Triều Tiên và Iran dồn ông Trump vào chân tường

BVD – Mới cầm quyền 6 tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp khá nhiều rắc rối, nhưng nghiêm trọng hơn cả là Triều Tiên và Iran dồn ông Trump vào chân tường.
Trong vòng 48 giờ, Triều Tiên và Iran đều chế giễu phương Tây bằng cách thử thành công tên lửa tiên tiến. Có thể nói, tên lửa Triều Tiên và Iran dồn ông Trump vào chân tường.
Ngày 27 /7, Iran phóng thành công tên lửa Simorgh có khả năng mang theo một vệ tinh nặng 250 kg vào vũ trụ. Ngày hôm sau, Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thứ hai, một phiên bản cải tiến của tên lửa Hwasong-14 lần đầu tiên được thử nghiệm 3 tuần trước đó.

Sự thất vọng sâu sắc ở phương Tây có thể giải thích vì sao không một chuyên gia nào dám đề cập đến một thực tế đáng lo ngại đã được biết đến từ lâu: Iran và Triều Tiên là những đối tác lâu năm trong các chương trình tên lửa tầm xa. Nước này duy trì các chuyên gia tại các cơ sở phát triển tên lửa của nước kia.

Sau khi phóng tên lửa Hwasong 14 ngày 28 tháng 7, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khoe “ toàn bộ đất liền Mỹ nằm trong phạm vi tấn công” của tên lửa Triều Tiên. Theo ước tính mới nhất, các ICBM của Triều Tiên có thể phóng tới các thành phố lớn của Mỹ như Chicago và Los Angeles.

Đó là phản ứng của nhà lãnh đạo Triều Tiên trước các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ.

Các nguồn tin tình báo và quân sự của DEBKAfile cho rằng thành công của Iran cũng không kém ấn tượng và cũng rất nguy hiểm. Tên lửa Simorgh, hay còn gọi là Safir-3, là thành quả của nhiều năm phát triển tên lửa của Iran, sau nhiều vụ thử nghiệm thất bại trên con đường sở hữu tên lửa mang vệ tinh làm cơ sở cho tên lửa đạn đạo mang vũ khí hạt nhân.

Các nguồn tin quân sự của Mỹ cố hạ thấp vụ phóng tên lửa Simorgh, khi tuyên bố “điều duy nhất mà chúng tôi biết là không có vệ tinh nào được đưa vào quỹ đạo”.

Nhưng thực ra Iran lần này không cố tình đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Mục tiêu của Tehran là hoàn thiện công nghệ chế tạo tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nhỏ cũng như tên lửa đẩy đem các vệ tinh quân sự và gián điệp vào vũ trụ.

Tehran rất kín tiếng về sự thành công của mình. Tên lửa Safir-2 có một số chi tiết của tên lửa đạn đạo Triều Tiên BM-25 và có thể phóng xa khoảng 3.000-4.000km. Tên lửa Simorgh hoặc Safir-3 được thử nghiệm trong tuần này là một phiên bản tiên tiến. Đó là tên lửa hai tầng, sử dụng nhiên liệu rắn và được cho là có tầm bắn đến 7.500km.

Trong một sự kiện liên quan đến tên lửa Iran, ngày 26/7, Ả-rập Xê-út đã thông báo đánh chặn “tên lửa đạn đạo do các phần tử nổi dậy Houthi ở Yemen, được Iran hậu thuẫn, tấn công thành phố thánh địa Mecca”. Bộ Quốc phòng Ả-rập Xê-út cho biết tên lửa của quân nổi dậy Houthi đã bị bắn hạ cách Mecca khoảng 69 km và không gây bất kỳ thiệt hại nào. Trong mấy tháng qua, Riyadh đã cáo buộc Tehran cung cấp cho quân nổi dậy Yemen nhiều tên lửa Fatteh-110 để đánh phá các thành phố của Ả-rập Xê-út, trong đó có cả thủ đô nước này. Ả-rập Xê-út đã trông đợi Tổng thống Donald Trump có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn Iran. Thế nhưng, ngoài việc lên án Tehran hành động thù nghịch chống lại “đối tác Ả-rập Xê-út”, chính quyền của Tổng thống Donald Trump không đưa ra hành động cụ thể nào, ngoài các biện pháp trừng phạt mới vốn không gây thiệt hại nhiều cho Tehran hay Bình Nhưỡng.

Sáu tháng cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump rõ ràng đã vấp phải khá nhiều rắc rối. Trên hết, ông đang bị đối thủ “đẩy vào chân tường” ở cả Trung Đông lẫn Đông Bắc Á./.

 

(kienthuc)

Related Posts