BVD – Tin tức đại dịch 02.05: Thế giới trên 152 triệu ca nhiễm, hơn 3.200.000 người tử vong, Ấn Độ mỗi ngày trên 400.000 ca nhiễm mới.

Theo trang worldometers.info, tính đến 08 giờ ngày 2/5 (giờ Berlin), thế giới ghi nhận tổng cộng 152.834.028 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.207.003 ca tử vong, 130.122.342 bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục; hơn 19,5 triệu bệnh nhân dương tính, trong đó có 111.949 ca nặng cần được chăm sóc đặc biệt

Đứng đầu thế giới về số ca mắc và ca tử vong là Mỹ, lần lượt là 33.146.008 ca mắc và 590.704 ca tử vong. Nước này cũng ghi nhận 42.034 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua.

Ấn Độ vẫn đang là điểm nóng dịch bệnh của thế giới, với số ca mắc mới và tử vong liên tục tăng lên những mức cao chưa từng thấy.

Theo thống kê chính thức, quốc gia Nam Á lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới trong ngày vượt mốc 400.000 với hơn 402.110 ca mắc mới và 3.523 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua.

Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ là 19.157.094, trong đó có 211.835 ca tử vong, đứng thứ hai thế giới. Trước tình hình này, chính phủ cho biết sẽ tiến hành tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho tất cả người trưởng thành, song kế hoạch trên gặp trở ngại do nhiều bang không có lượng vaccine dự trữ trong khi hệ thống y tế quá tải do số ca mắc tăng đột biến.

Theo kế hoạch, nhà chức trách sẽ kéo dài lệnh phong tỏa thêm 1 tuần nữa tại thủ đô New Delhi, ảnh hưởng đến 20 triệu người ở khu vực này.

Trong khi đó, giới chức Mỹ thông báo kể từ ngày 4/5, sẽ cấm nhập cảnh đối với hành khách đi từ Ấn Độ. chỉ trừ công dân Mỹ, nhân viên cứu trợ và sinh viên. Australia cũng ban hành biện pháp siết chặt nhập cảnh.

Theo đó, những người từ Ấn Độ bất chấp lệnh cấm, cố tình đến Australia sẽ phải chịu phạt 5 năm tù giam. Trước đó, nước này đã ra lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách từ Ấn Độ ít nhất đến ngày 15/5 tới.

Brazil đứng thứ ba thế giới với 14.665.962 ca mắc và 404.287 ca tử vong. Nước này cũng ghi nhận hơn 73.000 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua.

Đáng chú ý, số ca tử vong do Covid-19 tại Brazil trong tháng 4 là 82.266 ca, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp có số ca tử vong cao kỷ lục trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang vật lộn với dịch bệnh.

Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan ghi nhận ngày có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất, trong khi tình hình dịch bệnh có dấu hiệu tạm lắng ở Lào và Campuchia.

Ngày 1/5, Thái Lan có thêm 21 ca tử vong – mức tăng trong 1 ngày cao nhất từ trước tới nay. Cũng trong 24 giờ qua, nước này có thêm 1.891 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên tới 67.022 ca, bao gồm 224 ca tử vong.

Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 tại Lào đang có chiều hướng tạm lắng khi số ca mắc mới duy trì ở mức hai chữ số trong 5 ngày qua. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 64 ca mắc mới tại 4/18 tỉnh, thành trên cả nước, giảm cả về số ca mắc lẫn số tỉnh có ca mắc.

Tới nay, Lào có tổng cộng 821 ca mắc Covid-19, trong đó có tới 773 ca mới phát hiện từ đầu tháng 4 đến nay, cao hơn 20 lần so với số ca bệnh của nước này trong năm 2020.

Cùng ngày 1/5, Bộ Y tế Campuchia xác nhận thêm 388 ca mắc mới Covid-19, giảm khoảng 50% so với một ngày trước đó. Như vậy, Campuchia hiện có tổng cộng hơn 13.790 ca mắc Covid-19, trong đó 5.200 ca đã hồi phục và 96 ca tử vong.

Chính quyền tỉnh Preah Sihanouk ngày 1/5 đã công bố danh tính 124 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, gồm các tiểu thương chợ Phsar Leu và thân nhân cùng những người có liên quan.

Tại thủ đô Phnom Penh, sau khi xảy ra một số vụ biểu tình đòi chính quyền phân phối lương thực tại các “Khu vực Đỏ” bị phong tỏa phòng Covid-19, người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Sipphan đã yêu cầu ngừng ngay những lời lẽ kích động trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực ứng phó với đại dịch.

Theo thông báo của Cơ quan phát ngôn chính phủ Campuchia, một số kẻ cơ hội đã lợi dụng mạng xã hội để tung thông tin kích động và tạo bất ổn xã hội. Ông Phay Siphan khẳng định những đối tượng này phải ngừng ngay hành động gây rối loạn xã hội hoặc sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Từ ngày 1/5, lực lượng quân y Campuchia bắt đầu chiến dịch tiêm phòng quy mô lớn cho khoảng 500.000 người ở 4 quận thuộc “Khu vực Đỏ” của thủ đô Phnom Penh.

“Khu vực Đỏ” ở Phnom Penh có tổng số 805.033 người dân và công nhân cần được tiêm phòng Covid-19. Khoảng 29% trong số này (tương đương 233.460 người) đã được tiêm phòng và khoảng 100.000 công nhân tiếp tục được tiêm mũi thứ hai.

Bộ Quốc phòng Campuchia chuẩn bị sẵn sàng 500.000 liều vaccine Sinovac và 400.000 liều Sinopharm trong kho dự trữ. Theo Tướng Tea Banh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, chỉ trong một tháng, quân đội nước này sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm phòng Covid-19 cho người dân “Khu vực Đỏ”.

Tính đến nay, Campuchia đã nhận được tổng cộng hơn 4 triệu liều vaccine phòng Covid-19 gồm 3 loại là Sinovac, Sinopharm (do Trung Quốc sản xuất) và AstraZeneca (do Ấn Độ sản xuất).

Trong khi đó, trong 24 giờ qua, Thái Lan đã ghi nhận thêm 1.940 ca mắc mới Covid-19, đưa tổng số các ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 68.984 ca. Số ca mắc mới ghi nhận ngày 2/5 cao hơn con số 1.891 ca công bố một ngày trước đó.

Cũng trong 24 giờ qua, số người tử vong do mắc Covid-19 tại Thái Lan đã tăng thêm 21 người, đưa tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh lên 245 người. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số người tử vong vì Covid-19 trong một ngày tại Thái Lan ở mức cao nhất từ trước tới nay.

Trong khi đó, nhà chức trách y tế Thái Lan đã chuyển hướng tập trung vào các ca nhiễm trong hộ gia đình khi số ca mắc mới giữa các thành viên trong gia đình tiếp tục tăng ở mức báo động. Phần lớn các trường hợp tử vong, với độ tuổi trung bình là 73, đều nhiễm virus SARS-CoV-2 từ gia đình họ.

Tại khu vực Mỹ Latinh và CaribbeanCuba vừa trải qua tháng dịch bệnh tồi tệ nhất với tổng cộng 30.431 ca mắc trong tháng 4, tăng 4.655 ca so với tháng trước, trong khi số ca tử vong đã tăng gấp 2 lần lên 219 ca.

Tính đến nay, Cuba ghi nhận tổng cộng 106.707 ca nhiễm và 644 ca tử vong. Thủ đô Havana hiện là tâm dịch Covid-19 với tỷ lệ lây nhiễm 440,1/100.000 người – mức cao nhất trên cả nước.

Ở Argentina, Tổng thống Alberto Fernandez ngày 30/4 đã quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm ban đêm tại thủ đô Buenos Aires thêm 3 tuần. Theo đó, lệnh giới nghiêm đang được thực hiện từ 20h ngày hôm trước đến 6h sáng hôm sau, sẽ có hiệu lực đến ngày 21/5.

Tính đến nay, Argentina ghi nhận gần 3 triệu ca nhiễm và hơn 63.000 ca tử vong do Covid-19 và là quốc gia chịu ảnh hưởng dịch bệnh thứ 2 tại Nam Mỹ, sau Brazil – nước có tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 14,66 triệu ca nhiễm (cao thứ 3 trên thế giới) và 404.287 ca tử vong.

Trong khi đó, bất chấp biện pháp hạn chế đông người để phòng dịch, biểu tình đã nổ ra tại một số nước châu Âu nhằm phản đối lệnh phong tỏa.

Cảnh sát Bỉ đã phải dùng tới vòi rồng và đạn hơi cay để giải tán hàng trăm người, chủ yếu là thanh niên, tụ tập ở một công viên tại thủ đô Brussels phản đối các quy định về phong tỏa.

Bất chấp lời kêu gọi của Thủ tướng Alexander de Croo về việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid-19, cuộc biểu tình vẫn diễn ra, buộc hàng trăm cảnh sát phải triển khai tới công viên Bois de la Cambre để kiểm soát tình hình.

Ngoài ra, cảnh sát phải huy động cả trực thăng và thiết bị bay không người lái, cũng như liên tục nhắc nhở đám đông về việc đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách xã hội.

Cùng ngày, đám đông cũng tụ tập tại thủ đô của Phần Lan và Thụy Điển để phản đối những quy định của chính phủ về chống dịch Covid-19.

Tại thủ đô Helsinki, khoảng 300 người đã tham dự một sự kiện, buộc cảnh sát can thiệp và bắt giữ khoảng 50 người.

Còn tại thủ đô Stockholm, khoảng 500-600 người cũng đã tuần hành. Sự kiện này kéo dài hơn hai giờ, bất chấp những nỗ lực giải tán của cảnh sát Thụy Điển.

Related Posts