40 năm sau cất cánh, 2 tàu vũ trụ vẫn lơ lửng ngoài không gian

BVD – Liệu có sự sống ngoài Trái Đất? Năm 1977, NASA tìm cách trả lời câu hỏi này bằng việc phóng 2 con tàu vào vũ trụ thực hiện hành trình dài cho đến giờ chưa kết thúc.
Năm 1977, khi Voyager 1 và 2 được phóng đi lần lượt vào tháng 8 và tháng 9 từ Cape Canaveral, Florida, các nhà khoa học chưa biết nhiều về những hành tinh ngoài Trái Đất và chưa tưởng tượng được quy mô của chuyến thám hiểm không gian này.

“Không ai trong chúng tôi biết được rằng hành trình tiên phong này vẫn còn tiếp tục”, nhà khoa học Ed Stone tham gia dự án Voyager 40 năm trước chia sẻ.

Voyager 1 đã thâm nhập không gian liên sao. Ảnh: NASA.

 

Nhiệm vụ chính của hai con tàu không người lái này là khám phá các hành tinh như sao Mộc, sao Thiên Vương và sao Hải Vương, nhưng chúng cũng có trọng trách mang câu chuyện về nhân loại đi khắp vũ trụ xa xôi.
Chiếc đĩa tỷ năm – Sứ giả của Trái Đất

Mỗi tàu Voyager chứa một máy đọc và một chiếc đĩa ghi vàng, được chế tạo để tồn tại được đến hơn 1 tỷ năm. Đĩa ghi chứa hình ảnh, tư liệu chọn lọc về Trái Đất và văn hoá nhân loại. Các nhà khoa học hy vọng một ngày nào đó, một nền văn minh ngoài Trái Đất sẽ nhận được chúng và hiểu được thông điệp của con người.

Trong số những âm thanh được ghi trong đĩa, có tiếng cá voi lưng gù, ca khúc rock and roll Johnny B. Goode của nam danh ca da màu Chuck Berry, bản Giao hưởng số 5 của Beethoven, một bài hát của người Pygmy và lời chào bằng 55 thứ tiếng.

Nhà thiên văn người Mỹ Carl Sagan, một trong những nhà khoa học hàng đầu tham gia dự án, cũng đã bảo con trai ông, Nick, ghi âm giọng mình vào đĩa. “Xin chào, lời chào từ những đứa trẻ ở Trái Đất”, cậu bé nói. Nick giờ đã 46 tuổi.

Đĩa vàng cũng chứa 115 bức ảnh được mã hóa, chụp Vạn Lý Trường Thành, kính thiên văn, hoàng hôn, voi, nhà linh trưởng học Jane Goodall cùng những con tinh tinh, sân bay, tàu hỏa, một người mẹ đang cho con bú, cá heo, và cơ quan sinh dục của con người.
Dự án vĩ đại

Voyager 2 được phóng trước, vào ngày 20/8/1977. Sau đó ngày 5/9/1977, Voyager 1 được phóng đi với quãng đường ngắn hơn và tốc độ nhanh hơn khiến nó vượt “người anh em”.

Voyager 2 được phóng trước nhưng có tốc độ chậm hơn Voyager 1. Ảnh: NASA.

 

Thời điểm thực hiện sứ mệnh được tận dụng từ sự sắp xếp hành tinh hiếm hoi chỉ xảy ra sau mỗi 175 năm, cùng “hỗ trợ” từ lực hấp dẫn tăng dần khi qua các hành tinh, giúp giảm thiểu lượng nhiên liệu sử dụng.

Tuy vậy, ngay từ ban đầu chương trình Voyager đã phải đối mặt với nhiều thách thức, từ ngân sách hạn hẹp đến giới hạn của công nghệ hiện đại những năm 1970.

Theo lời chia sẻ nổi tiếng từ một nhà khoa học, dây cáp của hai con tàu đã được bọc bằng giấy nhôm – loại mua trong cửa hàng để dùng cho bếp núc – nhằm bảo vệ Voyager 1 và 2 khỏi bức xạ nặng.

Tổng thống Mỹ thời đó Richard Nixon muốn sứ mệnh này kéo dài qua hai cuộc viễn thám hành tinh, nhưng các nhà khoa học của Voyager đã lên kế hoạch cho một sứ mệnh dài hơi hơn cho trường hợp cần thiết.

Bộ đôi tàu vũ trụ đã vén màn bí mật về các hành tinh, trong đó có chi tiết về những đám mây sao Mộc với Vết Đỏ Lớn tạo ra cơn bão dữ dội có kích thước bằng hai lần Trái Đất.

“Thời điểm ấy, đó là những hình ảnh đẹp hơn bất kỳ bức ảnh nào có được từ kính thiên văn trên Trái Đất”, Alan Cummings, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Công nghệ California (Caltech), nhận định. Cummings cũng tham gia vào dự án bắt đầu vào năm 1973 này.

Hai tàu Voyager còn khám phá ra những núi lửa đầu tiên hoạt động ngoài Trái Đất trên mặt trăng vệ tinh Io của sao Mộc và những dấu hiệu của một đại dương dưới bề mặt mặt trăng vệ tinh Europa, cũng của sao Mộc.

Voyager cũng phát hiện được Titan, mặt trăng lớn nhất của sao Thổ, có bầu khí quyển giống Trái Đất nhất trong hệ mặt trời, còn Triton, mặt trăng chính của sao Hải Vương, có thể phun ra nhiều mạch nước đá băng giá.
Cuộc viễn thám tiếp tục

Trong một lời tri ân đến dự án, NASA ca ngợi rằng sách giáo khoa về thiên văn học đã được viết lại một cách hoành tráng nhờ Voyager, với những khám phá lớn về sao Mộc, sao Thổ, sao Hải Vương và sao Thiên Vương. Dự án đã “làm nên cuộc cách mạng về khoa học thiên văn học hành tinh”.

Hướng di chuyển của hai con tàu. Đồ họa: Pearson Education.

 

Voyager 1 đã thực hiện hành trình xa hơn mọi tàu vũ trụ do con người tạo ra. Nó đã đi vào không gian liên sao, cách Trái Đất khoảng 21 tỷ km, vào tháng 8/2012. Voyager 2 cũng đang tiếp bước “người anh em”. Nó là tàu vũ trụ duy nhất từng bay qua cả 4 hành tinh khổng lồ vòng ngoài của hệ mặt trời.

Hai con tàu sử dụng plutonium sẽ tiếp tục hành trình cho đến khi cạn nhiên liệu, rồi quay quanh trung tâm Ngân Hà.

Alan Cummings cho biết máy ảnh trên tàu đã ngừng hoạt động từ lâu, nhưng có những bộ phận của tàu vẫn tiếp tục thu thập dữ liệu.

Các nhà khoa học hàng ngày vẫn đợi tin tức Voyager gửi về từ vũ trụ bao la và mong nhận được dữ liệu trong khoảng một thập kỷ nữa. “Tàu vẫn đang khám phá những điều mới, bởi những nơi chúng đến chưa từng có gì đi qua”, Ed Stone nói.Voyager 1 đã thâm nhập không gian liên sao. Ảnh: NASA.

 

Related Posts