPS. Đồng thời, Chương Sở hữu trí tuệ của Hiệp định này cũng có điều khoản về hợp tác nhằm thực thi hiệu quả các cam kết.

Nhìn chung, cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định RCEP tương đối toàn diện và cao so với cam kết trong các Hiệp định khác của ASEAN. Cam kết theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các chủ sở hữu trí tuệ nhằm thu hút đầu tư ổn định, lâu dài từ bên ngoài, trong đó có các nước đối tác vào thị trường ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

13. Chương 12 – Thương mại điện tử: Nội dung thương mại điện tử trong Hiệp định RCEP chỉ gồm các cam kết ở về hợp tác, khuyến khích các nước thành viên cải thiện quy trình và quản lý thương mại bằng cách tạo môi trường thúc đẩy sử dụng các phương tiện điện tử. Tranh chấp (nếu có) phát sinh từ Chương này chỉ dừng ở các bước tham vấn và hòa giải.

Cấu trúc các trong Chương Thương mại điện tử trong Hiệp định RCEP cũng tương tự trong Hiệp định CPTPP nhưng có nội dung cam kết ở mức thấp hơn. Đặc biệt, đối với việc quản lý thông tin nhằm mục đích thương mại qua biên giới, hay việc đặt trang thiết bị máy tính (máy chủ) như là điều kiện để kinh doanh trên lãnh thổ quốc gia của một nước, Hiệp định RCEP vẫn cho phép các bên được ban hành hay duy trì bất cứ biện pháp nào nếu thấy cần thiết để bảo vệ an toàn, an ninh môi trường mạng thiết yếu của mình, phù hợp với yêu cầu của Luật An ninh mạng của ta.

14. Chương 13 – Cạnh tranh: Mục tiêu của Chương Cạnh tranh là nhằm thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và phúc lợi của người tiêu dùng. Chương này bao gồm nghĩa vụ: thông qua hoặc duy trì các luật và quy định nhằm ngăn cấm các hoạt động chống cạnh tranh và thiết lập hoặc duy trì các cơ quan có thẩm quyền để thực thi luật cạnh tranh của mình; công nhận quyền chủ quyền của nhau trong việc xây dựng và thực thi luật cạnh tranh và chính sách của mình. áp dụng hoặc duy trì luật và quy định trong nước để ngăn chặn các hành vi gian lận, gây hiểu lầm, các diễn tả sai trong thương mại; nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận các cơ chế giải quyết vấn đề của người tiêu dùng; hợp tác trong bảo vệ người tiêu dùng. Cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định RCEP sẽ không áp dụng đối với Chương này. Ngoài ra, Chương Cạnh tranh không đề cập đến vấn đề doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.

Tương tự các FTA thế hệ mới khác, Chương Cạnh tranh của Hiệp định RCEP được Việt Nam đàm phán trên cơ sở pháp luật cạnh tranh hiện hành và các pháp luật khác có liên quan. Do vậy, việc thực hiện các cam kết của Chương Cạnh tranh mang tính khả thi cao và cũng tạo điều kiện thuận lợi trong việc đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh tại thị trường Việt Nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước cũng như khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

15. Chương 14 – Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Ghi nhận đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, việc làm và đổi mới, Chương 14 yêu cầu các nước thành viên thúc đẩy việc chia sẻ thông tin về Hiệp định RCEP liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm toàn văn của Hiệp định, các luật và quy định liên quan đến thương mại và đầu tư và các thông tin liên quan đến kinh doanh hữu ích khác nhằm tăng khả năng tận dụng và hưởng lợi của các các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các cơ hội do Hiệp định RCEP tạo ra.

16. Chương 15 – Hợp tác kinh tế và kỹ thuật: Hợp tác kinh tế và kỹ thuật trong khuôn khổ Hiệp định RCEP nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên và hỗ trợ việc thực thi và tận dụng Hiệp định RCEP một cách toàn diện và hiệu quả. Theo đó, các nước sẽ tìm hiểu và thực hiện các hoạt động hợp tác kinh tế và kỹ thuật tập trung vào các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các vấn đề khác theo thỏa thuận giữa các nước. Trong đó, ưu tiên sẽ dành cho các hoạt động nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cho nước thành viên là nước đang phát triển và nước kém phát triển nhất. 

17. Chương 16 – Mua sắm của chính phủ: Chương Mua sắm của Chính phủ có mức độ cam kết thấp hơn nhiều so với Hiệp định CPTPP và EVFTA, chỉ gồm các nghĩa vụ tăng cường tính minh bạch, hợp tác và trao đổi thông tin giữa các bên về chính sách mua sắm công và không bao gồm cam kết mở cửa thị trường. Đồng thời, cơ chế giải quyết tranh chấp trong Hiệp định RCEP không áp dụng đối với Chương Mua sắm của Chính phủ.

18. Chương 17 – Các điều khoản chung và ngoại lệ: Chương 17 quy định về loại trừ chung, loại trừ an ninh, các biện pháp về thuế.

Hiệp định RCEP cho phép các nước thành viên áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn lãnh thổ, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khoẻ của con nguời, động vật, môi trường, đạo đức xã hội, bảo đảm cán cân thanh toán…, tương tự như quy định của WTO.

Đối với các biện pháp về thuế, Hiệp định RCEP không điều chỉnh các cam kết về thuế nội địa trừ trường hợp thực hiện theo quy định của WTO.

19. Chương 18 – Các điều khoản thể chế: Quy định về việc thiết lập bộ máy và thể chế giám sát thực hiện Hiệp định RCEP, bao gồm Ủy ban Thực thi Hiệp định RCEP, Ủy ban về Hàng hóa; Dịch vụ và Đầu tư; Tăng trưởng hay Phát triển bền vững; và Môi trường Kinh doanh, và các cơ quan trực thuộc khác do Ủy ban Thực thi Hiệp định RCEP thành lập. Ủy ban Thực thi Hiệp định RCEP sẽ báo cáo với các Bộ trưởng RCEP và có thể đưa các vấn đề lên các Bộ trưởng RCEP để xem xét và quyết định.

20. Chương 19 – Giải quyết tranh chấp: Chương 19 gồm các quy định nhằm xây dựng một quy trình minh bạch và hiệu quả cho việc tham vấn và giải quyết tranh chấp giữa các thành viên phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định RCEP.

21. Chương 20 – Điều khoản cuối cùng: Bao gồm các điều khoản quy định về các thủ tục chung như mối liên hệ của Hiệp định RCEP với các hiệp định khác, điều khoản gia nhập, cơ chế rà soát, điều chỉnh và hiệu lực của Hiệp định. Sau khi ký, các nước sẽ phải hoàn thành các thủ tục trong nước để đưa Hiệp định vào thực hiện và phải thông báo cho các bên khác.

Nguồn: Tài liệu gửi cơ quan báo chí về Hiệp định RCEP của Bộ Công thương

Related Posts