VOV: Còn sức khỏe, TB. Nguyễn Huy Thắng, kiều bào Đức còn trở lại thăm chiến trường xưa

(VOV5) – Đã là người lính không ai quên ngày giải phóng, không ai quên những năm tháng chiến tranh. Các cựu chiến binh ai cũng muốn trở lại chiến trường nơi mình đã chiến đấu.

hương binh hạng 2/4 Nguyễn Huy Thắng, người Việt ở CHLB Đức, đã có những năm tháng chiến đấu tại chiến trường miền Trung và bị thương nhiều lần vào các năm 1971, năm 1972, năm 1973, 1974  tại tỉnh Quảng Ngãi. Mỗi khi trở lại Việt Nam, ông thường cùng đồng đội về thăm chiến trường Quảng Ngãi để ôn lại kỷ niệm xưa và tri ân những người đã khuất. Phóng viên Đài TNVN có cuộc trò chuyện về những năm tháng kháng chiến không thể nào quên đối với một cựu binh như ông.

Còn sức khỏe, thương binh Nguyễn Huy Thắng, kiều bào CHLB Đức còn trở lại thăm chiến trường xưa - ảnh 1 

Ông Nguyễn Huy Thắng tâm sự với đồng đội đã hi sinh. Đó là liệt sĩ Trịnh Mệnh an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi 

Phóng viên: Thưa ông, được biết, ông cùng những người đồng đội của mình đã nhiều lần đi thăm lại chiến trường xưa. Những hành trình như vậy đã để lại điều gì trong ông?

Ông Nguyễn Huy Thắng: Đã là người lính không ai quên ngày giải phóng, không ai quên những năm tháng chiến tranh. Các cựu chiến binh ai cũng muốn trở lại chiến trường nơi mình đã chiến đấu. Nhưng không phải ai cũng có thể trở lại vì nhiều lý do sức khỏe, kinh tế,… Với tôi, tôi có điều kiện hơn là từ CHLB Đức về nên cùng đồng đội của mình trong đó có Thủ trưởng của tôi là Nguyễn Nhật Thăng, nguyên là tiểu đoàn trưởng, ông Nguyễn Danh Nho cán bộ quân nhu, đại đội trưởng của tôi là ông Bùi Hữu Phỏng và một số cựu chiến binh khác đã có nhiều chuyến đi từ Hà Nội vào chiến trường Quảng Ngãi là một trong những chiến trường ác liệt nhất ở miền Trung, thăm lại chiến trường xưa. Chiến trường Quảng Ngãi có đặc trưng là nửa đồng bằng, nửa miền núi nên khi Mỹ áp dụng mọi chiến thuật và chiến lược đều mang đến Quảng Ngãi để áp dụng. Trong đó có sư đoàn không vận 01 của Mỹ với lữ đoàn không vận 198 đã càn quét ở miền trung rất ác liệt. Tiểu đoàn của chúng tôi đã chiến đấu quyết liệt. Trong tiểu đoàn 107 mà chúng tôi tham gia, các chiến sĩ trong tiểu đoàn đã đánh tổng cộng 935 trận, bắn rơi 96 máy bay, trong đó có 91 máy bay trực thăng UH1A và 5 máy bay phản lực.

Còn sức khỏe, thương binh Nguyễn Huy Thắng, kiều bào CHLB Đức còn trở lại thăm chiến trường xưa - ảnh 2 Ông Nguyễn Huy Thắng cùng các đồng đội thăm mộ phần liệt sĩ.

Trong đoàn chúng tôi  có ông Nguyễn Nhật Thăng, tiểu đoàn trưởng của tôi, đi xe lăn, thương binh hạng ¼, tôi là thương binh hạng 2/4, ông Nho và ông Phỏng là thương binh hạng ¾. Tất cả đều là thương binh cả. Nhưng đối với chúng tôi, còn có sức khỏe ngày nào, có thể vào thăm chiến trường ngày nào, chúng tôi đều muốn trở lại chiến trường để tri ân với đồng đội và nhân dân bám trụ nuôi giấu cán bộ cách mạng thời chiến tranh.

Bây giờ chiến tranh đã qua đi rồi nhưng tôi muốn quay lại chiến trường đó để mang tình cảm của mình đến với bà con trong nước, gặp lại các đồng đội, những người đã từng đổ máu hi sinh để ôn lại các câu chuyện xưa và tri ân với đồng đội, những người không may mắn bị thương, không may mắn đã ngã xuống ở chiến trường. Chúng tôi muốn quay lại chiến trường để làm việc đó. Đây cũng chính là động viên cho mình, truyền lại cho con cháu mình biết rằng ở thời kỳ đó đất nước Việt Nam có những trang sử oanh liệt và huy hoàng như thế.

Phóng viên: Ông có thể kể đôi chút về tiểu đoàn 107 anh hùng đã có những thành tích như thế nào trong thời kỳ kháng chiến?

Ông Nguyễn Huy Thắng: Tiểu đoàn 107 trong thời kỳ đầu tiên mang danh là tiểu đoàn 270  được thành lập ở Hải Phòng. Đến khi vào chiến trường Quảng Ngãi mới đổi tên là tiểu đoàn107.  Lúc đầu tiểu đoàn sử dụng chủ yếu là trọng liên 12 ly 7, sau đó được bổ sung thêm cối 82ly và hỏa tiễn A12, DKB. Đây là các loại vũ khí vác vai để cơ động chống lại trực thăng vận và các cuộc càn quét của Mỹ, Ngụy. Tức là tiểu đoàn 107 là đối tượng tác chiến của Mỹ. Và Mỹ cũng là đối tượng tác chiến của tiểu đoàn 107. Vì vậy, trận đầu tiên của tiểu đoàn 107 với vũ khí vác vai 12 ly 7 đó đã quật tan cuộc đổ bộ của sư đoàn không vận số 1 của Mỹ, chỉ trong ba ngày 16, 17, 18 tháng 7 năm 1967 đơn vị đã bắn rơi 56 máy bay, tiêu diệt tại tại chỗ 475 lính Mỹ xâm lược. Trong đó có 52 máy bay trực thăng và 4 máy bay phản lực.

Tiểu đoàn 107 tổng số đánh 935 trận. Bình quân là 3 người đánh một trận. Bắn cháy và bắn rơi tại chỗ là 96 máy bay, trong đó có 5 máy bay phản lực, 91 máy bay trực thăng. Phá hủy 172 khẩu pháo và cối các loại; Bắn cháy 67 xe tăng và xe bọc thép; phá hủy hàng nghìn lô cốt, đồn bốt, ấp chiến lược. Với những chiến công ấy, tiểu đoàn 107 xứng đáng là một tiểu đoàn anh hùng.

Còn sức khỏe, thương binh Nguyễn Huy Thắng, kiều bào CHLB Đức còn trở lại thăm chiến trường xưa - ảnh 3Ông Nguyễn Huy Thắng đưa gia đình thân nhân liệt sĩ Trương Thanh Lâm vào chiến trường tìm mộ. Trong ảnh, ông cùng gia đình liệt sĩ thắp hương tại nơi liệt sĩ đã hi sinh ở thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Phóng viên: Ông đã ra nước ngoài nhiều năm, ông cảm nhận về tình cảm đối với anh em đồng đội như thế nào để lần nào trở về Việt Nam là ông đều trở lại Quảng Ngãi và lần nào cũng có ý định đi tìm các liệt sỹ là đồng đội của mình đã hi sinh?

Ông Nguyễn Huy Thắng: Mình chiến đấu vì dân nhưng mình sống được là nhờ có dân, có đồng đội. Mình may mắn còn sống trở về thì phải nhớ những người đồng đội đã từng chiến đấu bên mình và đã hi sinh. Đồng đội của chúng tôi hi sinh nhiều lắm, lớp cũ như tôi trở về trước là gần hết. Vì thế tìm mộ liệt sĩ là trách nhiệm và lương tâm của những người còn sống. Tôi bắt đầu đi tìm từ tháng 4 năm 2000. Có ngôi mộ sau 8 năm mới tìm và xác định được tên như ngôi mộ của liệt sĩ Trịnh Mệnh, Chính trị viên Đại đội 2, quê ở Hải Phòng, hi sinh trong trân đánh đồn Dốc Phú ngày 07.08.1972. Ngôi mộ của liệt sĩ Trương Thanh Lâm quê ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, hi sinh ngày 09.05.1972 trong trận đánh Vạn Tường,  đã 14 lần đi tìm và đào nhưng vẫn chưa thấy. Đấy là ngôi mộ tôi và đồng đội trực tiếp mang đi chôn cất. Còn một số ngôi mộ của các đồng đội khác nữa đến bây giờ địa hình đã thay đổi sau hơn 40 năm nên khó có thể nào tìm được, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì. Tôi đã đưa cả gia đình thân nhân và nhiều người vào nhưng vẫn chưa tìm được, rất khó. Cho nên mỗi khi về Việt Nam vào chiến trường xưa Quảng Ngãi, đi đến nghĩa trang nào tôi cũng thắp hương tri ân với đồng đội, đồng bào.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

 

Related Posts