Brexit: 5 vấn đề lớn Anh và EU phải giải quyết sau ‘chia tay’

BVD – Anh và Liên minh châu Âu EU vừa khởi động cuộc đàm phán “chia tay” hôm thứ 2 (19/6).

Hai bên sẽ có một loạt các vấn đề cần giải quyết và chưa đầy 2 năm để đàm phán. Dưới đây là 5 điểm khó khăn nhất:

1. Thương mại

Anh sẽ là nước đầu tiên rời khỏi EU. Trong khi còn là thành viên, Anh được hưởng thương mại tự do với phần còn lại của khối. EU chiếm 44% xuất khẩu và 53% nhập khẩu của Anh. Rời khỏi EU có nghĩa là nước Anh sẽ không còn quyền tự do tiếp cận thị trường.

Xác định các điều khoản của một mối quan hệ mới trong thương mại là điều tối quan trọng. Anh có thể “được” trả tiền để tiếp cận thị trường EU nhưng điều đó sẽ đòi hỏi phải có những nhượng bộ trong các lĩnh vực then chốt khác. Phương án thứ 2 là nước này có thể cố gắng để đàm phán một thỏa thuận thương mại hoàn toàn mới.

Nếu 2 bên không đạt được thỏa thuận trước tháng 3/2019, Anh có khả năng đối mặt với viễn cảnh thuế suất cao hơn và nhiều rào cản thương mại khác.

Rời EU khiến Anh gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường tự do của khối

2. Di cư

Thủ tướng Anh Theresa May cam kết giảm số lượng người châu Âu nhập cư vào nước này. Lập trường này có thể sẽ hạn chế tính linh hoạt của Anh trong các cuộc đàm phán. EU yêu cầu các quốc gia tiếp cận với khối thương mại tự do của mình phải chấp nhận sự di chuyển tự do của người dân. Một vấn đề khác cũng nảy sinh là các ngành then chốt của nền kinh tế Anh phụ thuộc vào người lao động nhập cư.

3. “Hóa đơn ly dị”

EU muốn Anh tôn trọng các cam kết chi tiêu nước này từng đưa ra khi còn là thành viên bằng cách giải quyết một hóa đơn cuối cùng. Các nước thành viên EU phải trả ngân sách chung để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, các chương trình xã hội, nghiên cứu khoa học, trợ cấp nông nghiệp và lương hưu cho các quan chức EU.

Ngân sách của khối được đàm phán để dùng trong nhiều năm, với thỏa thuận hiện nay kéo dài đến năm 2020. EU không đưa ra con số chính thức cho khoản tiền một nước phải trả khi rời đi, nhưng ước tính lên đến 100 tỷ Euro (112 tỷ USD). Nước Anh đang lẩn tránh nhiệm vụ này. Thậm chí, bà May còn đe dọa sẽ rời cuộc đàm phán để không phải trả tiền.

Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định sẽ rời bàn đàm phán nếu bị bắt trả tiền

4. Quyền của công dân

Cả 2 bên đều nói muốn bảo vệ quyền của hàng triệu công dân định cư ở Anh hoặc châu Âu. Khoảng 3 triệu người từ các nước EU khác sống ở Anh, trong khi khoảng 1,2 triệu người Anh sống ở các quốc gia khác trong EU.

Hồi đầu tháng này, EU cho biết khối này muốn có những quyền rộng rãi cho công dân EU và Anh, cũng như gia đình của họ. Những điều này bao gồm quyền tiếp cận hệ thống lương hưu và chăm sóc sức khỏe.

Thủ tướng Anh sẽ trình bày lập trường của mình với các nhà lãnh đạo EU vào cuối tuần này.

Số phận của hàng triệu cư dân Anh và EU sẽ được định đoạt sau cuộc đàm phán “ly dị”

 

5. Biên giới với Ireland

Đường biên giới của Ireland sẽ là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc đàm phán. Cả Anh và EU đều muốn tránh “ranh giới cứng” giữa Cộng hòa Ireland, vẫn ở lại EU sau Brexit và Bắc Ireland, rời khỏi khối này như một phần của Anh.

Các cư dân hiện đang được hưởng di chuyển tự do qua biên giới và nhiều doanh nghiệp có cơ sở ở cả 2 bên. Di chuyển tự do qua biên giới là một phần quan trọng của Thỏa thuận Thứ 6 Tốt lành (Good Friday Agreement), hiệp định năm 1998 mang lại hòa bình cho Bắc Ireland sau hàng thập kỷ tranh chấp giáo phái./.

 

(Tổng hợp)

Related Posts