Di sản gây bất ngờ nhất của ông Obama: Nghệ thuật làm cha
Tờ Washington Post đã phân tích các đời tổng thống của nước Mỹ và nhận thấy cách làm cha của ông Barack Obama thật phi thường.
Một thời gian ngắn trước cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở Illinois vào năm 2004, nơi Obama đã dành chiến thắng vang dội, ông đang trong thời kỳ gặt hái được vô số thắng lợi. Sau khoảng một năm vận động không ngừng nghỉ, ông Obama khi đó là thượng nghị sỹ bang Illinois đã kêu gọi được số tiền tài trợ nhiều hơn bất cứ đối thủ nào của mình, và con đường tiến tới đề cử tổng thống dường như đã được đảm bảo.
Nhưng những cố vấn thân cận nhất của Obama cảm thấy tâm trạng ứng cử viên tổng thống 42 tuổi, người khi đó đang phải sống xa hai con gái Malia, 5 tuổi, và Sasha, 2 tuổi, có vẻ không được tốt. Theo lời kể của trợ lý Valerie Jarrett cho người viết tiểu sử Richard Wolfe, bà đã hẹn Obama đi ăn trưa tại phòng tập cao cấp East Bank Club ở Chicago.
“Có chuyện gì vậy?” Obama hỏi Jarrett.
Jarrett trả lời: “Trái tim ông không nằm trong cuộc bầu cử. Ông đang gặp chuyện gì vậy?”
“Tôi nhớ các con tôi,” Obama nói, nước mắt bắt đầu tràn lên khóe mắt. “Tôi không muốn trở thành người giống như cha tôi.” Nhưng sau khi trấn tĩnh lại, ông nói thêm rằng, “Tôi sẽ tự sắp xếp. Tôi sẽ ổn thôi.”
Đối với Obama, một trong những điều ông mong chờ nhất khi đắc cử ghế tổng thống Mỹ ở tuổi 47 là sự kiện cho thấy ông hoàn toàn không giống cha đẻ. Ông Barack Obama Sr. đã gần như vắng mặt trong suốt cuộc đời của Tổng thống Obama. Thay vì đi theo vết xe vô trách nhiệm của cha đẻ, ông Obama mong muốn trở thành một phụ huynh luôn đề cao việc nuôi dạy con cái.
Với bản chất của một người chăm sóc, Obama là một trong số những tổng thống Mỹ mẫu mực nhất trong việc làm cha – các chuyên gia phát triển trẻ em gọi đây là mẫu phụ huynh “uy quyền.” Những người cha theo phong cách này rất thương yêu con, nhưng đồng thời luôn đặt ra những giới hạn chắc chắn.
Một số ít tổng thống Mỹ khác cũng thuộc phong cách này bao gồm James Monroe, Rutherford B. Hayes, Harry Truman và Gerald Ford. Truman rất yêu cô con gái độc nhất của mình, Margaret, người tự đánh giá bản thân là “cô con gái rượu của bố.”
Ngược lại, phần lớn những người tiền nhiệm của ông Obama lại bị cuốn vào vòng xoáy của chính trị và dành ít thời gian cho các con.
Lyndon Johnson hầu như chẳng bao giờ nhìn thấy hai cô con gái nhỏ của mình, Lynda và Luci, trong thời kỳ đóng vai trò lãnh đạo đa số Thượng viện. Chỉ sau khi trải qua một cơn đau tim vào năm 1955, ông mới bắt đầu nhận ra rằng cuộc đời của ông “lệch lạc đến mức nực cười … [và rằng] bên cạnh công việc của tôi còn có những điều khác nữa.”
Mặc dù Jimmy Carter thỉnh thoảng cũng dành thời gian chơi đùa với đứa con nhỏ nhất của ông, Amy, song ông lại vắng bóng trong cuộc sống của ba người anh lớn của Amy là Jack, Chip và Jeff. “[Cha tôi] có việc riêng để làm,” Jack chia sẻ vào năm 2003, “và tôi không nghĩ rằng bạn có thể trở thành tổng thống nếu bạn không dấn thân.”
Tương tự như vậy, George Herbert Walker Bush (Bush cha) đã để lại năm đứa con cho gia đình, bạn bè và người thân trông nom. “Ít nhất thì chúng tôi đã không bị lùa vào chuồng,” con trai Jeb Bush của ông pha trò sau này.
Trong 2 cô con gái của Obama, Malia được sinh ra vào mùa hè – vào đúng ngày 4 tháng 7 năm 1998. Suốt ba tháng đầu đời của con gái, ông Obama đã rất vui mừng khi được giúp đỡ vợ mình, bà Michelle, thay tã và ru Malia ngủ.
Nhưng khi mùa thu đến, ông Obama – khi ấy vẫn là thượng nghị sỹ Chicago, phải rời xa gia đình ít nhất 3, 4 ngày trong một tuần. Tới đầu năm 2007, khi vừa đảm nhiệm công việc của một thượng nghị sỹ Mỹ, vừa là ứng cử viên tổng thống toàn thời gian, ông Obama đã buộc phải dồn gần hết trách nhiệm nuôi dạy con cái cho bà Michelle.
Ông đã rất muốn được kết nối lại với gia đình mình. Vì thế, ngay sau khi nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Obama đã thiết lập một điều mà phóng viên Jodi Kantor của tờ New York Times đã gọi là “quy tắc bất thường đối với một tổng thống.”
Cụ thể, Obama thông báo với tất cả các phụ tá của mình rằng ông sẽ ăn tối với gia đình ít nhất 5 bữa một tuần. Như vậy ông chỉ còn 2 bữa mỗi tuần để tới các sự kiện gây quỹ hay ăn tối với các chính trị gia.
Trong các bữa ăn như thế, vào đúng 6 giờ 30 phút, Obama và vợ sẽ ngồi xuống bàn ăn tại Nhà Trắng cùng các con. Bữa ăn không có sự tham gia của bất kỳ người ngoài nào – thậm chí không có mặt cả mẹ của bà Michelle là bà Marian Robinson.
Theo quan sát của cựu trợ lý Reggie Love, bữa tối với gia đình được ông Obama coi “như một cuộc họp trong phòng họp khẩn.” Khi bữa tối ấy diễn ra, mọi công việc đều phải dừng lại. Phụ tá hiếm khi dám làm phiền ông Obama vào giờ ăn tối thiêng liêng. Đáng chú ý là ông Obama cũng rất thường xuyên ăn sáng cùng các con gái.
Hiện Obama có thể tự hào về những gì ông đã làm được với tư cách một người cha. Ông đã đọc thành tiếng cùng với Malia toàn bộ 7 cuốn trong bộ truyện Harry Potter. Mùa thu đầu tiên trên cương vị tổng thống, ông đã sắp xếp thời gian để đọc toàn bộ cuốn sách “Cuộc đời của Pi” của tác giả Yann Martel cho Sasha nghe.
Trái ngược hoàn toàn với người cha vô trách nhiệm của mình, Obama luôn có mặt đầy đủ tại các buổi họp phụ huynh của hai con gái. Ông đã được công nhận là một người cha kiểu mẫu.
Cảm giác mất mát và bị xa lánh mà Obama miêu tả trong cuốn sách “Dreams from My Father” (tạm dịch: Những giấc mơ từ cha tôi) đã trở thành động lực để ông thay đổi cuộc sống, số phận của mình.
“Tôi là một người đàn ông da đen lớn lên mà không có cha ở bên, và tôi biết cái giá tôi phải trả vì điều đó,” ông Obama từng phát biểu trong khuôn khổ chương trình Vượt qua Đói nghèo tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo Công giáo và Tin lành được tổ chức tại Đại học Georgetown vào năm 2015.
“Và tôi cũng biết rằng mình có khả năng phá vỡ vòng luẩn quẩn đó, với kết quả là cuộc sống của các con gái tôi đã trở nên tốt hơn.”
Ông Obama cũng cố gắng biến câu chuyện của riêng mình thành yếu tố giúp thay đổi chính sách công. Ông từng nói rằng vấn đề bỏ hoang nhà cửa, đang gây thiệt hại tại các thành phố như Baltimore, có thể được giải quyết nếu nam giới da đen nghèo khó ở những nơi này có động lực để làm cho con cái họ những việc mà cha đẻ chưa bao giờ làm cho họ.
Trải nghiệm cá nhân cũng là lý do ông thiết lập sáng kiến My Brother’s Keeper vào năm 2014. Đây là một sáng kiến dựa vào cộng đồng, được thiết kế để giúp đỡ các thanh niên da màu trẻ tuổi phát huy được đầy đủ tiềm năng của họ. Obama gợi ý rằng ông có dự định tiếp tục góp sức cho sáng kiến này sau khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống.
Và như thế, có thể thấy với ông Obama, nuôi dạy con tốt là một công cụ mạnh mẽ để biến đổi xã hội. Điều này cũng có thể trở thành một phần quan trọng trong di sản ông để lại./.
Theo Vietnam+