Chiến hạm tỷ đô liên tiếp đâm, radar hỏng hay thủy thủ kém?

BVD – Trong 3 tháng, 2 tàu khu trục hiện đại bậc nhất của Mỹ đã va chạm với tàu hàng và hư hỏng nặng. Điều này đặt ra câu hỏi về hệ thống điều hướng cũng như kinh nghiệm của thủy thủ.
Tàu khu trục USS John S. McCain (DDG-56), lớp Arleigh Burke va chạm với tàu chở dầu ở phía đông Singapore vào sáng sớm ngày 21/8. Vụ tai nạn khiến 10 thủy thủ mất tích. Tàu bị móp một lỗ lớn ở bên mạn trái. DDG-56 đã cập cảng Singapore an toàn.

Theo CNN, DDG-56 được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis tối tân được cho là có khả năng chống lại bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa nào từ Triều Tiên. Phát ngôn viên Hải quân Mỹ cho biết, tàu khu trục McCain là một trong 14 chiến hạm Aegis được tăng cường đến Nhật Bản.

8 tháng 4 vụ tai nạn

Vụ va chạm của tàu khu trục DDG-56 là tai nạn thứ 4 của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương kể từ đầu năm. Cuối tháng 1, tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển USS Antietam (CG-54), lớp Ticonderoga mắc cạn trong khi thả neo tại vịnh Tokyo. Vụ tai nạn làm hỏng chân vịt, gây tràn dầu ra biển.

Tàu khu trục McCain móp một lỗ lớn sau vụ va chạm. Ảnh: Reuters.

Đến ngày 9/5, tuần dương hạm USS Lake Champlain (CG-57), lớp Ticonderoga đâm chìm một tàu đánh cá của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải. Vụ việc không gây ra thương vong nhưng cho thấy sự lúng túng của thủy thủ đoàn trong xử lý vấn đề.

Ngày 17/6, tàu khu trục USS Fitzgerald (DDG-62), lớp Arleigh Burke va chạm với tàu container ngoài khơi bờ biển Nhật Bản khiến 7 thủy thủ thiệt mạng. Đây là một trong những tai nạn nghiêm trọng nhất đối với Hải quân Mỹ trong những năm gần đây.

Trong khi Hải quân Mỹ đang tìm tàu chuyên dụng để chở DDG-62 về Mỹ sửa chữa thì tai nạn lại xảy ra với chiến hạm hàng đầu của họ.

Lỗi con người hay máy móc?

Theo Global Security, tàu khu trục USS John S. McCain được trang bị hàng loạt thiết bị điện tử hàng hải tối tân. Con tàu trị giá khoảng 1,5 tỷ USD bao gồm cả vũ khí. Mỗi tàu chiến của Hải quân Mỹ được trang bị ít nhất 4 loại radar khác nhau cho nhiệm vụ phát hiện mục tiêu trên biển, trên không, điều khiển hỏa lực và điều hướng hàng hải.
Hệ thống điều hướng hàng hải chủ đạo trên chiến hạm Mỹ là hệ thống hiển thị thông tin và hải đồ điện tử dùng cho tàu chiến (WECDIS). WECDIS có thể tích hợp các thiết bị điều hướng khác như hệ thống nhận dạng tự động (ASI) và các hệ thống khác để loại trừ các mối nguy cơ về va chạm với tàu khác, hoặc đá ngầm trong khu vực.

Tàu khu trục USS Fitzgerald hư hại nặng sau vụ va chạm với tàu container trong tháng 6. Ảnh: NBC News.

 

Đặc biệt, các tàu chiến hiện đại của Mỹ cũng như các nước khác đều được trang bị hệ thống cảnh báo va chạm tự động (ARPA). Radar của hệ thống ARPA sẽ theo dõi và tự động hiển thị thông tin vị trí của tàu và các tàu khác trong khu vực. Máy tính của hệ thống sẽ dựa trên tốc độ, hướng đi của tàu so với tàu khác từ đó đưa ra thông tin cảnh báo va chạm.

Ở khía cạnh trang bị kỹ thuật, các chiến hạm Mỹ hầu như được “trang bị tận răng” cho các tình huống trên biển, vấn đề còn lại có thể nằm ở thủy thủ đoàn. Các chuyên gia quân sự cho biết những vụ va chạm liên tiếp gần đây đặt ra câu hỏi về vấn đề đào tạo thủy thủ của Hải quân Mỹ.

Bản đồ các vụ tai nạn của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương kể từ đầu năm. Đồ họa: CNN.

Rick Francona, nhà phân tích kỳ cựu của CNN nói rằng: “hải quân hiện nay có vẻ không tốt, đặc biệt khi chúng ta cần những con tàu có trang bị hệ thống Aegis để phòng thủ tên lửa đạn đạo nhằm đề phòng kịch bản xấu trên bán đảo Triều Tiên”.

Trong báo cáo về vụ va chạm trước đó của tàu khu trục Fitzgerald vừa được công bố vào đầu tuần trước, Hải quân Mỹ cho biết sẽ rà soát lại quy trình đào tạo thủy thủ. “Vụ va chạm có thể tránh được, thủy thủ đoàn 2 tàu đều có nhiều năm kinh nghiệm trên biển. Trong vụ tai nạn của tàu Fitzgerald, sự phối hợp nhóm kém và chỉ đạo không kịp thời của các sĩ quan chỉ huy đã góp phần dẫn đến va chạm”, theo một tuyên bố của Hạm đội 7.

Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm Thông tin Liên hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, cho biết tàu chở dầu có kích thước gấp 3 lần tàu McCain. “Tàu chở dầu rất lớn và phải mất vài kilomet để thay đổi hải trình. Khi bạn đi vào một khu vực có mật độ tàu thuyền dày đặc, bạn phải cảnh báo rất nhiều, theo dõi tàu xung quanh một cách tỉ mỉ”, ông nói.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, eo biển Malacca nằm giữa Indonesia, Singapore và Malaysia là tuyến đường thủy bận rộn thứ 2 thế giới. Vụ va chạm xảy ra ở phía Đông eo biển Malacca, các quan chức Hải quân Mỹ cho biết.

Tại cuộc họp báo chiều 21/8, nhà chức trách Malaysia cho biết cả hai tàu đang hướng tới Singapore từ hướng Biển Đông. Khu vực này có mật độ tàu thuyền qua lại khoảng 80.000 lượt mỗi năm.

Tuy vậy, ông Francona cho rằng cho dù tàu chở dầu đã làm gì thì tàu khu trục Mỹ vẫn nhanh hơn rất nhiều nên hoàn toàn có thể cơ động tránh va chạm.

“Làm thế nào một tàu khu trục hiện đại được trang bị hàng loạt cảm biến, radar và thiết bị liên lạc tối tân cùng hệ thống quan sát đầy đủ lại không nhìn thấy và tránh một con quái vật nặng 30.000 tấn đang di chuyển chậm chạp với tốc độ 10 hải lý/giờ”, ông Francona đặt câu hỏi.

 

(Zing)

Related Posts