Chính sách đối ngoại của Mỹ thời hậu Obama
Robert Zoellick, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ và cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (2007-2012) vừa có bài bình luận về các quyết định chiến lược mà tổng thống tiếp theo của nước Mỹ phải thực hiện.
Ngày 20/1/2017, Tổng thống Hillary Clinton hoặc Tổng thống Donald Trump sẽ kế thừa di sản của ông Barack Obama, giống như ông Obama từng kế thừa di sản từ người tiện nhiệm George W Bush với những hành động can thiệp cùng các cuộc chiến tranh kéo dài.
Tuy nhiên, vị tổng thống tiếp theo sẽ lãnh đạo một nước Mỹ đang đầy hoài nghi không chỉ về việc liệu các chính sách của ông Obama có tạo ra các khoảng trống được lấp đầy bởi các thế lực thù địch hay không, mà còn ở việc Mỹ có nên can thiệp hay không, và nếu có, thì nên làm như thế nào.
Hồi tháng 4 năm nay, Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố một báo cáo cho thấy, 57% người Mỹ tin rằng Mỹ nên “giải quyết những vấn đề riêng của mình” và “để các quốc gia khác tự giải quyết những vấn đề riêng bằng khả năng tốt nhất của họ”. Đây cũng là quan điểm của đại đa số công chúng Mỹ từ những năm 1960. Hơn thế nữa, phần đông người Mỹ còn cho rằng Mỹ không nên “đi theo cách riêng của mình trong các vấn đề quốc tế”.
Đa số ở cả hai đảng đều ủng hộ các chiến dịch chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Khoảng 77% cho rằng, NATO tốt cho nước Mỹ. Hầu hết vẫn ủng hộ thương mại quốc tế, mặc dù các cử tri lo lắng về tiền lương thấp hơn và mất việc làm. Tóm lại, người Mỹ phần đông không chắc chắn và lo lắng nhưng không theo chủ nghĩa biệt lập. Nhiều người Mỹ lo ngại rằng, đất nước của họ không được tôn trọng như họ từng tin tưởng.
Khi niềm tin trở thành thách thức
Những điều mà công chúng Mỹ tin tưởng đó hiện đang trở thành thách thức đối với tổng thống Mỹ sắp tới. Trật tự an ninh và kinh tế mà Mỹ đã thiết lập nên sau Chiến tranh thế giới thứ hai đang bị bẻ gãy dưới nhiều áp lực. Sau một thời kỳ dài hòa bình giữa các nước lớn đi kèm sự thịnh vượng về kinh tế, nhiều người đã xem thường các hệ thống quốc tế. Trật tự của thế kỷ trước ở Trung Đông đã bị phá vỡ trong cuộc đấu tranh giành quyền lực tàn bạo giữa các bộ tộc và các giáo phái. Người Ả rập, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ lôi kéo các phe phái đối lập khiến họ vướng vào cuộc tranh giành quyền lực ở địa phương…
Một thành công lớn trong nửa sau của thế kỷ 20 – một châu Âu dân chủ, hòa bình và hội nhập kinh tế – đang đứng bên bờ vực của sự không đoàn kết. Các cuộc di cư lớn từ các nước láng giềng tuyệt vọng đang gây ra căng thẳng chính trị. Chính sách tiền tệ khác thường của Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đang gây ra sự lãng phí thời gian mà lại không thể đem lại sự tăng trưởng – điều cần thiết để làm giảm bớt căng thẳng cho khu vực.
Khi EU bị chia rẽ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vẽ lại đường biên giới ở Ukraine và Gruzia, đe dọa vùng Baltic, điều khiển chính trị châu Âu và Mỹ, và nhắc nhở thế giới về các đặc quyền của mình. Nếu EU tan rã hơn nữa, một cuộc đấu tranh trong thế kỷ 21 nhằm đạt được một sự cân bằng quyền lực có thể xảy ra.
Tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có tìm kiếm quyền bá chủ khu vực hay một sự điều chỉnh trật tự thế giới hiện có hay không. Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á đang định hình lại vị trí của bản thân và mối quan hệ của họ với Mỹ, khi Trung Quốc thể hiện sức mạnh và ý định của mình.
Năm 2017, Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ đưa ra phương hướng trong tương lai, bao gồm quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc. Tại Đông Bắc Á, các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa dưới sự kiểm soát của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un sẽ thách thức chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của ông Obama.
“Bộ sậu” của Hillary Clinton
Những bước đi của một nữ tổng thống mang họ Clinton sẽ được dõi theo bởi linh hồn của Đại sứ Richard Holbrooke – một nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ. Sự ra đi của ông khiến bà thiếu vắng một người bạn góp phần thúc đẩy chính sách đối ngoại của Mỹ bằng các hoạt động tích cực.
Bà Clinton có lẽ sẽ chuyển sang các cựu quan chức khá có tiếng. Đó là Jake Sullivan, từng là người đứng đầu bộ phận hoạch định chính sách của bà Clinton tại Bộ Ngoại giao, đồng thời là Giám đốc chính sách trong chiến dịch tranh cử của bà; và ông Tom Donilon, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama – một nhân vật cao cấp trong nhóm vận động tranh cử của bà.
Những nhân vật khác được kỳ vọng sẽ giữ các vị trí chủ chốt trong Chính quyền Clinton, như bà Michele Flournoy, ông Jim Steinberg, ông Bill Burns hay ông Kurt Campbell. “Tổng thống Clinton” cũng có thể mời thêm một cựu sĩ quan quân đội cấp cao như Đô đốc đã nghỉ hưu Jim Stavridis, hiện là Hiệu trưởng Trường Luật và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts.
Đại diện Thương mại Mỹ cũng là một vị trí cần được chú ý. Việc bổ nhiệm một cá nhân sáng tạo, hoạt động xã hội sẽ báo hiệu sự quan tâm của tổng thống mới trong việc tìm kiếm con đường hoàn toàn khả thi về mặt chính trị cho chương trình nghị sự thương mại.
Những người định hình tư duy Donald Trump
Các nhân vật của “Chính quyền Trump” khó đoán hơn vì quá nhiều nhân vật giàu kinh nghiệm thuộc Đảng Cộng hòa đã phản đối ông. Đó là một cố vấn có tiếng, một vị tướng đã nghỉ hưu, cựu Giám đốc của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Michael Flynn, người đã hộ tống ông Trump tới các buổi họp báo phục vụ cho tranh cử.
Ngoài ra, còn có các cựu quan chức thuộc Đảng Cộng hòa, những người từng ngồi trên băng ghế dự bị, có lẽ đang là hy vọng của nhiều người, rằng họ sẽ định hình tư duy của “Tổng thống Trump”.
Thật vậy, tính cách của ông Trump có thể là yếu tố dự báo tốt nhất cho chính sách đối ngoại của ông. “Mọi thứ đều có thể thương lượng” là lời giải thích yêu thích của ông. Ông luôn hành động như vậy hết lần này đến lần khác, tuyên bố các quan điểm cực đoan/gây sốc và sau đó ứng biến.
Ông Trump vẫn ngưỡng mộ những người mà ông cho là “người hùng”, như Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và thậm chí cả cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Ông Trump khẳng định rằng Mỹ đã dành quá nhiều thời gian và tiền bạc để cố gắng giải quyết các vấn đề của thế giới, vì vậy ông sẽ bằng lòng “nhường” lại các vấn đề lộn xộn cho những người khác.
Nhưng không ai biết ông Trump sẽ phản ứng thế nào nếu như một đối tác nước ngoài xem thường ông. Ông chắc chắn không coi trọng tính đáng tin cậy của Mỹ trong các liên minh và các hệ thống kinh tế lâu đời. Các nghĩa vụ hiệp ước là thỏa thuận trên giấy sẽ phải đàm phán lại. Cũng rất có khả năng ông Trump sẽ từ bỏ các chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu ở Paris, cố gắng xây dựng một bức tường trên biên giới Mexico và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp, và dựng lên các rào cản đối với thương mại.
Những chủ đề bao trùm
Triều Tiên có thể sẽ buộc vị tổng thống mới năm 2017 phải để ý và thúc đẩy một chính sách ngay từ đầu đối với Trung Quốc. Nhưng hiện quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc cũng đang bị kéo căng. Bài phát biểu của bà Clinton tại Viện Hòa bình vào năm 2012, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 chuyến thăm của Tổng thống Nixon đến Trung Quốc, cho thấy cách tiếp cận của bà, đó là dựa trên các mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các đối tác liên minh. Trừ khi “Tổng thống Clinton” có thể tìm ra cách để thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn bị bà bỏ rơi trong chiến dịch tranh cử của mình, chính sách châu Á của bà sẽ gặp khó khăn.
Trong khi đó, các tuyên bố tùy tiện của “Tổng thống Trump” về các đối tác liên minh, vấn đề răn đe hạt nhân, Trung Quốc và quan hệ thương mại với châu Á mâu thuẫn với vai trò lãnh đạo lâu nay của Mỹ. Nếu người ta tin lời của ông, thì chính sách châu Á của ông Trump sẽ là xa lánh các đồng minh, cô lập Mỹ và kích động một cuộc đấu tranh quyền lực trong khu vực.
Tại Trung Đông, bà Clinton có thể sẽ tìm cách “sửa chữa” các mối quan hệ với Israel bằng cách tập trung vào các mối đe dọa từ Iran, tổ chức Hezbollah và chế độ Assad ở Syria. Trong khi tìm cách bảo vệ thỏa thuận hạt nhân của ông Obama với Iran, “Chính quyền Clinton” đồng thời vẫn phải làm việc với Israel và các nước Arập dòng Sunni để ngăn chặn Tehran.
Ông Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ từ bỏ Hiệp ước hạt nhân của ông Obama với Iran, đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng. Cả bà Clinton và ông Trump đều tuyên bố cứng rắn về IS và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, nhưng lại mơ hồ về những gì họ có thể làm ở Syria và Iraq. Không ai trong họ cho thấy sự sẵn sàng tạo ra một sự cân bằng chiến lược để có thể làm cơ sở cho một quyết tâm chính trị.
Các vấn đề của châu Âu có thể sẽ được để lại cho người châu Âu, mặc dù bà Clinton sẽ tôn trọng các nghĩa vụ của NATO và hành động kiên quyết, nhưng không phải với một cách thù địch, đối với Nga. Ông Trump bị hấp dẫn một cách kỳ quặc bởi ông Putin và ủng hộ phong trào dân tộc – dân túy của châu Âu. Ông có vẻ coi thường sự đầu tư lịch sử trong hội nhập châu Âu và sự bảo đảm an ninh xuyên Đại Tây Dương của Mỹ. Xung đột thuế với châu Âu có nhiều khả năng xảy ra, hơn là tiến triển đàm phán các tiêu chuẩn hiện đại hóa thương mại của Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương vốn đang bị đình trệ.
Cơ hội làm việc với một thế hệ mới các nhà cải cách ở Mỹ Latin, đặc biệt là tại Brazil và Argentina, có khả năng bị bỏ qua trừ khi bà Clinton tìm cách hồi sinh chính sách thương mại. Cuộc khủng hoảng hiện đang nhen nhóm ở Venezuela sẽ đòi hỏi tổng thống tiếp theo của Mỹ có cách phối hợp phản ứng trong khu vực.
Cẩn thận “vạ miệng”
Tổng thống mới cũng sẽ cần phải đưa ra các quyết định về chính sách quốc phòng và các nguồn lực. Chính sách hạt nhân và hiện đại hóa đang có sự mập lờ. Chính sách về vũ trụ, an ninh mạng và các hệ thống không người lái, đặc biệt là ở dưới nước, cần được đầu tư.
Các cộng sự của bà Clinton đang ngập trong những vấn đề này, nhưng rất khó để dự đoán các ưu tiên và ngân sách mà bà sẽ dành cho lĩnh vực quốc phòng. Những tuyên bố coi thường của ông Trump về các nhà lãnh đạo quân sự và các quân nhân cùng gia đình của họ, cũng như quan điểm liều lĩnh của ông về vũ khí hạt nhân và các quy tắc của chiến tranh là đáng báo động, nhưng những người ủng hộ ông tin rằng ông sẽ có sự điều chỉnh lại sau khi trở thành tổng thống. Và dĩ nhiên, thách thức đầu tiên của Donald Trumg là phải hiểu rằng Tổng thống Mỹ nên thận trọng với những gì mình nói ra.
Tóm lại, nhiệm kỳ tổng thống được xác định bằng việc chính quyền phản ứng với các sự ki – thường xảy ra bất ngờ, như thế nào. Việc có một khuôn khổ chiến lược và một đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm có thể làm việc cùng nhau là điều rất có lợi. Các nhà lãnh đạo giỏi nhất thường tìm cách dự đoán, định hình bối cảnh và dẫn dắt ê-kíp của họ vượt qua thách thức để đạt được kết quả. Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ sẽ phải bắt đầu bằng việc quyết định liệu Mỹ có nên tiếp tục duy trì một trật tự đã có 70 năm tuổi hay không. Nếu câu trả lời là “có”, tổng thống sẽ phải giải thích cho người dân Mỹ – và thế giới, hiểu lý do tại sao.