Trump có thể bước chân vào Nhà Trắng, tại sao Zuckerberg lại không?
Theo Telegraph, một đặc tính thường thấy ở các doanh nhân cực kỳ thành công là sau khi đã gây dựng được sự nghiệp lớn cho mình, họ sẽ không cảm thấy hài lòng với thành công trong kinh doanh và của cải thu được từ đó nữa. Những tham vọng khác sẽ xuất hiện.
Trước hết là mong muốn có được sự tôn trọng của công chúng. Ngay sau mong muốn đó là một khao khát được yêu mến, tuy nhiên gần như không thể đạt được đối với các nhà lãnh đạo kinh doanh, ngay cả khi họ được rất nhiều người tài trợ và ủng hộ. Và sau đó sẽ tới sức hấp dẫn của ảnh hưởng chính trị và quyền lực vì cần thừa nhận rằng ngoài những kẻ lừa đảo và những nhà công nghiệp thực sự có khả năng biến đổi cuộc sống, chẳng hạn như Henry Ford, có rất ít doanh nhân được nhớ tới sau khi chết.
Sau khi đã làm giàu cho bản thân tới mức vượt ra ngoài những giấc mơ của tham vọng, không có doanh nhân nào có nhiều khả năng theo đuổi hướng đi này như Mark Zuckerberg.
Chỉ mới 32 tuổi, thiên tài kỹ thuật số đứng sau Facebook có tài sản trị giá 50 tỷ USD – một con số đáng kinh ngạc. Zuckerberg có thể đi tiếp ra sao? Thế giới gần như thực sự đã nằm trong lòng bàn tay của Mark và các tham vọng chính trị của anh, mặc dù có thể sẽ không đi tới đâu, đã là rất rõ ràng.
Nếu Donald Trump có thể bước chân vào Nhà Trắng, tại sao Zuckerberg lại không thể?
Là một người theo chủ nghĩa tự do tới xương tủy, cả trong kinh tế và chính trị của mình, Zuckerberg chính là phản đề của những lực lượng đã thúc đẩy ông Trump lên nắm quyền lực.
Tuy nhiên, ở lứa tuổi chỉ bằng một nửa Donald Trump, vẫn còn rất nhiều cơ hội cho Zuckerberg, và anh dường như đã bắt đầu chuẩn bị nền tảng cho mình. Quyết tâm năm mới gần đây nhất của anh là lái xe quanh các thị trấn nhỏ của Mỹ để cố gắng hiểu được cái mà anh gọi là “một cảm giác chia cắt lớn nhất mà tôi từng cảm thấy trong đời.”
Anh nói thêm: “Chúng ta cần phải tìm ra một cách để thay đổi cuộc chơi, để nó đáp ứng được cho tất cả mọi người.” Giống như các đồng nghiệp trên mạng của mình ở Google, Zuckerberg là một người tin vào nguyên tắc kinh doanh “không làm điều xấu” cũng như niềm tự hào về “chủ nghĩa giải pháp” – ý tưởng cho rằng không có vấn đề nào lớn đến mức không thể giải quyết bằng công nghệ. Tuy vậy, trong cuộc tìm kiếm lời giải đáp của mình, trước hết anh nên nhìn vào những gì chính mình đã tạo ra.
Nếu Trump là một phản ứng dữ dội chống lại toàn cầu hóa thì ở một cấp độ nào đó, chính Zuckerberg là người có một phần trách nhiệm trong sự nổi lên của Tổng thống mới đắc cử. Sự kết nối mà Facebook đã giúp phổ biến là một điều tuyệt vời, nhưng nó cũng là một trong số những động lực thúc đẩy chính trong quá trình toàn cầu hóa, có lẽ thậm chí còn hơn cả sự ra đời của thương mại gần phi biên giới.
Cùng lúc đó, Facebook đã tạo nhiều điều kiện cho sự phát tán các thông tin sai lệch, hay còn gọi là “tin tức giả.” Sự lan truyền và dội lại của truyền thông xã hội nằm ở cốt lõi của kỷ nguyên hậu sự thật, hậu thực tế mà những người theo chủ nghĩa tự do như Zuckerberg đang rất lo ngại. “Giáo hoàng ủng hộ ông Trump” là một trong số những tin tức sai phổ biến nhất mà Facebook đã giúp lan truyền như một thứ virus trong nền chính trị Mỹ. Dù có vẻ rất vô lý nhưng nó lại được tin tưởng một cách rộng rãi.
Trong khi đó, mạng Internet lại đang làm suy yếu các nguồn tin truyền thống đáng tin cậy hơn, những nguồn tin sẵn sàng bỏ ra phí tổn đáng kể để thực sự xác minh sự thật. Ở Anh, thị phần của báo chí trong tổng chi tiêu quảng cáo cả nước đã sụt giảm từ 65% vào năm 1995 xuống chỉ còn 16% ngày nay. Tính theo giá trị thực, sự chênh lệch số liệu thậm chí còn rõ ràng hơn nữa, khi giá trị chi tiêu cho quảng cáo trên các báo địa phương và quốc gia đã giảm một nửa so với năm 2007 xuống còn 4 tỷ bảng. Truyền hình dường như có thể tự lo cho bản thân, nhưng người chiến thắng lớn nhất là quảng cáo trên mạng. Loại hình này đã nhảy vọt từ con số 0 cách đây 20 năm lên mức thị phần 50% ngày nay.
Chỉ có một số tiền nhỏ được rót vào các nền tảng số của các đơn vị tin tức truyền thống, và ngay cả số này cũng đang bắt đầu sụt giảm trước những người khổng lồ như Facebook hay Google. Sự chuyển dịch từ máy tính để bàn sang di động đã cung cấp thêm động lực cho các lợi thế tự nhiên của truyền thông xã hội và các công cụ tìm kiếm trong việc biết được sở thích cá nhân của từng người tiêu dùng và nhắm trực tiếp vào họ.
Google ít nhất đã bắt đầu nhắc tới các nhà cung cấp tin tức đáng tin cậy mà họ đã khai thác không trả tiền, nhưng Facebook dường như vẫn không để ý tới thiệt hại mà họ đang gây ra. Với tư cách một nền tảng quảng cáo, họ không phải chịu phí tổn của việc cung cấp nội dung cũng như dường như không chịu bất kỳ trách nhiệm nào cho những gì họ xuất bản.
Giống như tham gia vào hàng phòng thủ Maginot Line, Chính phủ Anh, dưới sức ép của sự bất mãn của những người nổi tiếng, trong khi đó đang tham gia một nỗ lực thực sự nhằm “chặn họng” báo chí truyền thống, mà không hề nghĩ tới mối đe dọa chân thực hơn nhiều đối với quyền riêng tư và dân chủ mà truyền thông xã hội gây ra, nơi mà gần như điều gì cũng có thể xảy ra.
Tuy nhiên, một nghịch lý là sự ra đời của tin tức giả ít nhất đã mang lại chút hy vọng cho tương lai. Việc phổ biến các tin tức giả mà ta nhìn thấy trên mạng, đến một lúc nào đó, sẽ thúc đẩy lưu lượng truy cập quay trở lại các nguồn tin đáng tin cậy hơn, mặc dù giờ đây vẫn chưa rõ họ sẽ làm ra tiền từ điều này bằng cách nào.
Còn đối với Zuckerberg, trước khi nghĩ về việc tranh cử tổng thống, anh nên trưởng thành một chút và chấp nhận một phần trách nhiệm cho chính các thành phần trong xã hội mà anh đang cảm thấy không hài lòng./.
Hà Huy, ( Nguồn Vietnam+)