Ai có thể giúp đỡ người hùng trận mạc bị tỉnh Phú Thọ lãng quên?
Chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm nhưng nỗi đau vẫn còn đeo bám nhiều CCB. Nhất là những CCB bị lãng quên, không có chế độ phụ cấp thương bệnh binh, nhiễm chất độc Da-Cam Dioxin… Trong những người bị bất công ấy có ông Nguyễn Xước Hiện, CCB ở xã Phượng Vĩ, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
Vợ chồng ông Hiện ốm đau bệnh tật bên căn nhà rách, trước khi báo Lao Động vào cuộc.
Ông Nguyễn Xước Hiện, người xã Phượng Vĩ, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, như báo Lao Động đã viết trong bài “Cởi tiếng oan cho người hùng…” Nguyễn Xước Hiện (số báo ra ngày 21.3.2015), là một chiến binh can trường vệ quốc. Từ bom đạn trở về, ông bị “bỏ quên” mọi chế độ rồi bị tiếng oan là đảo ngũ suốt gần nửa thế kỷ. Ngay sau khi hồ sơ về cuộc đời cựu binh khốn khổ bị lãng quên ấy được công bố, Ban Biên tập Báo LĐ đã lên Phú Thọ tặng gia đình ông Hiện 10 triệu đồng, Bộ Giao thông Vận tải tặng 10 triệu đồng…, cơ quan chức năng hứa sẽ rốt ráo vào cuộc. Các nhà hảo tâm đã xây tặng ông Hiện một ngôi nhà khang trang trị giá hơn 240 triệu đồng. Đặc biệt, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Trung tướng Khuất Duy Tiến – nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, đại diện Ban Liên lạc của Sư đoàn 320 huyền thoại (nơi ông Hiện chiến đấu và lập nhiều chiến công) đã lên thăm nhà và tặng quà cho ông Nguyễn Xước Hiện, đồng thời làm việc với Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê đề nghị quan tâm đặc biệt với trường hợp gây xôn xao dư luận này. Tuy nhiên, điều hết sức ngạc nhiên: Cán bộ cơ sở, hơn 1.000 ngày qua, vẫn tiếp tục quên lãng người anh hùng khốn khổ này.
Trước những tài liệu thuyết phục, chúng tôi còn chụp thêm cả “rổ” huân, huy chương của ông Hiện, người ta đã phải thảng thốt, buốt lòng rồi khâm phục một người anh hùng trận mạc như thế. Xin được trích lại nguyên văn những chữ dưới đây, từ cuốn “Lịch sử Trung đoàn 64 quyết thắng, Sư đoàn 320 (1946-2006): “Từ 8 – 19h ngày 19.3.1975, Tiểu đoàn 7 chặn đánh quyết liệt với hàng chục xe tăng, xe thiết giáp và hàng trăm tên địch. Có lúc địch dùng 51 chiếc xe, trong đó 15 xe tăng, đánh tràn vào các chốt, xe tăng đè cả lên nóc hầm của đồng chí Lúa thuộc Đại đội 3. Mặc dù địch rất đông, nhưng các chiến sĩ bình tĩnh dũng cảm, vừa diệt xe tăng, vừa đánh bộ binh. Đồng chí Hiện (được chú thích là quê huyện Cẩm Khê, Phú Thọ – TG), xạ thủ B41 bắn 5 quả đạn, diệt 3 xe tăng M48 và 1 xe M113 (…)”. Ông Nguyễn Trọng Luân, giờ là nhà văn, nhà báo (nhiều năm công tác ở Báo Cựu Chiến binh Việt Nam, một đồng đội vào sinh ra tử trong chiến trường đánh Mỹ của ông Hiện, xác nhận: “Nguyễn Xước Hiện chiến đấu rất giỏi, bằng chứng là trong một trận đánh, số đạn của nó chỉ có 5 quả B41, nó bắn năm phát thì cháy bốn xe thiết giáp, trong đó 3 xe tăng của địch. Mà bắn xe tăng ấy không phải dễ đâu. Một lát, hết đạn lấy súng từ các tử thi, Nguyễn Xước Hiện còn xông lên, diệt thêm 30 quân địch nữa, sau chúng tôi bắt sống 20 tên khác. Cái khổ nhất của anh Hiện là dân làng người ta không biết Hiện oai dũng thế nào, và kẻ xấu tung tin đồn là cậu ấy đào ngũ”.
Tiền được chuyển về tặng, nhà được xây cho ông Hiện rồi. Tuy nhiên, hai ba chục triệu vào ngôi nhà cực nghèo, cực kỳ xiêu vẹo với hai vợ chồng già bệnh tật hoành hành, suốt ngày nhập viện đó, thì nó hết ngay. Suốt gần 3 năm qua, kể từ khi báo Lao Động lên tiếng, qua nhiều cấp xét duyệt và nhiều lần ông Hiện đi kêu cứu, cho đến nay chế độ của ông vẫn không có gì. Ở trong ngôi nhà hơn 200 triệu đồng, nhưng họ không có gì để ăn. Suốt 3 năm qua, cái đói nghèo, túng thiếu vẫn y như cũ. Các mảnh đạn vẫn trong đầu ông, chụp thấy rất rõ. Năm 2000, ông đau đầu quá, đập đầu vào bờ tường, một mảnh đạn bằng hạt đỗ đen còn rơi ra. Vợ ông qua 7 lần sinh nở, 6 bào thai bị dị tật bẩm sinh hoặc những đứa trẻ chết yểu sau nhiều năm chạy chữa. Đứa duy nhất còn sống thì rất yếu và nhiều bệnh.
Cả làng cả nước, nhắm mắt thì ai cũng biết: Rất nhiều khả năng, vợ chồng ông Hiện 6 lần sa sẩy và sinh ra những đứa trẻ dị tật chết trẻ là do hậu quả chất độc da cam từ chiến trường. Ông đánh nhau và trở thành người hùng trận mạc trong mắt đồng đội, trong lịch sử sư đoàn, sử sách viết rõ. Ông đánh giặc ở vùng Đức Cơ, Tân Cảnh (Tây Nguyên) là cái rốn chất độc da cam, ai cũng biết rõ. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, khi ông Hiện nhờ người đưa cái thân già tật bệnh đi đề nghị xét chế độ chất độc da cam, thì cán bộ vẫn yêu cầu: Cần có giấy tờ của bệnh viện nào đó từ những năm 1980 ấy, xác nhận là vợ ông Hiện đẻ ra trẻ dị tật, thai chết lưu hoặc sa sẩy. Để họ làm bằng chứng đưa vào hồ sơ. Than ôi, 40 năm trước thì đến cái bệnh viện địa phương chưa thành lập, chứ đừng nói có giấy xác nhận. Mà vợ ông toàn đẻ ở trạm xá xã, cái xã vùng sâu vùng xa, nghèo bậc nhất huyện nghèo bậc nhất tỉnh Phú Thọ ấy, gần 40 năm trước, giữa tranh tre nứa lá, làm gì có giấy tờ gì. Đến huân huy chương lừng lẫy ông Hiện còn chẳng giữ được, huống hồ cái giấy trạm xá xã xác nhận con ông chết ngay lúc sơ sinh…
Ông Hiện bảo, tôi sẽ vào binh đoàn của tôi ở Tây Nguyên xin xác nhận, có được không, đồng đội của tôi lên gặp tôi khóc lóc thương cảm sẵn sàng xác nhận, được không? Cán bộ địa phương bảo “không”.
Đã gần 3 năm trôi qua, đồng đội của ông Hiện cho biết, họ đã làm hồ sơ gửi vào đơn vị ở Tây Nguyên để đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho dũng sĩ diệt xe tăng Nguyễn Xước Hiện. Tuy nhiên, thời gian cứ trôi, tất cả chỉ là lời hứa. Ông Hiện vẫn hiện nguyên hình là một cựu binh đầy bệnh tật, bom đạn vẫn găm trong người, trái gió trở trời, vợ chồng già lại thuê người chở lên bệnh viện huyện Cẩm Khê nằm điều trị để sống làm người. Không một chế độ phụ cấp nào được các “cửa ải” đồng ý xét duyệt, cho dù chuyện nào cũng hai năm rõ mười rồi. Chỉ có ngôi nhà đã xây xong, nhưng nhà là để ở chứ không phải để ăn. Không biết tương lai nào đang chờ vợ chồng già yếu Nguyễn Xước Hiện?
Nhiều người đặt vấn đề: Vì lý do gì cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ chưa xét duyệt và có trợ cấp cho ông Hiện, một người hùng đã bị chính địa phương này lãng quên hơn 40 năm. Rất mong Bộ LĐTBXH quan tâm giám sát việc này.
Trước khi chính quyền các cấp tỉnh Phú Thọ ” tỉnh giấc ” cần có sự giúp đỡ của bà con nhất là những người đồng hương quê Phú Thọ ở muôn phương !
Huy Thắng ( Theo báo Lao Động )