Ly kỳ chuyện bắt “ông trùm” giang hồ Hải Phòng
Nếu như là một người có tâm hồn, người ta sẽ làm tốt nhiệm vụ và cũng sẽ là cảm hứng cho người khác. Tâm hồn để người lính hình sự nhận biết được người ấy là vi phạm hay không cố tình vi phạm. Tâm hồn để nhận ra được giá trị trong mỗi con người.
Chính người đó những lần sau sẽ luôn luôn chấp hành và thậm chí là còn vận động người khác chấp hành. Lỗi gì có thể nhắc nhở thì chỉ nên nhắc nhở, phải xử lý thì xử lý. Chính vì vậy có quan niệm như vậy mà “cậu Mũ Trắng” Nguyễn Trường Tam mới “cám dỗ” được tội phạm lần lượt ra đầu thú.
Người có tâm hồn hay người có giác quan thứ 6 khá giống nhau. Nói đến giác quan thứ 6 đại tá Nguyễn Trường Tam nhớ đến vụ án bắt Mạnh “bí”. Chưa bao giờ bị tội phạm đánh nhưng ông lại bị chính đồng đội đánh phải khâu 5 mũi trên đầu.
Lần theo tên cướp khét tiếng
Thời điểm đó, Mạnh “bí”, tức Vũ Tiến Mạnh đã gây ra tất cả 17 vụ cướp xe máy bằng vũ khí. Mạnh “bí” là tên cướp táo tợn đến mức hắn sẵn sàng nổ súng bắn chết nạn nhân nếu chống đối.
Sau khi giết người và gây ra hàng loạt vụ cướp ở miền Bắc, bị truy lùng ráo riết nên hắn có kế hoạch trốn vào miền Nam lập nghiệp. Sau khi xác định đối tượng đã về Hải Dương, chuẩn bị lên đường đi TP.HCM, nên lực lượng công an phải săn lùng ráo riết.
Đại tá Tam xác minh đối tượng Mạnh “bí” đang ở địa bàn Hải Dương nhưng hoàn toàn không biết mặt. Đại tá Tam về gia đình Mạnh “bí” tìm hiểu nhưng cũng chỉ tìm được mỗi một cái ảnh chứng minh thư bé tí, mờ tịt, nhìn không rõ.
Sau khi đã có đủ căn cứ để ra lệnh truy nã, ông cầm cái ảnh bé tí căng mắt ra để nhớ trong đầu. Giống như trẻ con học thuộc lòng, mỗi sáng, ông mang bức ảnh chứng minh thư của Mạnh “bí” ra nhìn cho nhớ.
Đại tá Tam xác định, nhìn cái phải nhận ra hắn ngay bởi lúc nào hắn cũng có súng và lựu đạn trong người. Chỉ cần hắn giật lựu đạn là nổ ngay.
Với tội đó, hắn xác định là chết nên kể cả có chết nó cũng muốn chết cùng với công an để lấy tiếng. Đại tá Tam phân tích để hiểu cái chất của bọn lưu manh nên có thể đưa ra phương án bắt đối tượng hợp lý nhất.
Đại tá Nguyễn Trường Tam
Đợt đi bắt Mạnh “bí” ông và đồng đội phải ăn mặc rách rưới, để người hôi hám. Hôm đi Hải Dương bắt Mạnh “bí” có 6 người, trực tiếp do đồng chí trưởng phòng, đại tá Vũ Bá Dư chỉ đạo.
Cả đội xác minh được thông tin là Mạnh “bí” đã vào rạp xem phim. Quan trọng là Mạnh “bí” có súng và lựu đạn trong người.
Bây giờ bắt hay không bắt? Mà đông như thế này, hắn trốn hay lẩn mất thì “rút dây động rừng”. Mà yêu cầu của thành ủy với giám đốc công an thành phố là dứt khoát phải bắt được hắn để làm rõ nhiều chuyện, còn trả lời trước hội đồng nhân dân.
Nếu xông vào bắt, cả đội không an toàn, mà chủ yếu là nguy hiểm cho nhân dân. Đối tượng thoắt ẩn thoát hiện nên đã nhiều lần không bắt được hắn.
Suy nghĩ một hồi, ông trưởng phòng hỏi đại tá Tam: “Ý ông thế nào?”. Rít mấy hơi thuốc lá, đại tá Tam trả lời chỉ huy: “Không bắt”. “Sao không bắt?”, trưởng phòng hỏi.
“Cái thứ nhất là mặt mũi đối tượng của Mạnh “bí” còn mông lung, nếu bắt bằng giác quan là chính”, đại tá Tam trả lời.
Đại tá Tam đóng giả thành một người đến rạp để xem phim. Ông vận dụng hết trí nhớ để nhập tâm vào bức ảnh và nhận diện chính xác đối tượng.
Bên cạnh việc nhớ ảnh, ông cũng đã tìm hiểu từ gia đình xem Mạnh “bí” có đặc điểm gì đặc biệt như cười ra sao, nhăn nhó như thế nào… Nếu bắt nhầm thì không phải chỉ trả giá bằng tính mạng của mình mà còn rất nhiều đồng đội và người dân xung quanh.
Khoảng 30 phút sau có khoảng hơn chục người trông bặm trợn từ rạp chiếu phim bước ra. Lúc đấy, cũng chưa xác định được Mạnh “bí” là kẻ nào trong nhóm người kia.
Đại tá Tam đóng giả tay khật khưỡng bước đến hỏi rằng phim có hay hay không mà các ông anh ra sớm thế. Ông hỏi để xác minh, nếu là đối tượng lưu manh nhất định nó sẽ buông những lời tục tĩu.
Đúng như dự đoán, bọn chúng buông một câu: “Đ. ra cái gì cả”. Đại tá Tam khẳng định đến 90% là nhóm Mạnh “bí” nhưng hắn là thằng nào thì chưa biết. Công an chỉ có 6 người trong khi nhóm Mạnh “bí” có đến 10 người. Vì thế, ông quyết định không bắt.
Cú bay chuẩn xác
Khoảng 2h đêm, qua quần chúng nhân dân, đại tá Tam xác minh được đối tượng đã về một nhà gần đó. Ông trực tiếp đi trinh sát xem có thể vào “chơi” nhà này được hay không.
Kết quả xác định là không “chơi” được vì nhà ấy nuôi khoảng 6 con chó và chỉ có một ngõ vào. Chỉ cần đến bờ ao chó đã cắn inh ỏi.
Tình huống như vậy đòi hỏi người cầm quân phải thật tỉnh táo và chính xác. Tức là, đóng đinh vào lỗ nào thì lỗ ấy phải khớp. Không có chuyện sau này biết thế này, biết thế nọ…
Đại tá Tam ra ngoài báo cáo với trưởng phòng là không “chơi” được. Chỉ cần vào đến ngõ, chó sủa là nó chĩa súng ra bắn tới tấp luôn.
Ông cùng đồng đội tiếp tục chia ra làm 3 mũi phục kích. Lúc ấy, đại tá Tam cùng với đồng đội là Sơn “diêu” nằm phục kích gần nơi ở đối tượng. Trời tối, để xác định được đối tượng ra khỏi nhà vào lúc nào không phải là đơn giản.
Lúc ấy trong đầu ông hình thành tư duy: “Nó cũng chỉ là người lạ đến ngôi nhà này ở, nếu nó đi lại chó sẽ cắn, nếu nó nằm ổn định thì chó không cắn. Cũng có cái hay nữa là khi chó cắn, người phục kích cũng tỉnh ngủ”.
Nằm phục gần 5h sáng, có một bà bán hàng nước dọn hàng ở gần đấy. Đại tá Tam và Sơn “diêu” vừa mệt, vừa đói vừa khát nên chạy ra mua cái bánh chưng nóng.
Chưa kịp ăn thì nghe tiếng chó cắn loạn nên. Từ lúc chó cắn đến lúc có một người đi ngang qua quán nước là hơn 2 phút.
Lúc ấy, trời còn tối nên không nhìn rõ mặt người đi ngang. Đại tá Tam không biết có phải là Mạnh “bí” hay không. Tên này một tay luôn luôn đút túi quần.
Lúc ấy, trời cũng hơi lạnh. Từ quán nước của bà cụ ra đến đường cái, ra đến cửa ga Hải Dương khoảng mấy trăm mét.
Chuyện bắt tên cướp Mạnh “bí” ly kỳ như trong phim. Ảnh minh họa
Đại tá Tam quay ra cấu Sơn “diêu”: “Tao cảm giác kia Mạnh “bí”. Đối tượng vừa ra đến vỉa hè thì bỗng nhiên có một tiếng còi ủ hú lên.
Thế là, có tật giật mình, đối tượng đột ngột dừng chân lại. Lúc đối tượng đi qua, tim đại tá Tam đã đập thình thịch. Giác quan mách bảo ông rằng đây chính là Mạnh “bí”.
Tiến hành bắt hay không là câu hỏi rất khó trả lời trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó. Bởi đi từ quán nước đến thì đối tượng đã vào trong mất rồi.
Tên này rất cảnh giác nên một tay luôn đút túi. Nếu chạy đuổi theo đối tượng phát hiện sẽ rút súng bắn chết ngay. Đại tá Tam lại quyết định không chạy.
Đại tá Tam nhận định: “Nếu nó quay lại thám thính thì sẽ đi người không còn nó đeo theo balo thì chắc chắn đang chuẩn bị đi xa. Nếu lần này không bắt được, mà mất dấu vết thì sau này sẽ rất khó bắt lại”.
Khoảng hai phút sau, tiếng chó lại văng vẳng trong ngôi nhà nằm giữa ao. Ông đoán đối tượng đã quay về nhà. Ông và Sơn “diêu” tiếp tục ngồi ăn hết cái bánh chưng rồi yên tâm theo dõi.
Chờ mãi, đến độ 6h kém, lại có thông tin đối tượng xuất hiện ở cửa ga. Không biết hắn đi lối nào mà đã ra được đến cửa ga.
Lúc ấy, không biết chỉ huy và hai chốt kia ở đâu. Ông và Sơn “diêu” không ai bảo ai cùng chạy thục mạng về phía ga.
Đến gần cửa ga, ông thấy lái xe đang vật vờ ở đó. “Gặp thủ trưởng thì báo cáo giúp tôi Mạnh “bí” đã lên tàu. Tôi sẽ bắt nó ở trên tàu”, đại tá Tam dặn người lái xe.
Ông lên tàu, đang ngáo ngơ nhìn xem đối tượng ở khoang nào thì đã thấy hắn đi xuống rồi. Đối tượng vẫn cứ một tay xách túi và một tay đút túi quần như mọi lần. Thấy đối tượng đi sang vỉa hè phía bên kia, cách ông khoảng 300m, ông nghĩ trong đầu: “Chắc nó vừa lên tàu, phát hiện có vấn đề gì nên quay lại”.
Nếu chạy theo thì lại “rút dây động rừng”. May quá, lúc đó thấy 3 ông xe ôm, trong đó có 1 ông đi con xe Minsk (xe này đi tốc độ rất nhanh).
“Ông chở dim ba anh em chúng tôi ra cổng Phú Lương”, đại tá Tam nói. Ông xe ôm trả lời: “Hai mươi nghìn”. “Được, hai mươi nghìn nhưng ông chở với điều kiện tôi bảo “họ” là dừng ngay”, đại tá Tam thương lượng.
Sơn “diêu” ngồi giữa, Đại tá Tam ngồi sau. Ông đã định hình ra cách bắt đối tượng rồi. Xe chạy rất nhanh nên khi đang đi nhanh mà phanh gấp, tư thế của những người ngồi trước bao giờ cũng dúi đầu xuống.
Trong đầu ông phải tính toán, hoạch định luôn dừng như thế nào, nhảy xuống ra sao. Lúc ấy, ông dùng chân làm điểm bật mình lao vào ôm đối tượng. Ông nghĩ nhanh lắm, chỉ tích tắc trong đầu.
Lên xe xong, đối tượng đã đi cách ông chừng 500m. Cái đuôi xe vừa qua đối tượng thì ông kêu “họ” một tiếng. Lái xe ôm vừa kịp bóp phanh, ông đạp chân bay vèo, lao vào đối tượng.
Đà nhảy mạnh nên đẩy đối tượng vào tường. Ông giơ chân đá đúng bộ hạ của hắn.
Ông không biết Sơn “diêu” bay ra bằng cách nào nhưng đã kịp giữ được tay của đối tượng và lôi từ trong túi hắn ra một khẩu súng. Thế nhưng, đại tá Tam vẫn chưa yên tâm vì hắn còn có một quả lựu đạn trong người.
Đúng lúc ấy, lực lượng an ninh trật tự ở khu vực đó đến. Thấy hai thằng to con đi bắt một thằng nhỏ con, lại mang theo súng càng thêm nghi ngờ.
Thế là, Công an Hải Dương vội vàng rút súng ra gõ một phát vào đầu đại tá Tam, khiến máu tóe ra. Đại tá Tam nói mình là Công an Hải Phòng họ không tin. Họ quyết định trói cả 3 lại đưa về công an thị xã.
Sau một hồi xác minh đúng là cảnh sát thì hai người được thả ra. Khi báo tin đã bắt được Mạnh “bí”, ông giám đốc công an vui lắm.
Sau khi khám người đối tượng phát hiện trong băng có 8 viên đạn, 1 viên đã lên nòng. Ngoài ra, nó còn 3 băng đạn đầy nữa và 1 quả lựa đạn trên người đối tượng.
Mặc dù vẫn còn đau điếng sau vụ bị đồng đội “gõ súng” vào đầu nhưng Mũ Trắng quyết tâm xuống hỏi cung đối tượng luôn. Khi để hắn trấn tĩnh lại hỏi sẽ rất khó. Khi xác minh một số vụ, đối tượng nhận thì ông khẳng định chính xác tên này là Mạnh “bí”.
Sau khi cho đối tượng ăn uống no say ở Hải Dương, ông cùng đồng đội mang đối tượng về Hải Phòng tiếp tục xử lý. Từ lúc cho Mạnh “bí” lên xe, thủ trưởng cho kéo còi ủ hú hét khắp đường. Về đến gần Hải Phòng một chút thì cháy loa.
Không chỉ có Mạnh “bí”, cuộc đời làm hình sự của Đại tá Nguyễn Trường Tam bắt rất nhiều kẻ vào tù ra tội. Cũng có những người bị tử hình nhưng tuyệt nhiên không bao giờ bị ai trả thù. Chưa bao giờ có chuyện gia đình, đàn em của tội phạm đe dọa hay khủng bố tinh thần người thân của ông.
Thậm chí, có những người đi tù về đến nhà gặp ông còn cảm ơn. Ông vẫn chơi với những người này nhưng có ranh giới rõ ràng.
Khi ông làm việc là làm hết trách nhiệm nhưng khi bỏ quân phục thì ông là người dân, thậm chí có những điều ông còn nhận mình phải học hỏi họ. Đại tá Nguyễn Trường Tam cho rằng, phải làm cho người ta hiểu rằng đó là công việc và trách nhiệm của từng người.