OECD: Singapore đứng đầu thế giới, Việt Nam đứng thứ 8 về giáo dục

Trong khảo sát mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Singapore đứng đầu danh sách với kết quả kiểm tra kỹ năng học tập cao nhất trong số 72 nước.

Đứng sau Singapore lần lượt là Nhật Bản, Estonia, Đài Loan và Phần Lan. Nếu không tính Nhật Bản và Canada (đứng thứ 7), các nước khác thuộc G7 đều bị hạ bậc trong bảng xếp hạng lần này. Điển hình như Anh rơi xuống thứ 15, Mỹ rơi xuống thứ 25. Trong Top 10 có tới 7 nước thuộc khu vực châu Á.

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế của OECD được thực hiện với khoảng 540.000 học sinh ở độ tuổi 15 tại 72 quốc gia. Cuộc khảo sát này tập trung vào 4 lĩnh vực: khoa học, kỹ năng đọc, toán học và khả năng phối hợp giải quyết vấn đề.

Trong tuyên bố đi kèm, OECD nhấn mạnh tầm quan trọng của mảng khoa học trong bảng xếp hạng năm nay bởi những thay đổi nhanh chóng và luồng thông tin khổng lồ.

Danh sách Top 10 của OECD

Danh sách Top 10 của OECD

10% số học sinh được khảo sát đạt số điểm cao nhất trong bộ môn này. Tại Singapore, tỷ lệ này lên tới 25%. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh không đạt chuẩn cơ bản đạt gần 20%.

Trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát lần này, chỉ có 8 quốc gia đạt tỷ lệ trên 90% học sinh nắm vững các kiến thức khoa học cơ bản, bao gồm: Việt Nam, Singapore, Canada, Estonia, Phần Lan, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản và Ma Cao (Trung Quốc).

Các quốc gia châu Á cũng đứng đầu về toán học. Hơn 25% số học sinh tại Bắc Kinh-Thượng Hải- Giang Tô-Quảng Đông (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và Đài Loan đạt số điểm xuất sắc trong bộ môn này – cao hơn bất kỳ khu vực nào khác.

Số liệu của OECD cho thấy yếu tố giới tính thể hiện rõ ràng hơn trong 2 bộ môn là kỹ năng đọc và toán học. Tại 33 quốc gia và nền kinh tế, tỷ lệ học sinh nam học giỏi khoa học lớn hơn nhiều tỷ lệ học sinh nữ. Phần Lan là quốc gia duy nhất có tỷ lệ ngược lại.

25% số học sinh được hỏi cho biết họ mong muốn được làm trong môi trường liên quan tới khoa học. Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt nhất định trong nghề nghiệp cụ thể. Các bạn nữ thường chọn lĩnh vực y tế trong khi các bạn nam mong muốn một công việc trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông, nhà khoa học hay kỹ sư.

Gần 20% số học sinh trong khảo sát này không hoàn thành bài kiểm tra kỹ năng đọc. Tỷ lệ này được duy trì ổn định từ năm 2009 tới nay.

OECD khuyến khích các chính sách cải thiện giáo dục trên toàn thế giới, bao gồm việc tăng cường hỗ trợ cho học sinh và nhà trường có hoàn cảnh khó khăn, làm chậm quá trình phân loại học sinh, đầu tư vào chất lượng giáo viên và thay đổi khuôn mẫu cứng nhắc.

Tổng thư ký OECD – ông Angel Gurria – nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục trong công việc đẩy lùi bất ổn toàn cầu và sự bành trướng của chủ nghĩa dân túy.

 

Related Posts