Sẽ có cơ sở dữ liệu về trí thức kiều bào

Chinhphu.vn) – Trước xu hướng trí thức hóa trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học của Việt Nam ở nước ngoài nhằm tận dụng tốt hơn nữa nguồn lực đáng quý này cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam. Ảnh: VOV

Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây về định hướng công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam khẳng định phát huy nguồn lực của kiều bào, nhất là nguồn lực tri thức là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hành động nhằm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Nhận thức rõ về nguồn lực tri thức quý giá

Theo Thứ trưởng Vũ Hồng Nam, Bộ Ngoại giao đã tập hợp được danh sách hàng chục nghìn các nhà khoa học của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, chế tạo, quản lý kinh tế…  Đây là nguồn lực rất đáng quý.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là làm tốt công tác truyền bá văn hóa Việt Nam tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài, tạo cho bà con kiều bào nền tảng để duy trì bản sắc văn hóa Việt.

Bên cạnh đó, phải có giải pháp để bất kỳ người Việt Nam ở nước ngoài cũng sử dụng được tiếng Việt bởi đây chính là sợi dây kết nối, là mạch nguồn nuôi dưỡng văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cho rằng cần tiếp tục thống nhất trong nhận thức để tất cả các cấp các ngành, địa phương và nhân dân đều thấy được tầm quan trọng của  công tác người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó chung tay thúc đẩy công việc này. Các bộ ngành cần nhận thức rằng phải tạo môi trường bình đẳng, đồng thời có chính sách đãi ngộ tốt hơn nhằm thu hút nhiều hơn tri thức kiều bào.

Cùng với đó, tăng cường thông tin tuyên truyền để tri thức kiều bào biết rằng đất nước kêu gọi và luôn mở cửa đón kiều bào, tạo điều kiện để kiều bào thể hiện khả năng ở chính quê hương mình.

Ngoài ra chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền vận động đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kiều bào hiểu hơn, tin tưởng hơn vào chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, có giải pháp góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vững mạnh, kết  nối hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Trân trọng những đóng góp xây dựng Tổ quốc của kiều bào

Giới thiệu những nét mới về đời sống của kiều bào trong thời gian qua, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cho biết, đời sống của bà con tốt lên rất nhiều. Nếu 10 hay 20 năm trước đời sống của kiều bào còn khó khăn thì đến nay, về cơ bản, kiều bào ta đã có mức sống trung bình khá trở lên.

Đáng chú ý là xu hướng trí thức hóa trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thế hệ con em người Việt ở nước ngoài được đào tạo bài bản, hầu hết đều được học tập ở những nước phát triển có nền giáo dục chất lượng cao, uy tín, có chuyên môn sâu trong nghiên cứu, đào tạo. Đây là điều hết sức đáng mừng.

Tuy nhiên vẫn còn một số kiều bào đời sống còn khó khăn, như cộng đồng người Việt ở Campuchia. Đây là vấn đề còn tồn tại mà chúng ta cần tiếp tục khắc phục, hỗ trợ bà con.

Về những đóng góp kiều bào đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam cho biết trước năm 1975, cộng đồng kiều bào đã có những đóng góp rất lớn trong các cuộc kháng chiến, thống nhất đất nước. Cùng với đồng bào trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài tích cực tham gia các phong trào đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Geneve dưới các hình thức mít tinh, vận động nhân dân và dư luận sở tại… Nhiều kiều bào đã tình nguyện hồi hương, đem kiến thức và tài sản tích lũy được góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau năm 1975, cộng đồng kiều bào đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước cả về tri thức và tài chính; rất nhiều trí thức người Việt nổi tiếng ở nước ngoài về nước trực tiếp tham gia vào các lĩnh vực khoa học, giảng dạy, sản xuất… đóng góp tích cho công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Kể từ thời điểm này, bà con kiều bào đã bắt đầu gửi kiều hối về nước, đạt khoảng hơn 10 tỷ USD/năm trong những năm gần đây.

Bà con kiều bào cũng đã góp phần vận động các nước dỡ bỏ chính sách bao vây cấm vận đối với Việt Nam. Trí thức kiều bào ở các nước phát triển cũng có những đóng góp rất lớn trong việc tư vấn cho Chính phủ về chính sách quản lý và phát triển kinh tế đất nước.

Kiều bào cũng góp phần đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của đất nước, có những hoạt động thiết thực nhằm phản đối hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, đồng thời đề nghị chính quyền các nước sở tại có thái độ phản đối những hành động vi phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế./.

Tuấn Dũng ( Chính phủ ) 

Related Posts