Thực hư thương vụ 110 tỉ USD Mỹ – Saudi Arabia?
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã ký một loạt hợp đồng “khổng lồ” trị giá 110 tỉ USD với Saudi Arabia.
Tuy nhiên, ABC News ngày 6-6 dẫn lời ông Bruce Riedel, cựu nhân viên Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và hiện là giám đốc dự án tình báo thuộc viện Brookings (Mỹ), khẳng định “hợp đồng” trị giá 110 tỉ USD mà ông Trump đã công bố thực chất “không hề tồn tại”. Cho tới nay không hợp đồng nào như vậy là mới và tất cả đã được đề xuất dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. “Thay vào đó, hai bên đã trao đổi một loạt thư từ và biên bản ghi nhớ cho thấy sự quan tâm hay dự định mua chứ không phải là các hợp đồng. Nhiều thư từ đã khiến giới quốc phòng Mỹ tin rằng Saudi Arabia sẽ quan tâm mua vũ khí Mỹ trong tương lai gần” – ông Riedel cho biết.
Ông Riedel nói thỏa thuận này thực chất là một “bản danh sách mong muốn” gồm các vũ khí mà Mỹ muốn bán cho Saudi Arabia trong vòng 4-5 năm tới mà không phải là hợp đồng. Hơn nữa, ông cho rằng chính phủ Riyadh có thể không đủ khả năng chi trả một món tiền lớn như vậy. Ông Riedel lý giải giá dầu giảm và chi phí đắt đỏ cho chiến dịch không kích tại Yemen đồng nghĩa với việc Saudi Arabia không còn dồi dào tiền mặt.
Vào thời điểm ông Trump công bố về hợp đồng vũ khí hồi tháng 5, Lầu Năm Góc đã liệt kê sáu đề xuất bán vũ khí của Mỹ cho Saudi Arabia với tổng trị giá chỉ khoảng 23,7 tỉ USD. Có đến 5/6 đề xuất này đã được công bố dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Tiếp đó, tới cuối tháng 5 và đầu tháng 6, thêm ba đề xuất bán vũ khí cho Saudi Arabia được Lầu Năm Góc trình Quốc hội Mỹ, trong đó có hệ thống radar trị giá khoảng 1,7 tỉ USD. Như vậy, tổng trị giá các đề xuất bán vũ khí của Mỹ cho Saudi Arabia chỉ vào khoảng 25 tỉ USD, nhỏ hơn nhiều so với con số 110 tỉ USD được công bố.
Theo Cơ quan hợp tác an ninh phòng thủ (DSCA) của Lầu Năm Góc, 85 tỉ USD còn lại trong hợp đồng mà ông Trump nói tới có thể được xem là một bản ghi nhớ (MOI). Số tiền này được mô tả là “năng lực phòng thủ tiềm năng trong tương lai” mà Mỹ dành cho Saudi Arabia. Dựa trên các nội dung trong “hợp đồng”, “năng lực phòng thủ” này bao gồm an ninh biên giới, chống khủng bố, an ninh hàng hải, hiện đại hóa không quân, phòng không, phòng thủ tên lửa, nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc và không gian mạng, tuy nhiên không có gì là chắc chắn.
Theo báo Pháp Luật VN