Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề: “Toàn quốc kháng chiến – Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử (19.12.1946 – 19.12.2016)” do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 25.11.2016.
Theo trung tướng Lê Chiêm, ngày 19.12.1946, đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một mốc son sáng ngời về tinh thần yêu nước quật khởi, ý chí kiên cường đấu tranh giữ vững độc lập tự do.
Những nỗ lực vãn hồi hòa bình của VNDCCH những năm 1945 – 1946
Theo đại tá, PGS-TS Hồ Khang, nguyên Phó viện trưởng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, ngay sau khi vừa giành độc lập 1945, nước Việt Nam mới đã phải đối diện với tình thế hết sức hiểm nghèo. Đó là tình trạng “thù trong, giặc ngoài” cùng những thách thức, khó khăn về kinh tế, tài chính, văn hóa – xã hội, đặt chính quyền cách mạng non trẻ vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Quân Pháp vào Hà Nội sau Hiệp định sơ bộ 6.3.1946ẢNH TƯ LIỆU
Trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh khốc liệt đang đến gần, trước những thách thức tồn vong của quốc gia, dân tộc, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đã tận dụng mọi khả năng có thể để cứu vãn hòa bình, trong đó có việc đẩy nhanh những cuộc tiếp xúc với đại diện quân đội Trung Hoa Dân Quốc tại Hà Nội. Phía Việt Nam đã đồng ý cho một số chức sắc Việt thuộc các đảng phái dưới ảnh hưởng của Trung Hoa Dân Quốc nắm giữ một số chức vụ trong Chính phủ. VNDCCH còn nhượng bộ về kinh tế, chấp thuận cho quân đội Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc mua 2/3 số lương thực chuyển từ miền Nam ra…
Song song với đó, Chính phủ VNDCCH tích cực tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn, nhất là hai nước Anh và Mỹ. Cùng chung ý thức hệ, ngay từ những ngày đầu giành độc lập, Chính phủ VNDCCH tìm mọi cách liên lạc với Liên Xô. Để giành ủng hộ của Mỹ và các nước phương Tây khác, tháng 11.1945, Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tự giải tán, nhằm “phá tan tất cả những điều hiểu lầm ở ngoài nước và ở trong nước có thể trở ngại cho tiền đồ giải phóng của nước nhà”.
Đối với nước Pháp, ngay sau ngày Việt Nam giành độc lập, VNDCCH đã tích cực và thiện chí tìm kiếm giải pháp thương lượng nhằm giải quyết quan hệ Việt – Pháp, luôn bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ thân thiện giữa hai nước Việt Nam và Pháp; khẳng định sẵn sàng tôn trọng những quyền lợi kinh tế, văn hóa, quân sự của Pháp trên đất Việt Nam. Một trong những cố gắng nhằm vãn hồi hòa bình quan trọng của Chính phủ VNDCCH là chuyến thăm nước Pháp kéo dài hơn 4 tháng (từ 31.5 – 20.10.1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bút tích “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí MinhẢNH TƯ LIỆU – NGUỒN: TẠP CHÍ LỊCH SỬ QUÂN SỰ 11.2016
Tuy nhiên, mọi nỗ lực vãn hồi hòa bình của VNDCCH vẫn không vượt qua được dã tâm xâm lược của thực dân Pháp. Giới thực dân hiếu chiến quyết áp đặt lại ách thống trị trên toàn cõi Đông Dương. Trước tình hình đó, ngày 18 và 19.12.1946, Ban Thường vụ T.Ư Đảng CSĐD họp Hội nghị, quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Theo PGS-TS Hồ Khang, bỏ qua cơ hội lịch sử thiết lập những quan hệ hợp tác bình đẳng giữa Pháp và Việt Nam, Chính phủ Pháp đã làm vỡ tan hy vọng cuối cùng về một nền hoà bình ở Đông Dương, đẩy những người lính Pháp vào cuộc chiến vô nghĩa.
“Cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ ở những năm tháng đó có giá trị thức tỉnh và soi rọi cho không chỉ cho những ngày đã qua mà còn cho hiện tại nóng bỏng hôm nay, khi những thách thức và cơ hội, những khả năng hợp tác, đấu tranh luôn thường trực và đan xen nhau. Nó nhắc nhở ta nhìn về lịch sử để càng thêm trân quý hòa bình”, tham luận của PGS-TS Hồ Khang viết.
Cuộc chiến tranh đã bắt đầu như thế nào?
Theo thiếu tướng, PGS-TS Trịnh Vương Hồng, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, từ lâu, nhiều tác giả, gồm nhà khoa học, chính khách, tướng lĩnh trong đó nhiều người là nhân chứng của sự kiện, vẫn đi tìm lời giải cho câu hỏi cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (theo cách gọi của học giả phương Tây) vào cuối năm 1946 đã bắt đầu như thế nào?
Thanh Niên Hà Nội yêu cầu Chính phủ cho vào Nam Bộ chiến đấuẢNH TƯ LIỆU – NGUỒN: TẠP CHÍ LỊCH SỬ QUÂN SỰ 11.2016
Theo PGS-TS Trịnh Vương Hồng, sau chiến tranh thế giới thứ 2, Pháp chịu hậu quả nặng nề với hơn 3 triệu người chết, bị thương và bị bắt; hàng trăm nghìn ngôi nhà, công trình kiến trúc bị phá hủy; nhiều tuyến giao thông tê liệt… ngân sách thiếu hụt 55%. Pháp cần lượng vật chất lớn để khôi phục đất nước sau chiến tranh. Tăng cường vơ vét ở thuộc địa để bù vào lỗ hổng về ngân sách là yêu cầu thật sự bức thiết. Với mưu đồ trên, Pháp ráo riết chuẩn bị cho việc xâm lược trở lại Đông Dương.
TS Trịnh Vương Hồng cho rằng, một số tác giả nước ngoài đổ lỗi cho Việt Nam tiến công trước, “đánh trước”, là bên “gây chiến”. Thực tế, luận điểm này là hệ quả của việc (vô tình hoặc hữu ý) đã cắt rời diễn trình lịch sử khi chỉ tập trung vào thời điểm cuối năm 1946 và chú ý hiện tượng, chưa đi sâu vào bản chất sự việc để nghiên cứu.
Theo TS Trịnh Vương Hồng, trong cuốn sách Việt Nam 1946 – chiến tranh bắt đầu như thế nào? (2008), nhà nghiên cứu Stein Tonnesson (Na Uy) đã phơi bày thái độ của các nhà chức trách Pháp tại Đông Dương quyết tâm chà đạp lên chủ quyền của nước VNDCCH, từ chối đề nghị đàm phán và cố tình dồn Việt Nam vào chân tường. Ý đồ đen tối của họ là muốn phía Việt Nam nổi giận, tạo cho giới chức Pháp tại Đông Dương cái cớ mà họ cần để kéo nước Pháp vào chiến tranh.
Theo TS Trịnh Vương Hồng, việc chủ động mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc kháng Pháp cách đây 70 năm thể hiện ý chí kiên quyết bảo vệ độc lập tự do của toàn dân tộc, phản ánh trình độ giác ngộ chính trị, tinh thần sẵn sàng cứu nước của quân và dân ta; thể hiện sự nhạy bén cách mạng của T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc sớm phát hiện nguy cơ chiến tranh, xác định quyết tâm kháng chiến đi đôi với thái độ thiện chí kiên trì giữ gìn hòa bình, lãnh đạo/chỉ đạo quân và dân cả nước chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc chiến.
Trong tham luận về thái độ của các cường quốc trước việc thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương, GS Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phân tích về sự “im lặng không khó hiểu” của Liên Xô thời điểm đó.
Theo Hiệp ước Potsdam, Hồng quân Liên Xô vào miền Bắc vĩ tuyến 38, quân Mỹ vào miền Nam bán đảo Triều Tiên nên ở Việt Nam, Liên Xô chỉ có đại diện trong các phái bộ đồng minh. Người đại diện Liên Xô là sĩ quan cấp tá Stephane Solosieff, một cán bộ chính trị của Moscow.
Về thái độ của Liên Xô đối với việc Pháp muốn trở lại Đông Dương, Solosieff nêu quan điểm: người Pháp sẽ phải đi theo một đường lối rút lui dần mà không thể chủ trương quay trở lại nguyên trạng như trước. Nhưng người Việt Nam chưa sẵn sàng cho một nền độc lập hoàn toàn và đang còn cần sự bảo trợ của một nước lớn.
Dựng chiến lũy trên phố Mai Hắc ĐếẢNH TƯ LIỆU – NGUỒN: TẠP CHÍ LỊCH SỬ QUÂN SỰ 11.2016
Theo Stephane Solosieff, Pháp vẫn là nước được trang bị tốt nhất trong các nước lớn phương Tây để tái thiết đất nước này và đưa nhân dân Việt Nam đến một chính phủ tự quản. Còn về vai trò của Liên Xô thì Stephane Solosieff cho rằng, sự can thiệp của xô viết sẽ gây ra những xung đột với quyền lợi truyền thống của Anh và Pháp, mà điều đó không đáp ứng quyền lợi tối cao của Liên Xô, trong lúc đó là việc tập trung khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh và nâng cao vị thế của Liên Xô trên trường quốc tế…
Do vậy, Liên Xô không muốn đụng chạm đến quyền sở hữu thuộc địa của Anh và Pháp, nhất là vào tháng 12.1944, Liên Xô đã ký với Pháp bản Hiệp ước quy định không nước nào tham gia liên minh chống lại bên kia. Đó là lý do giải thích vì sao Liên Xô giữ thái độ im lặng trước những biến động ở Việt Nam mặc dầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho nguyên thủ các nước Đồng minh, trong đó đương nhiên có Liên Xô.
Báo Việt Đức không chịu trách nhiệm về nội dung của các trang bên khác.
® Chỉ được phát hành lại thông tin từ website này khi có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Việt Đức.
Baovietduc.de là trang web cung cấp tin tức mang tính chất cá nhân & Blog cá nhân và không thương mại.