Thứ trưởng Bộ GTVT: “Giao thông đầu mối TP.HCM kém xa Hà Nội”

BVD – Bày tỏ rằng so sánh như vậy không theo ý nghĩa tiêu cực, ông Nguyễn Ngọc Đông đã liệt kê ra hàng loạt công trình cho thấy sự chênh lệch lớn giữa 2 nơi.
Ngày 23/6 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm.

Đây được coi là dịp để TP.HCM trình bày trực tiếp những kiến nghị của mình với người đứng đầu Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ ngành đi kèm.

Hoạt động này được đánh giá rất cao bởi thường mang lại kết quả tích cực, do có sự đối đáp trực tiếp giữa các bên, trong một buổi gặp có sự tham gia của 15 lãnh đạo bộ ngành liên quan.

Ngay khi mở đầu, TPHCM đã “tranh thủ” đưa ra rất nhiều kiến nghị. Một phần quan trọng trong đó liên quan đến những công trình giao thông như: Các tuyến đường sắt đô thị, đường bộ, cảng biển, chống ngập…

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông.

Bổ sung thêm vào phát biểu của TP sau đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng ông đánh giá rất cao TP, vì có “nỗ lực rất lớn trong việc duy trì hạ tầng hiện có và cải tạo cục bộ để duy trì giao thông trước mắt”.

Tuy nhiên ông Đông cũng cho rằng “khó khăn về giao thông vận tải ở TP còn hết sức lớn”, đây chính là điểm nghẽn đối với phát triển kinh tế của TP ngay trước mắt, và cả trong tương lai.

“Như đường bộ, bây giờ so sánh các đầu mối giữa TP.HCM và Hà Nội là kém xa” – ông Đông nói và bày tỏ rằng ông không có ý định so sánh “theo ý nghĩa tiêu cực”.

“Ở Hà Nội tất cả cửa ngõ đều thoát, có các mạng cao tốc đi các nơi, từ Đông, Tây, Nam, Bắc. Các đường vành đai đã kín, sân bay Nội Bài không vấn đề gì. Còn TP.HCM chúng ta chưa làm được, vành đai chưa khép kín, còn Tân Sơn Nhất là vấn đề rất lớn…” – ông Đông cho hay.

Vị Thứ trưởng thừa nhận rằng để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của nhiều bộ ngành, thậm chí “cả hệ thống chúng ta trong suốt giai đoạn vừa qua”.

Về các giải pháp, ông Đông cho rằng trong thời gian tới cần tập trung làm những tuyến đường vành đai cho TP.HCM, cụ thể là đường Vành đai 3 – tuyến đường kết nối Long An – TP.HCM – Đồng Nai – Bình Dương.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, hiện đoạn cao tốc từ Bến Lức (Long An) đến Long Thành (Đồng Nai) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Các hạng mục lớn như cầu Bình Khánh, Phước Khánh dự kiến sẽ xong vào đầu năm 2019.

Tuy nhiên dự án cũng đang gặp vướng mắc về tài chính, mà nếu không tháo gỡ được thì thời gian đưa công trình vào sử dụng có thể phải lùi đến năm 2021.
Ông Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh rằng đây là tuyến đường rất quan trọng, bởi nếu không kết nối được thì hàng hóa không thể xuống tới cảng Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), như vậy sẽ ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa và sự phát triển của cả vùng kinh tế.

Ngoài dự án trên ông Đông cũng đề cập tới việc xây dựng đường Vành đai 2; giao thông tiếp cận khu vực sân bay Tân Sơn Nhất; hay sự cần thiết của những tuyến đường sắt đô thị và cơ chế tài chính cho các công trình này.

TP.HCM khong thể cân đối ngân sách cho nhiều công trình

Trước đó tại phần báo cáo, TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ chấp thuận hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố để thực hiện một số dự án đầu tư trong lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi có quy mô lớn.

TP thừa nhận rằng đây là những công trình mà mình “chưa thể cân đối được”.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2020 TP mong được bố trí 9.963 tỷ đồng từ nguồn vốn của SCIC cho 36 dự án chống ngập cấp bách.

Theo TP, các dự án này đã được hoàn tất các thủ tục đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, TP đề nghị Chính phủ chấp thuận bổ sung 10.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống cảng sông, cảng biển (như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước).

Tính toán cho thấy tổng mức đầu tư của các dự án trên là 37.282 tỷ đồng và phần còn lại thành phố sẽ tự cân đối để triển khai thực hiện./.

 

(Theo Infonet)

Related Posts