Người bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh chịu hình thức kỷ luật nào?

Theo luật sư, ông Ngô Văn Tuấn – người liên quan đến việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh sai quy trình – có thể chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo hoặc hạ bậc lương.

Gần đây, việc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh giữ chức Phó phòng, rồi Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản khi chưa đủ các tiêu chuẩn được kết luận là không đúng quy định. Trước kết luận mới nhất này, dư luận thắc mắc các cá nhân, tập thể để xảy ra sai sót, vi phạm sẽ bị xem xét trách nhiệm như thế nào?

Theo luật sư Trần Phương Thảo (Công ty Luật Trí Minh), thông báo số 197/VP-THKH về kết quả Thanh tra, kiểm tra việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng từ 2010 – 2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ rõ các cá nhân, tập thể cần chịu trách nhiệm.
Thứ nhất, Giám đốc Sở xây dựng giai đoạn từ 11/10/2010- 7/12/2015 là ông Ngô Văn Tuấn (hiện đang giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) phải chịu trách nhiệm khi trực tiếp ký, thông qua các quyết định bổ nhiệm không đúng quy định.
Đồng thời tập thể lãnh đạo Sở Xây dựng thời kỳ 2010-2015 cũng phải chịu trách nhiệm về các thiếu sót, vi phạm có liên quan. Trong đó, trách nhiệm tham mưu trực tiếp thuộc về Chánh Văn phòng Sở Xây dựng thời kỳ 2010 – 2015 và các cán bộ, công chức có liên quan.
Thứ hai, việc chưa báo cáo về Sở nội vụ và không công khai khi cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh thôi việc từ ngày 23/9/2016 thuộc trách nhiệm của Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa hiện nay là ông Đào Vũ Việt.
Thứ ba, đối với việc giao hồ sơ công chức (hồ sơ gốc) cho bà Quỳnh Anh khi có quyết định thôi việc, trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở Xây dựng và Chánh Văn phòng Sở xây dựng hiện nay.
Các hình thức kỷ luật đối với cá nhân, tập thể để xảy ra các sai phạm kể trên có thể căn cứ Luật cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và cụ thể tại Điều 8 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức.
Theo đó, các hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Buộc thôi việc.
Các hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.
Theo Điều 15 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có thẩm quyền xử lý kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn.
Tùy thuộc vào mức độ vi phạm mà Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ quyết định hình thức kỷ luật với ông Ngô Văn Tuấn và các cán bộ công chức có liên quan trong việc ban hành Quyết định số 1634/QĐ-SXD ngày 18/4/2014 bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh giữ chức vụ Phó trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản và Quyết định 6216/QĐ-SXD ngày 7/11/2014 bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh – Phó trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản giữ chức vụ Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản.
Tùy vào mức độ và động cơ khi thực hiện việc bổ nhiệm bà Quỳnh Anh, ông Ngô Văn Tuấn với có thể chịu hình thức xử lý kỷ luật là cảnh cáo hoặc hạ bậc lương; các cán bộ công chức có liên quan có thể chịu hình thức xử lý kỷ luật như khiển trách hoặc cảnh cáo tùy vào mức độ vi phạm và hậu quả gây ra.
Ngoài ra, ông Đào Vũ Việt – Giám đốc Sở Xây dựng và Chánh Văn phòng Sở Xây dựng hiện nay sẽ phải chịu hình thức xử lý kỷ luật do vi phạm các quy định trong báo cáo, quản lý công chức; việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính; việc quản lý hồ sơ công chức. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh hóa có thẩm quyền tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức xử lý kỷ luật.
Tùy vào mức độ vi phạm và hậu quả vi phạm, ông Đào Vũ Việt và Chánh Văn phòng Sở Xây dựng hiện nay có thể chịu hình thức xử lý kỷ luật là hạ bậc lương hoặc giáng chức.

Related Posts