Bé trai 5 tuổi chết vì… ăn rau câu
Miếng rau câu đường kính khoảng 3cm đã lọt vào khí quản khi cậu bé xấu số cố hút nó vào miệng.
Vừa qua, một bé trai 5 tuổi, ngụ tại quận 10 đã được đưa vào bệnh viện Nhi Đồng 1 để cấp cứu vì bị sặc rau câu. Tuy nhiên, các bác sĩ đã không thể cứu kịp cậu bé xấu số bởi quãng thời gian bé bị ngưng thở đã quá lâu. Trước đó, cậu bé đã ăn rau câu bằng cách hút miếng rau câu ra khỏi vỏ nhựa và không may nó đã lọt thẳng vào khí quản thay vì thực quản, khiến đường thở tác nghẽn hoàn toàn. Khi người lớn phát hiện, bé đã tím tái.
Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp Cứu bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, khi cháu bé thực hiện động tác hút, nắp thanh môn phía trên khí quản mở ra để không khí đi qua. Do lực hút quá mạnh, miếng rau câu đã lọt vào miệng, họng mà nắp thanh môn chưa kịp đóng lại nên nó đã lọt thẳng vào khí quản. Miếng rau câu mềm và kích thước khá lớn đã đủ chặn toàn bộ đường thở cháu bé.Với trường hợp kể trên, người nhà đã cố ấn ngực để cấp cứu nhưng do phát hiện quá muộn nên không thành công. BS Phương cho biết, thông thường một người bị ngạt có khoảng 4 phút “thời gian vàng” và họ cần được phát hiện, sơ cứu trước khi hết thời gian vàng này thì hy vọng cứu sống mới cao. Khi phát hiện trẻ sặc thức ăn, phụ huynh nên thực hiện 2 việc song song: gọi cấp cứu 115 và tìm cách tống dị vật khỏi đường thở.
Với trẻ nhỏ, có thể đặt trẻ lên một bên đùi và tiến hành vỗ lưng, ấn ngực với lực đủ mạnh và dứt khoát. Trẻ lớn hơn một chút, có thể đặt trên 2 đủi và vỗ lưng. Với trẻ lớn và còn tỉnh táo, người lớn có thể đứng ôm trẻ từ phía sau, đặt nắm tay ngay phần dưới chấn thủy trẻ, thực hiện động tác kéo vào thật mạnh để ép dị vật ra ngoài. Nếu trẻ ngưng tim, ngưng thở do dị vật thì phải tiến hành hồi sinh tim phổi bằng phương pháp ép tim, thổi ngạt.
Một số bác sĩ khuyên rằng, nếu bạn bối rối không biết làm thế nào, hãy thông báo cụ thể tình hình với nhân viên tổng đài 115 để nhận được hướng dẫn, bởi tổng đài viên luôn là nhân viên y tế và có nhiệm vụ hướng dẫn sơ cứu song song với điều phối xe.
Các bác sĩ cũng nhấn mạnh rằng, đây không phải là trường hợp đầu tiên bé bị sặc rau câu dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng, bởi việc ăn rau câu bằng cách hút khỏi vỏ luôn tiềm tàng nguy cơ. Trẻ lớn, bạn có thể dặn dò trẻ trước khi ăn. Với bé nhỏ hơn, có thể bóc rau câu và cắt nhỏ miếng rau câu ra để đề phòng nguy hiểm.