Đức nguy cơ mất khả năng phòng vệ nếu gửi thêm vũ khí cho Ukraine; Tướng quân sự Đức cảnh báo sức mạnh quân sự Nga

Bộ trưởng Quốc phòng Đức cảnh báo nước này không thể gửi thêm vũ khí cho Ukraine, nếu Berlin muốn duy trì năng lực phòng vệ quốc gia.

“Là bộ trưởng quốc phòng, tôi phải thừa nhận hoạt động rút kho vũ khí để hỗ trợ bên ngoài đang chạm ngưỡng giới hạn”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht phát biểu trong phiên họp nội các ngày 30/8. Bà cho rằng Đức không thể gửi thêm vũ khí đến Ukraine, nếu muốn duy trì khả năng tự phòng vệ.

Theo bà Lambrecht, các lực lượng vũ trang Đức phải có đủ năng lực đảm bảo an ninh quốc gia cũng như khu vực và điều này cần “được tiếp tục duy trì”.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht phát biểu tại nhà khách chính phủ Schloss Meseberg gần thị trấn Gransee, bang Brandenburg, ngày 30/8. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht phát biểu tại nhà khách chính phủ Schloss Meseberg gần thị trấn Gransee, bang Brandenburg, ngày 30/8. Ảnh: Reuters.

Đức đã viện trợ nhiều vũ khí, trang bị cho Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, trong đó có nhiều vũ khí hạng nặng như pháo tự hành, pháo phản lực phóng loạt và tổ hợp phòng không. Ngày 23/8, Đức thông báo sẽ cung cấp thêm hơn 500 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Thủ tướng Đức hôm 29/8 nói nước này có thể nhận trách nhiệm đặc biệt về xây dựng các năng lực pháo binh và phòng không cho Ukraine.

Bà Lambrecht giữa tháng 7 từng cảnh báo khả năng viện trợ vũ khí của Đức cho Ukraine là có hạn và Berlin “không thể cho đi thêm nữa”.

Tư lệnh quân đội Đức cảnh báo phương Tây không nên đánh giá thấp sức mạnh quân sự của Nga và Moskva đủ sức mở mặt trận thứ hai ngoài Ukraine.

“Phần lớn lực lượng bộ binh của Nga có thể đang bị trói chân ở Ukraine lúc này nhưng dù vậy, chúng ta cũng không nên đánh giá thấp khả năng lục quân Nga mở mặt trận thứ hai”, tướng Eberhard Zorn, tư lệnh quân đội Đức, nói trong cuộc phỏng vấn ngày 31/8.

Tướng Eberhard Zorn trong một sự kiện ở Schwielowsee, Đức, hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.

Tướng Eberhard Zorn trong một sự kiện ở Schwielowsee, Đức, hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.

Ông Zorn giải thích rằng ngoài lục quân, lực lượng vũ trang Nga còn có hải quân và không quân.

“Phần lớn hải quân Nga chưa được triển khai trong cuộc chiến ở Ukraine, còn lực lượng không quân Nga cũng có tiềm lực rất đáng gờm, cũng có khả năng đe dọa NATO”, Tư lệnh quân đội Đức nói.

Quân đội Đức thường xuyên điều chiến đấu cơ hỗ trợ NATO thực hiện các nhiệm vụ tuần tra trên vùng trời Baltic, đồng thời sở hữu một trong những hạm đội hải quân mạnh nhất khu vực. Lực lượng này đang theo dõi sát sao những diễn biến ở Biển Baltic, khu vực cửa ngõ của Đức.

Một điểm nóng tại khu vực này là Kaliningrad, lãnh thổ hải ngoại của Nga nằm giữa các thành viên NATO là Ba Lan và Litva, nơi Hạm đội Baltic của hải quân Nga đóng quân và là địa điểm Nga có thể triển khai Iskander, tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Moskva từng đe dọa bố trí vũ khí siêu vượt âm và hạt nhân ở Kaliningrad nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Ông Zorn cảnh báo Nga vẫn còn lực lượng dự bị lớn và hoàn toàn có khả năng mở rộng xung đột trong khu vực dù “có vẻ đây là điều phi lý”.

Đề cập đến tình hình chiến sự ở Ukraine, ông nhận định đà tấn công của Nga đã chậm lại, nhưng chưa ngừng hẳn. “Nhờ hỏa lực pháo binh hỗ trợ, họ vẫn tiến về phía trước”, ông nói.

Tư lệnh quân đội Đức nhận định Nga vẫn còn kho pháo đạn dồi dào. “Số đạn pháo này phần lớn đã cũ và không chính xác, nhưng có thể phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng dân sự. Họ bắn khoảng 40.000-60.000 viên pháo mỗi ngày”.

Tuy nhiên, tướng Zorn cho rằng lực lượng Nga sẽ không tiến hành các chiến dịch tấn công thọc sâu vào lãnh thổ Ukraine như trước đây, trong bối cảnh Kiev đang phát động một chiến dịch phản công ở miền nam. Ông cho rằng cả hai bên đều sẽ không tiến hành được những đòn đánh mang tính quyết định trong tương lai gần.

Nguồn  : https://vnexpress.net/tuong-duc-canh-bao-khong-coi-thuong-suc-manh-quan-su-nga-4506291.html

Related Posts