Phi công L39 nhiều lần được chỉ huy yêu cầu nhảy dù

Chỉ huy nhiều lần yêu cầu thượng sĩ Trung nhảy dù nhưng học viên phi công được cho là đã tận dụng những giây cuối lái phi cơ ra khỏi khu dân cư, trước khi rơi xuống.

phi-cong-l39-nhieu-lan-duoc-chi-huy-yeu-cau-nhay-du

Phi công cố gắng tận dụng những giây phút cuối cùng lái máy bay ra khỏi khu dân cư. Ảnh: TL

“Phi công có thể nhảy dù tại thời điểm phát hiện động cơ máy bay L39 hỏng nhưng anh ấy đã cố gắng tận dụng những giây phút cuối cùng, cố gắng điều khiển máy bay ra xa khu dân cư, tránh tổn thất trước khi rơi xuống”, lãnh đạo Trường sĩ quan Không quân đóng tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) đánh giá, chiều 26/8.

Ông cho biết, tai nạn xảy ra khi Trung đoàn không quân 910 Trường sĩ quan Không quân tổ chức huấn luyện công mục tiêu trên không với hai máy bay loại L39 và Mi8 tại sân bay Tuy Hòa (Phú Yên), sáng nay.

Thượng sĩ Phạm Đức Trung (22 tuổi, quê Ninh Bình) – học viên lớp đào tạo phi công quân sự – điều khiển máy bay L39. Theo chương trình học, anh Trung sẽ thực hành bay đơn – khoa mục không kích. Thầy giáo bay trước, Trung điều khiển chiếc L39 một mình theo sau. Người thầy làm mục tiêu, khi có khẩu lệnh công kích Trung sẽ đến chiếm mục tiêu.

Vừa cất cánh vào khu vực huấn luyện thì L39 bị hỏng động cơ. Phát hiện sự cố, anh Trung lập tức thông báo về trung tâm và “đang cố giữ thăng bằng, đang tìm cách để trở về”. Đánh giá máy bay ở độ cao thấp, lực đẩy sẽ bị giảm nên sẽ rơi rất nhanh, chỉ huy nhiều lần yêu cầu thượng sĩ Trung nhảy dù đảm bảo tính mạng nhưng học viên không nói gì.

>> Cẩu máy bay L39 khỏi hiện trường:

Chiếc L39 sau đó chao đảo tránh đường dây điện cao thế, lao xuống cà sát mặt Quốc lộ 1A, phóng qua đám ruộng thuộc xã Hòa Thành, Đông Hòa, Phú Yên. Thượng sĩ Trung hy sinh trong buồng lái. Vị trí máy bay rơi chỉ cách nơi người dân sinh sống tập trung khoảng một km và cách sân bay khoảng 2 km.

“Thông thường, phi công nhảy dù tỷ lệ thoát thân cao, đồng nghĩa máy bay mất kiểm soát. Trường hợp rơi xuống khu dân cư sẽ không dự tính được hậu quả. Vì thế, phi công đã luồn qua đường dây điện trên quốc lộ, sà xuống đồng lúa”, vị này nói.

“Để có một chuyến bay, phi công nằm lòng các lý thuyết, kỹ năng thực hành tại mặt đất. Trước giờ cất cánh, kỹ thuật cùng phi công kiểm tra kỹ các thông số 100% đảm bảo an toàn mới bay. Máy bay dù cũ hay mới, sự cố trên không, nên không ai có thể lường trước được sự việc”, ông cho biết thêm.

phi-cong-l39-nhieu-lan-duoc-chi-huy-yeu-cau-nhay-du-1

L39 sau tai nạn. Ảnh: Xuân Ngọc

Theo Phó chủ tịch UBND Phú Yên Trần Hữu Thế, dựa trên các thông tin tỉnh được báo cáo, phi công nhảy dù lúc cấp thiết, máy bay sẽ rơi xuống khu dân cư. “Cách chỗ máy bay một đoạn ngắn là khu tập trung có hàng trăm người sinh sống”, ông Thế cho biết.

Khoá học của thượng sĩ Trung kéo dài 4 năm, tới tháng 9 tốt nghiệp. Trước đây anh nhiều lần bay qua máy bay Z52, tốt nghiệp khóa học này rất xuất sắc nên được chọn đào tạo bay máy bay phản lực chiến đấu.

Anh Trung còn được đánh giá là một người hòa đồng, năng động, học viên có nhiều kỹ năng bay và có thành tích tốt trong học tập. “Anh ấy đã tìm cách cứu máy bay nhưng bất thành nên cố gắng đưa ra khỏi khu vực vắng người. Đấy là nghĩa cử cao đẹp của phi công chiếm lĩnh bầu trời”, lãnh đạo của thượng sĩ Trung chia sẻ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn tới gia đình anh Trung, đồng thời yêu cầu Bộ Quốc phòng kiểm tra lại toàn bộ quy trình trong công tác chỉ huy, huấn luyện, điều hành bay.

Xuân Ngọc ( Theo VnExspress ) 

Related Posts