Viết về các anh hùng liệt sỹ Đà Nẵng

BVD – Các liệt sĩ là anh hùng LLVTND quê Đà Nẵng giống nhau ở chỗ có cuộc đời vô cùng giản dị mà can trường.  Được viết về họ, tôi càng thêm tự hào về những người con làm rạng danh truyền thống Khu V.

CHIẾN ĐẤU ĐẾN VIÊN ĐẠN CUỐI CÙNG

Anh hùng LLVTND Mai Đăng Chơn, nguyên Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, Phó Chính ủy Mặt trận 44, quê Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn) là một người nhân hậu và đầy khí phách ngay từ ngày bước chân vào con đường cách mạng đến phút cuối cùng hy sinh trên trận tuyến. Tôi biết về ông nhân một lần gặp anh Đinh Văn Ba, con của anh hùng liệt sĩ LLVTND Đinh Châu. Anh nói chuẩn bị đi thăm chị Thái, con bác Mai Đăng Chơn, hy sinh cùng ba anh ở Trung Lương, Cồn Dầu Tết Mậu Thân 1968. Trong căn nhà ở 47/6-Nguyễn Du (Đà Nẵng), chị Mai Thị Thái kể cho tôi nghe những kỷ niệm về người cha yêu quý. Tuy nhiên đó chỉ là những mảnh ký ức của tuổi thơ. Còn hiểu ông một cách đầy đủ thì chị không tường tận. Sau đó tôi tìm được ông Lê Thanh Vân, nguyên Trưởng ban tổ chức chính quyền tỉnh QN – ĐN (cũ) người biết rõ những năm tháng Anh hùng Mai Đăng Chơn làm Bí thư Huyện ủy Hòa Vang. Nhưng quãng thời gian quan trọng nhất đó là giây phút đương đầu với kẻ thù của Phó Chính ủy Mặt trận 44 thì rơi vào bế tắc. Bởi hầu hết những đồng chí của ông cũng đã hy sinh. Phải mất 3 tháng, qua hàng chục cuộc gọi từ những manh mối khác nhau, tôi mới gặp được nhân vật cần tìm đó là ông Võ Thanh Ba, năm 1968 là trợ lý tham mưu của Mặt trận, người sát cánh cùng thủ trưởng Mai Đăng Chơn khi bị địch vây hãm. Hiện ông sống ở Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam). Chính nhờ nhân chứng tin cậy này mà bài viết về người anh hùng liệt sĩ Mai Đăng Chơn thêm chi tiết và sống động. Hôm tôi đem tặng bài báo cho chị Thái, chị ấy rơm rớm nước mắt và bảo: “Đây là lần đầu tiên có bài viết đầy đủ nhất về ba chị dù tên ông đã được đặt cho một con đường và một ngôi trường từ rất lâu”.

Thiếu tướng Trần Minh Thiệt (ngoài cùng bên phải) với các đồng chí chỉ huy, tướng lĩnh Quân khu 5. Ảnh: T.L

ĐẤT CHÔN THÙ, HOA NỞ PHAN HÀNH SƠN

Anh hùng LLVTND Phan Hành Sơn mất đã 14 năm nhưng tên tuổi ông vẫn được lưu truyền trong thế hệ chống Mỹ, cứu nước. Sở dĩ ông được công nhận là liệt sĩ bởi từ khi bị thương nặng ở biên giới Tây Nam 1978 đến lúc từ trần là những năm tháng kiên cường chiến đấu giành sự sống. Suốt quá trình tìm hiểu để viết lại về anh hùng Phan Hành Sơn, tôi đã tìm gặp bằng được các nhân chứng mới. Đó là Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Trí, chỉ huy của ông ở trận đánh biệt kích căn cứ Non Nước năm 1968; Đại tá Phạm Tấn Bá, người cùng học văn hóa với ông khi từ miền Nam ra Bắc; Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31 Nguyễn Văn Hồng có mặt ngày Đại úy Phan Hành Sơn bị thương ở biên giới Đức Cơ (Gia Lai) được máy bay đặc biệt từ Sài Gòn qua chở về Đà Nẵng điều trị… Và nữa, những đồng đội thân thiết đã từng gọi ông về đi tham quan Cuba theo lời mời của Chủ tịch Fidel Castro. Vết thương ngày trước quá nặng, quân y đã tiêm cho ông liều cao hơn những người bình thường, vậy là ông nghiện moóc-phin đến mức phát cuồng. Sau này, ông tự nhốt mình ở trang trại trên núi và cày cuốc hùng hục như một nông dân. Nhờ vậy, ông đã vượt sự cám dỗ của bản thân. Mỗi câu chuyện tôi ghi lại là một nét chấm phá về người anh hùng với kỳ tích chiến thắng bệnh tật, sống đẹp cho xứng với quá khứ hào hùng của mình. Nhiều cựu chiến binh nói rằng, lâu nay họ nghe nhiều câu chuyện thực hư về Phan Hành Sơn, đọc bài viết của tôi, càng thêm kính trọng người con của quê hương Hòa Quý. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Thạnh thì nói rằng, cả gia đình rất hạnh phúc khi biết người anh hùng vẫn luôn sống động trong tâm trí đồng đội và nhân dân.

NGƯỜI ANH HÙNG TRÊN ĐỈNH SƠN TRÀ

Cùng quê với Phan Hành Sơn, Thiếu tướng, liệt sĩ anh hùng LLVTND Trần Minh Thiệt, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5 hy sinh khi mới tuổi 52, hứa hẹn còn nhiều đóng góp tài năng cho quân đội. Chiếc máy bay trực thăng chở đoàn cán bộ tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của QĐNDVN trong đó có Thiếu tướng Trần Minh Thiệt đi công tác bên nước bạn Lào đã bị rơi tại Xiêng Khoảng năm 1998. Ông ra đi trong sự thương tiếc của cả Quân khu và thành phố Đà Nẵng. Tôi biết về ông chỉ được 2 năm nhưng tính cách và tài năng của người anh hùng thì nghe đã lâu. Đặc biệt khi ông là tiểu đoàn trưởng của Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) nổi tiếng tham gia giải phóng Đà Nẵng, cắm cờ trên đỉnh Sơn Trà. Ông đã được phong tặng anh hùng LLVTND trong giai đoạn này. Tìm đến căn nhà ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (Đà Nẵng), bà Nguyễn Thị Kim Vân, vợ ông vẫn giữ khá nhiều kỷ vật về chồng mình. Mặc dù vậy, hiểu về ông tri kỷ nhất phải nhờ đến Đại tá Phạm Văn Ba, nguyên Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 307 là người có nhiều năm chiến đấu với ông ở Quảng Trị. Tôi lại nhớ đến lần được dự đại hội thi đua quyết thắng, ấn tượng về tấm lòng nhân hậu đa cảm của ông. Vậy là liên lạc cho bằng được người lính năm nào được ông giúp đỡ. Những cán bộ thường xuyên đi công tác với ông năm trước cũng được tôi kỳ công đi tìm. Bài viết về ông đăng trên báo Xuân Đinh Dậu được đồng đội của ông đón nhận và chia sẻ nhanh chóng. Cô con gái của ông đã đăng tải trên trang cá nhân của mình với niềm kính trọng sâu xa. Cô nói rằng: “Lâu nay em không hiểu rõ lắm việc ba làm. Nay nhờ bài báo mới biết kỹ, càng thêm tự hào về ba”.

Còn rất nhiều nhân vật là anh hùng liệt sĩ quê Đà Nẵng mà vì lý do khác nhau, chúng ta chưa viết hết. Kỷ niệm 70 năm ngày TB-LS năm nay, mong sao có nhiều bài viết hơn nữa về họ, để các anh hùng liệt sĩ không bao giờ bị lãng quên.

Related Posts