Tổng thống Mỹ điện đàm với lãnh đạo các nước châu Âu

BVD – Ngày 3/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni, thảo luận về các vấn đề biến đổi khí hậu, thương mại và nhập cư trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) dự kiến diễn ra ở Hamburg, Đức trong hai ngày 7 và 8/7.
Theo tuyên bố của Nhà Trắng, ngoài việc thảo luận những vấn đề được coi là có thể bộc lộ nhiều điểm khác biệt tại hội nghị G20 sắp tới, ông Trump và bà Merkel cũng đề cập đến tình trạng dư thừa nguồn cung sản xuất thép đang đẩy thị trường toàn cầu vào tình trạng mất cân đối. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng bày tỏ mong muốn giúp Thủ tướng Đức chủ trì hội nghị G20 thành công.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc điện đàm từ Nhà Trắng ở Washington, DC ngày 27/6. Ảnh: EPA/TTXVN

Trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Italy, ông Trump đánh giá cao nỗ lực của Thủ tướng Gentiloni trong việc chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng 5, cũng như trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, đang là một trong những vấn nạn lớn của châu Âu.

Nhữngcuộc điện đàm giữa ông Trump và các nhà lãnh đạo châu Âu diễn ra chỉ hơn một tháng sau Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Sicily, Italy, nơi các nước bộc lộ những bất đồng sâu sắc về một số vấn đề như biến đổi khí hậu, thương mại, chi tiêu quốc phòng, di cư. Nhiều khả năng những bất đồng xuyên Đại Tây dương này sẽ tiếp tục chi phối hội nghị G20 sắp tới. Trong đánh giá đưa ra tuần trước, Thủ tướng Angela Merkel thậm chí còn cho rằng có thể sẽ xảy ra những tranh cãi căng thẳng với ông Trump về các chủ đề nóng này. Bà nói: “Chúng tôi biết lập trường của Mỹ và tôi không hy vọng những điều này có thể biến mất trong hội nghị 2 ngày sắp tới.

Về phần mình, với cương vị chủ trị hội nghị Hamburg, bà Merkel từ tuần trước đã gặp các nhà lãnh đạo châu Âu chủ chốt, cam kết giữ vững lập trường về bảo vệ khí hậu cũng như các thị trường mở sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố chính thức rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris, đảo ngược những bước đi tích cực trước đó của chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama trong hồ sơ khí hậu quốc tế với cam kết Mỹ sẽ cắt giảm 26 – 28% tổng lượng khí thải vào năm 2025, so với mốc của năm 2005.

Theo bà Merkel, quyết định của Washington rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu càng khiến châu Âu quyết tâm hơn bao giờ hết để làm cho thỏa thuận này thành công.

 

(TTXVN/Tin Tức)

Related Posts