Chốn linh thiêng bậc nhất xứ Kinh Bắc
Khu lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ nằm trong cụm di tích Kinh Dương Vương (tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) có tổng diện tích 36 hecta, được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt năm 2012.
Nơi đây từ lâu đã được các vua chúa triều đại Phong kiến Việt Nam xếp vào hàng miếu thờ các bậc đế vương, đại đế, là chốn linh thiêng bậc nhất của xứ Kinh Bắc. Cứ mỗi lần có quốc lễ, triều đình đều sai quan đến tế, nhân dân quanh năm hương khói phụng thờ.
Truyền thuyết vua thủy tổ
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” do sử gia Lê Văn Hưu biên soạn ngay trang đầu tiên có chép: Kinh Dương Vương tên húy là Lộc Tục, là cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông. Cha là Đế Minh, trước sinh ra một người con trai đặt tên là Đế Nghi, sau Đế Minh đi tuần du phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh gặp, yêu mến và lấy con gái bà Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục.
Lộc Tục từ khi sinh ra tư chất đã thông minh hơn người, vua cha rất muốn nhường ngôi cho. Song Lộc Tục lại là một người con hiếu thảo nên nhường ngôi cho anh là Đế Nghi. Thấy vậy vua cha là Đế Minh bèn chia đất nước làm hai, lấy sông Dương Tử làm giới tuyến, giao cho Đế Nghi làm vua phương Bắc, lại phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam – hiệu là Kinh Dương Vương.
Sau khi lên ngôi, Kinh Dương Vương liền đặt tên nước là Xích Quỷ – tên một ngôi sao sáng toả hào quang lớn nhất trong 28 ngôi sao trong giải ngân hà (thời xưa gọi là Thập nhị bát tú).
Nước Xích Quỷ (khoảng năm 2879 trước Công nguyên) bấy giờ là một vùng rộng lớn, phía Bắc giáp hồ Động Đình (cạnh sông Dương Tử), phía Nam giáp Hồ Tôn (nước Chiêm Thành, nay là tỉnh Quảng Nam), phía Tây giáp Ba Thục (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc), phía Đông giáp biển Nam Hải (tức Biển Đông ngày nay), đóng đô đầu tiên tại núi Ngàn Hống (nay là núi Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).
Vua Kinh Dương Vương sau này lấy con gái Động Đình Quân (vua hồ Động Đình – tên là Thần Long) sinh ra Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân tên huý là Sùng Lãm, lấy vợ là Âu Cơ – con gái của Đế Lai, sinh ra được một trăm trứng nở ra trăm người con trai (sự tích Âu Cơ sinh trăm trứng). Sau này khi vua cha Kinh Dương Vương nhường ngôi thì lên làm vua.
Một hôm vua Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thuỷ hoả khắc nhau, chung hợp thật khó”. Rồi hai người từ biệt nhau, chia năm mươi con theo mẹ lên núi, năm mươi con theo cha về biển Nam.
Lạc Long Quân phong cho con trưởng làm Hùng Vương nối ngôi vua. Các đời Vua Hùng từ đó chia nhau nối dõi cai quản đất nước kéo dài đến 18 đời.
Kinh Dương Vương tạ thế ngày 18/1 tại trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh (nay thuộc làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Sau khi vua mất đi, nhân dân nơi đây đã lập lăng mộ và đền thờ ông. Hàng năm, cứ đến ngày 18/1 âm lịch nhân dân nơi đây và những vùng xung quanh lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ vua thuỷ tổ Kinh Dương Vương.
Cụ Biện Xuân Phẩm – chủ từ đền thờ Kinh Dương Vương kể lại: “Thấy đất đai nơi đây màu mỡ, con người, cảnh vật tươi tốt, thiên địa nhân hoà, sau khi nhường ngôi cho con là Lạc Long Quân, vua Kinh Dương Vương đã chọn nơi đây làm nơi an nghỉ, xây dựng lăng mộ cho mình. Hàng năm, cứ đến ngày hội 18/1 (âm lịch) là quan quân, quần thần và các vua Hùng lại về đây tế lễ, bái kiến trời đất, tổ tông”.
Cũng theo ông Phẩm, chiếu theo nhiều sách sử và thần phả của làng, khu lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương đã có từ rất xa xưa. Mặc dù trải qua nhiều biến động thăng trầm của lịch sử, các cuộc chiến tranh, truất vị đổi ngôi của các vua, những đợt lũ lụt nước tràn qua đê vào xâm phạm lăng nhưng đến nay mộ phần vẫn còn giữ nguyên được hình dáng và vị trí.
Đền thờ và lăng Kinh Dương Vương hiện nằm trong cụm quần thể di tích quốc gia được bảo vệ và quản lý bởi Ban quản lý di tích đền và lăng Kinh Dương Vương xã Đại Đồng Thành.
Khu lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ nằm trong cụm di tích Kinh Dương Vương có tổng diện tích 36 hecta, được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt năm 2012. Trong đó, diện tích khu lăng mộ là 31.8 hecta, đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ là 4.2 hecta.
Trong suốt quá trình tồn tại của mình, lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, chỉ thấy trong sách sử chép lại rằng năm thứ 21 vua Minh Mệnh (tức năm 1840) đã cho trùng tu và đặt văn bia đá khắc bốn chữ: Kinh Dương Vương Lăng để tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ của người đương thời.
Năm 1993, khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2013, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt nguồn vốn gần 500 tỷ đồng nhằm tu bổ, tôn tạo và xây dựng nhiều hạng mục thuộc khu di tích.
Đến nay, kiến trúc khu lăng mộ Kinh Dương Vương gồm: Cổng lăng, qua cổng lăng đi thẳng vào là phần mộ vua Kinh Dương Vương, hai bên tả hữu là bốn nhà Văn chỉ, Võ chỉ và nhà khách. Xung quanh bốn bề cây cối xanh mát. Mặt trước hướng ra con sông Đuống quanh năm mang phù sa màu mỡ tươi tốt về cho vùng quê Kinh Bắc.
Độc đáo lễ rước đuốc
Đã hàng trăm năm nay, cứ đến ngày 18/1 (âm lịch) là người dân làng Á Lữ cùng với nhân dân xung quanh lại tổ chức lễ hội Kinh Dương Vương nhằm tưởng nhớ đến vị vua đầu tiên của nước Việt, Đại đế Lạc Long Quân và Hoàng hậu Âu Cơ.
Lễ hội Kinh Dương Vương được chia làm hai phần, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ bắt đầu từ ngày 14/1, trong ngày này, nhân dân thôn Á Lữ sẽ tổ chức lễ rước nước từ đền thờ xuống lăng mộ, lấy nước đoạn giữa sông về dùng trong suốt 6 ngày diễn ra lễ hội.
Tục truyền lại rằng, xưa kia Lạc Long Quân mang 50 người con trai về biển Nam gây dựng đất nước dạy cho các con cách trồng lúa nước, đóng bè chuối, tạo thành thuyền mà làm ăn sinh sống bằng nghề nông. Không may, sau này một số người con trai đi biển đánh cá đã không thể trở về.
Lạc Long Quân xót lòng bèn xuống biển tìm con và dặn lại rằng: “Nếu thấy cha đi lâu không về mà trên trần gian có điều gì khó khăn nguy hiểm thì ra bờ sông mà đọc thần chú rằng: Ô hô! Ô hô! Ô hô” (nghĩa là cha về cứu chúng con).
Do đó, trong ngày đầu tiên diễn ra lễ hội (ngày 14/1), các bô lão trong làng chọn ra một người trai tráng, khoẻ mạnh đi thuyền ra giữa dòng sông Đuống múc nước về dùng làm lễ tại đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương trong suốt những ngày diễn ra lễ hội. Hành động rước nước này có ý nghĩa như lời mời đức Thủy tổ về chứng kiến cuộc sống của con cháu nhân dân cả nước, phù hộ cho thiên hạ thái bình, ấm no.
Lễ hội là một chuỗi các hoạt động, trong ngày 15/1, các làng xung quanh rước các vị thành hoàng làng về đền và lăng Kinh Dương Vương làm lễ bái yết vua thuỷ tổ.
Ngày 16/1, dân làng tổ chức lễ rước kiệu vua thuỷ tổ Kinh Dương Vương, đại đế Lạc Long Quân và hoàng hậu Âu Cơ xuống lăng mộ làm lễ.
Ngày 17/1, rước bài vị thành hoàng Tam công đại vương đình làng Đồng Đoài về bái yết vua thuỷ tổ Kinh Dương Vương.
Ngày 18/1, tiến hành lễ rước vua thuỷ tổ Kinh Dương Vương, đại đế Lạc Long Quân và hoàng hậu Âu Cơ từ lăng về lại đền thờ. Cũng trong ngày này, các vị bô lão trong làng tiến hành lễ tế cầu nhân khang vật thịnh mưa thuận gió hoà, Quốc thái dân an.
Đến tận ngày 19/1, thực hiện lễ Tống ruộc, rước trả nước về sông và kết thúc lễ hội.
Ngày diễn ra lễ hội chính là ngày 18/1, trong ngày này vật phẩm được dùng để dâng lên vua thuỷ tổ Kinh Dương Vương, Đại đế Lạc Long Quân và Hoàng hậu Âu Cơ là một con lợn đực và một con gà trống (được gọi là khiết sinh). Ngoài ra, còn phải hội tụ đủ ngũ phẩm bao gồm: gạo, nước, lửa, hương và hoa.
Điều đặc biệt nữa là sự xuất hiện của ba mâm cá gỏi. Cá làm gỏi phải sạch sẽ, rửa bằng rượu và trộn nước lá thơm. Ba mâm cá mang ý nghĩa là vật phẩm của người con trai xuống biển đánh cá mang về dâng lên cha mẹ.
Hàng năm có hàng ngàn du khách về đây dâng hương tưởng niệm cũng như tham quan khu di tích đền thờ và lăng mộ vua Kinh Dương Vương, đông nhất là trong 3 tháng xuân đầu năm.
Cụm di tích đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương từ lâu đã được các vua chúa triều đại Phong kiến Việt Nam xếp vào hàng miếu thờ các bậc đế vương, đại đế, là chốn linh thiêng bậc nhất của xứ Kinh Bắc. Cứ mỗi lần có quốc lễ, triều đình đều sai quan đến tế, nhân dân quanh năm hương khói phụng thờ.