Ai Cập chính thức trả hai đảo cho Saudi Arabia

BVD – Dù người dân không đồng tình nhưng chính quyền Cairo cho rằng hai đảo này vốn được Riyadh nhờ giữ giúp hơn 60 năm trước nên giờ phải trả lại cho khổ chủ.

 

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (trái) và vua Saudi Arabia Salman bin Abdul-Aziz Al Saud hân hoan chào đón nhau – Ảnh: AFP

Theo AFP, trong một tuyên bố ngày 24-6, chính phủ Ai Cập cho biết Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi đã phê chuẩn thỏa thuận phân định biên giới trên biển giữa nước này và Saudi Arabia, theo đó phía Cairo sẽ chuyển giao chủ quyền hai hòn đảo Tiran và Sanafir ở phía Nam vịnh Aqaba trên Biển Đỏ cho Riyadh.

Trước đó, Quốc hội Ai Cập đã chính thức thông qua thỏa thuận nói trên trong một phiên họp toàn thể ngày 14-6, sau khi Ủy ban Các vấn đề Hiến pháp và Pháp lý cùng Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc gia của Quốc hội đều nhất trí bỏ phiếu ủng hộ.

Phiên họp kéo dài ba ngày này cũng từng rất căng thẳng bởi nhiều nghị sĩ đối lập nhất quyết phản ứng, thậm chí giương biểu ngữ ngay trong phiên họp.

Thỏa thuận điều chỉnh biên giới trên biển được Ai Cập và Saudi Arbia ký kết hồi tháng 4-2016 nhân chuyên thăm Cairo của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdul-Aziz Al Saud. Theo đó, chính quyền Cairo nhất trí chuyển giao chủ quyền hai đảo Tiran và Sanafir trên Biển Đỏ cho Riyadh.

Hai đảo không người ở Tiran và Sanafir ở phía Nam vịnh Aqaba trên Biển Đỏ chụp từ trên không – Ảnh: AFP

Chính phủ Ai Cập khẳng định hai hòn đảo Tiran và Sanafir thuộc chủ quyền của Saudi Arabia và do Ai Cập kiểm soát, khi trước đó Riyadh đã đề nghị Cairo bảo vệ những đảo này trong những năm 1950.

Thỏa thuận điều chỉnh biên giới biển nói trên đã vấp phải nhiều thách thức pháp lý kể từ khi nó được công bố vào tháng 4-2016. Các cuộc biểu tình phản đối và ủng hộ thỏa thuận cũng đã diễn ra ở một số nơi tại Ai Cập.

Ở nhiều nơi hai nhóm biểu tình đương đầu với nhau kịch liệt.

Luật sư Ai Cập xuống đường phản đối việc trả đảo – Ảnh: AFP

Chính quyền Ai Cập cũng cương quyết với luận điểm của mình và thực thi các biện pháp trấn áp các nhóm biểu tình phản đối.

Ngay trong tuần qua, sau khi Quốc hội Ai Cập thông qua quyết định, lại có những cuộc biểu tình phản đối và hàng chục người đã bị bắt giữ.

Đến tháng 1-2017, Tòa án Hành chính Tối cao Ai Cập ra phán quyết cho rằng thỏa thuận trên không có giá trị pháp lý.

Phản đối trả đảo ngay trong phòng họp Quốc hội Ai Cập – Ảnh: AFP

Tuy nhiên, vào tháng 4-2017, Tòa án Các vấn đề Khẩn cấp Cairo tuyên bố Tòa án Hành chính Tối cao Ai Cập không có thẩm quyền phán xét các hiệp định liên quan đến biên giới.

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tuyên bố không có căn cứ pháp lý nào khẳng định Ai Cập sở hữu hai đảo Tiran và Sanafir, đồng thời cho biết hiệp định điểu chỉnh biên giới biển giữa Ai Cập và Saudi Arabia được ký kết giữa chính phủ hai nước sau 11 vòng đàm phán và Cairo cũng đã báo cáo vấn đề này lên Liên hợp quốc (LHQ)./.

 

(Theo TTO)

Related Posts