Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực

BVD- Năm 2016 và ngay từ đầu năm 2017 đã có chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và nay là chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân. Điều đó khảng định quan hệ Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực và đạt nhiều tiến triển mới trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước. 
 >> Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân lên đường thăm Trung Quốc

Hợp tác chiến lược toàn diện, phát triển ổn định, lành mạnh

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 11-15/5/2017. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc đầu tiên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Quốc hội khoá XIV bầu ra Ban lãnh đạo mới và là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Trần Đại Quang trên cương vị là Chủ tịch nước.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt – Trung thời gian qua tiếp tục xu thế phát triển tích cực, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước duy trì tiếp xúc thường xuyên và đã đạt được nhận thức chung quan trọng về việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh.

Ngày 11/5, sau lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Thủ đô Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ có cuộc hội đàm. Hai nhà lãnh đạo sẽ chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác, tham quan khu trưng bày Triển lãm ảnh đất nước, con người Việt Nam qua con mắt các nhiếp ảnh gia Trung Quốc.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân lên đường thăm chính thức cấp Nhà nước tới Trung Quốc sáng 11/5 (ảnh: TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân lên đường thăm chính thức cấp Nhà nước tới Trung Quốc sáng 11/5 (ảnh: TTXVN)

Ngày 12/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Chủ tịch nước dự tọa đàm Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng tham dự một số hoạt động khác như: Tiếp một số nhân sỹ Trung Quốc, Hội hữu nghị Trung – Việt, thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc.

Tiếp đó, trong ngày 13/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới thăm tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc và dự tọa đàm Hợp tác thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Phúc Kiến. Chủ tịch nước thăm Trung tâm dịch vụ Hành chính Phúc Châu, thăm khu phố cổ Phúc Châu và tiếp các doanh nghiệp tỉnh Phúc Kiến.

Ngày 14/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Diễn đàn lần này có chủ đề “Vành đai và Con đường: Hợp tác vì thịnh vượng chung”. Tham dự Diễn đàn có lãnh đạo cấp cao của 28 quốc gia.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo một số nước tham dự, tiếp một số doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc.

Ngày 15/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Hội nghị bàn tròn thượng đỉnh Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam kết thúc chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tại Trung Quốc.

Tình hình quan hệ Việt Nam – Trung Quốc

Năm 2016 và đầu năm 2017, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực và đạt nhiều tiến triển mới, hai bên tiếp tục tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao.

Nổi bật là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 1/2017; chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 9/2016; cuộc gặp gỡ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC tại Peru tháng 11/2016; cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 11 tại Mông Cổ tháng 7/2016…

Quan hệ Việt - Trung thời gian qua tiếp tục xu thế phát triển tích cực và đạt nhiều tiến triển mới
Quan hệ Việt – Trung thời gian qua tiếp tục xu thế phát triển tích cực và đạt nhiều tiến triển mới

Thông qua các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí kiên trì ổn định, tôn trọng lẫn nhau, tăng cường trao đổi chiến lược, gia tăng tin cậy chính trị, làm sâu sắc hợp tác cùng có lợi, kiểm soát và xử lý thỏa đáng các bất đồng còn tồn tại và các vấn đề nảy sinh, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định…

Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc đạt gần 72 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2015. Tính đến tháng 3/2017, Trung Quốc có hơn 1.600 dự án với tổng số vốn trên 11 tỷ USD, đứng thứ 8/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam.

Tình hình biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định, đường biên mốc giới được giữ vững, an ninh chủ quyền quốc gia và trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới được đảm bảo. Hai bên đã tiến hành Phiên họp lần thứ 7 Ủy ban liên hợp biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc (tháng 1/2017), ký kết Bản ghi nhớ về triển khai hợp tác thả giống nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong Vịnh Bắc Bộ.

Về tình hình Biển Đông, từ đầu năm 2017 đến nay không xảy ra các vụ việc nghiêm trọng trên thực địa, nhưng tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, khó lường. Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục duy trì trao đổi về vấn đề trên biển, hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã đạt được và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”.

Hai bên sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt – Trung và các cơ chế đàm phán trên biển, kiên trì tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Hai bên tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hoà bình, ổn định ở Biển Đông.

Huy Thắng, biên tập 

Related Posts