Sao lại đổ lỗi cho người dân?
BVD – Liên quan vụ tàu vỏ thép – “tàu 67” gần 20 tỷ gỉ sét ở Bình Định, đại diện hãng máy tàu nói chỉ thay thế phụ tùng cho các bộ phận hư hỏng và sẽ chứng minh đó là lỗi của ngư dân.
Tin được một số báo loan tin mới đây nhất, đại diện nhà cung cấp máy Doosan (Hàn Quốc) tại Việt Nam đã nhập thiết bị từ Hàn Quốc để thay thế, sửa máy cho ngư dân Trần Đình Sơn (trú xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ). Ông Sơn là chủ tàu vỏ thép BĐ-99245TS đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu và được lắp máy của hãng Doosan. Tuy nhiên, ông Sơn không đồng ý với cách giải quyết này.
Ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH ô tô Đông Hải, đại diện ủy quyền phân phối động cơ Doosan tại Việt Nam khẳng định: “Chính sách bảo hành toàn cầu của hãng Doosan là thay thế phụ tùng cho các bộ phận hư hỏng. Chúng tôi sẽ chứng minh những cái không phải lỗi của hãng máy mà là lỗi của ngư dân. Phía Công ty không công bố kết quả mà chỉ đưa chứng cứ cho UBND tỉnh Bình Định để địa phương có kết luận chính thức”.
Đổ lỗi cho ngư dân nhưng ngư dân không được biết? Không lẽ máy móc hỏng của con tàu vỏ thép đánh cá cũng được đóng “dấu mật”?
Không đồng tình, ông Sơn dẫn lãnh đạo Sở NN&PTNT, đại diện hãng máy, công ty đóng tàu trực tiếp xuống tàu của ông để đối chiếu lỗi của máy tàu là do đâu. Tại đây, ngư dân này lấy 12 piston trong máy tàu lên, trong đó có 3 cái khác hẳn với 9 cái còn lại. Theo ông, 12 cái piston mà có 3 cái nhỏ hơn và khác hẳn với những cái còn lại. Buồng nổ máy phải đồng bộ thì máy nổ mới đều được, không đồng bộ thì buộc phải gồng và gãy máy, máy móc không thể “chắp vá”.
“Sai sờ sờ ra đó mà họ cứ cãi, còn đổ lỗi là do ngư dân. Họ tưởng ngư dân dốt lắm nên “đè đầu cưỡi cổ” làm sao cũng được. Thậm chí, họ yêu cầu tôi không nói gì lên báo chí nữa”, ngư dân chân chất này không giấu được vẻ bức xúc.
Xung quanh vụ “tàu 67” ở Bình Định bị hỏng hóc, Công ty Hoàng Gia Phát và Công ty Đông Hải ký hợp đồng cung cấp máy cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu để đóng tàu vỏ thép cho ngư dân. Cho nên, 2 công ty này phải có trách nhiệm. Vả lại, chủ tàu đã ký hợp đồng với công ty đóng tàu thì đơn vị này càng phải có trách nhiệm bảo hành cho ngư dân. Đó là lẽ đương nhiên. Sao lại để công ty cung cấp máy làm việc trực tiếp với ngư dân mà không phải là Công ty TNHH MTV Nam Triệu?
Rõ ràng ở đây phải “hợp đạo”, “hợp lý” và “hợp pháp”.
Không thể đổ lỗi cho ngư dân. Câu chuyện “tàu 67” ở Bình Định là một hiện tượng “đổ bừa” lên đầu người dân. Nếu tư duy “đổ lỗi” cho dân còn tồn tại thì xã hội chưa thể hết những câu chuyện buồn lòng, đau lòng!
(Theo Pháp luật VN)