160 năm bộ phim ” Bi kịch thời nào cũng thế ” vẫn còn giá trị

Một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Gustave Flaubert ra mắt độc giả năm 1856, gây một tiếng vang lớn thời ấy, cho đến giờ vẫn giữ nguyên giá trị của nó khi cho thấy những bi kịch gia đình, tâm lý của người phụ nữ và những cám dỗ cuộc đời thời nào cũng thế, vẫn nguyên bản chất.

Madame Bovary: Bi kich gia dinh thoi nao cung the - Anh 1

Ở thế kỷ 19, khi phụ nữ vẫn chỉ là vật trang sức trong nhà và cuộc đời họ cũng chỉ quanh quẩn với 4 bức tường cùng công việc nội trợ thì những gì bà Bovary hành động đáng để trở thành một quả bom lớn tấn công thẳng vào những giá trị truyền thống giả tạo và dễ bị người đời buông lời cay nghiệt: Đồ lăng loàn! Thế nhưng, với cách dẫn dắt của nữ đạo diễn Sophie Barthes cho thấy, người con gái nào trước khi lấy chồng cũng đều rất thánh thiện, cô còn được dạy dỗ trong trường dòng từ khi mẹ mất và bởi vậy, họ hy vọng các cô gái sẽ như một sản phẩm công nghiệp, tâm hồn được đúc khuôn chỉ để làm tròn nghĩa vụ làm vợ làm mẹ. Còn những mong ước thầm kín của phụ nữ như được bay nhảy, được đi đến mọi nơi họ muốn không có trong những hành động cuộc đời của một người phụ nữ đoan chính.

Cô đơn trong vòng tay yêu thương

Những tưởng một cô gái ngoan hiền sẽ cam phận làm vợ một bác sĩ nông thôn, một người đàn ông yêu chiều vợ hết mực và cũng rất tận tâm với công việc… sẽ chẳng còn chuyện gì mà nói. Hơn nữa, với mọi phụ nữ, ước mơ về một người chồng tử tế, biết tôn trọng phụ nữ, yêu thương người vợ, coi trọng gia đình, siêng năng công việc làquá sức tuyệt vời. Tuy nhiên, đó là điều chưa đủ với những tâm hồn bay bổng, lãng mạn và rất có khiếu thẩm mỹ về thời trang và nội thất như bà Bovary. Cô không chịu nổi cuộc sống có phần nhàm chán và tù túng như thế. Cô vẫn còn những ước mơ chưa thực hiện được, muốn đi đến Paris, mặc những bộ trang phục đẹp và được đi dự những buổi hòa nhạc hoành tráng…, nhưng với một ông chồng lành như cục đất, thậm chí chẳng có ý nghĩ rời khỏi thị trấn nhỏ Yonville, đồng nghĩa với những “tham vọng” ấy của bà Bovary khó thành hiện thực. Bởi vậy, việc cô vợ trẻ ngây thơ ngã vào vòng tay từ ngài hầu tước đến viên lục sự trẻ tuổi là điều dễ hiểu của thời nay. Với cô, hành động này là để tâm hồn mình còn có chút hy vọng sẽ có gì đó đổi mới trong tương lai, hoặc ít ra, họ cũng khiến cuộc sống của cô bớt nhàm chán. Nhưng ảo vọng của một người phụ nữ cũng sớm tắt lụi khi những người tình của cô lộ rõ bộ mặt là những kẻ sở khanh, chúng chỉ vui chơi qua đường và sẵn sàng hẩy cô ra khỏi vòng tay chỉ trong chớp mắt nếu có nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của chúng.

Hẳn là người chồng – bác sĩ Charles Bovary – cũng đoán biết được nhữnghành động ngoại tình của vợ, nhưng là người yêu chiều bà Bovary hết lòng, anh không thể cáu giận hay giãi bày tấm lòng cho cô hiểu mà đó cũng chính là một tác nhân khiến cô gái bé nhỏ thấy mình cô đơn trong sự bình yên đáng sợ. Bởi vậy, sự sẻ chia, đồng cảm luôn là điều cần thiết trong quan hệ vợ chồng, bởi có thấu hiểu nhau, sợi dây gắn kết mới liền lạc. Còn nếu chỉ yêu thương mà không nói được thành lời thì sự cô đơn của một người phụ nữ trong vòng tay chồng cũng sẽ giết chính tâm hồn của cô.

Ngay cả lúc cô vợ trẻ định đến nhà thờ xưng tội với cha xứ về những tình cảm không đáng có của cô với viên lục sự Leon, cô cũng không được toại nguyện mà phải câm lặng ra về vì quan niệm, mọi người phụ nữ đều đoan chính, chỉ ý nghĩ ngoại tình thôi cũng không được giãi bày chứ đừng nói đến hành động. Một vị cha xứ tự coi mình là “bác sĩ chữa tâm hồn” nhưng chính ông cũng chối bỏ “chữa trị” cho người phụ nữ tuyệt vọng, và rồi đến khi cô đã quá chán nản với mọi phép tắc bủa vây, lúc ấy đã quá muộn để hàn gắn mọi vết thương lòng.

Nếu chỉ nhìn bên ngoài, những tưởng gia đình bà Bovary “kiểu mẫu” quá rồi, nhưng “trong chăn mới biết chăn có rận”, chỉ duy có gã Lheureux, kẻ chuyên phục vụ các quý bà mới có thể hiểu hết khát vọng của họ và dễ dàng đưa những người phụ nữ đáng thương trở thành nạn nhân của hắn. Lheureux nhìn được những bi kịch gia đình, những suy tư thầm kín của những bà vợ cô đơn, để rồi lợi dụng những điểm yếu ấy kiếm lợi. Có thể mọi khát khao của phụ nữ đều giống nhau, tuy nhiên, nếu ở thời nay, bà Bovary sẽ không tuyệt vọng đến mức uống thuốc độc tự tử như trong phim, bởi các thiếu phụ thế kỷ 21 có đủ bản lĩnh và sự khôn ngoan để vượt qua những biến cố trong đời.

Bi kịch thể hiện qua từng bộ váy

Một điều không thể không nhắc đến trong phim đó là vai trò quan trọng của trang phục. Từ một cô nữ sinh trường tu, madame Bovary ăn mặc kín đáo với những màu trầm chủ yếu là đen, bộ váy có màu sắc nhất của cô là xanh cổ vịt. Thậm chí, thông qua trang phục, đạo diễn cũng cho khán giả cảm nhận được sự ngột ngạt phụ thuộc của người phụ nữ bởi đến chiếc váy cũng không tự cởi vì chúng được buộc và thắt nút từ phía sau, cần nhờ người tháo hộ. Trang phục của người vợ trẻ khi ấy cũng chỉ quẩn quanh vài bộ váy “đạo đức” buồn tẻ.

Madame Bovary: Bi kich gia dinh thoi nao cung the - Anh 2

Nhưng từ khi madame quen với vị hầu tước, cuộc sống của cô sang trang mới, trang phục của cô nhiều màu sắc hơn và cực kỳ có sức sống, từ vàng, đỏ, cam, xanh ngọc với những chất liệu xa hoa, và đặc biệt, chúng đều mở khuy ở phía trước, chứng tỏ sự chủ động của người phụ nữ. Cổ của những bộ váy không còn “kín cổng” mà đã được khoét rộng, để lộ bờ vai nuột nà, cực kỳ quyến rũ. Bên cạnh đó, vợ một bác sĩ nông thôn cũng vung tay mua rèm thêu cầu kỳ, chân nến vàng, bàn ghế ăn bằng gỗ hảo hạng, đóng cầu kỳ… khiến bộ mặt ngôi nhà được nhiều người trầm trồ bởi vẻ tinh tế, khác biệt so với những ngôi nhà nông thôn, nơi có những con đường đất lầy lội. Vẻ xa hoa ấy như lạc lõng giữa chốn quê mùa, nó cũng giống như tâm hồn bà Bovary khác biệt, không được đặt đúng nơi nó xứng đáng và vì thế mới gây nên bi kịch.

Madame Bovary: Bi kich gia dinh thoi nao cung the - Anh 3

Khi bị phản bội, sự ủ rũ của một thiếu phụ trẻ chỉ có thể “vực dậy” được bằng những lần ra tỉnh, đi xem hát và đó cũng là dịp để bà Bovary lại được may những bộ váy áo lộng lẫy, đúng sở thích của cô. Thậm chí, không ít những bài bình về bộ phim đã phải thốt lên rằng: Madame Bovary với những trang phục tinh tế xuyên suốt bộ phim giống như một show trình diễn thời trang đẹp mắt.

Thử tưởng tượng, nếu madame Bovary là một phụ nữ hiện đại, dù cô bị bó buộc bởi nhiều rào cản và quy luật xã hội, với năng khiếu thẩm mỹ tinh tế, rất có thể cô sẽ tham gia vào làng thời trang, trở thành một NTK hay ít nhất là một chuyên gia bán hàng trong lĩnh vực nội thất. Cô sẽ có đủ tiền để trang trải những ý thích về trang phục đẹp, đủ tiền mua đồ nội thất đắt tiền xa hoa mà không phải nợ nần đến 10.000 franc, cùng với nỗi tuyệt vọng bị bỏ rơi. Sự bế tắc của người phụ nữ thế kỷ 19 hoàn toàn có thể được giải tỏa ở thế kỷ 21, nhưng nỗi buồn, sự cô đơn và tuyệt vọng trong hôn nhân thì vẫn còn nguyên, thời nào cũng vậy.

Thu Hương ( theo báo Mới )

Related Posts