Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất: Sẵn sàng bàn giao sân golf

BVD – Đó là khẳng định của Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại hội nghị quán triệt, triển khai kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương về công tác sử dụng đất quốc phòng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra tại TPHCM ngày 8/8.
Giao đất làm nhà ga,sân đỗ

Thượng tướng Trần Đơn cho biết, Bộ Quốc phòng (BQP) thống nhất bàn giao Bộ GTVT 19,7 ha đất quân sự trong sân bay Tân Sơn Nhất để giải quyết nhanh vấn đề thiếu sân đỗ máy bay. BQP sẽ bàn giao thêm 14 ha để Bộ GTVT làm nhà ga hành khách.

“Văn bản đã ký và chính thức gửi Bộ GTVT, bất kỳ lúc nào triển khai làm thì Bộ sẽ bàn giao ngay. Có ý kiến nói rằng bàn giao chậm là không đúng. BQP sẵn sàng bàn giao. Như hồ điều hòa chống ngập sân bay hơn 1 ha, BQP đã sẵn sàng, đề nghị TPHCM làm sớm thủ tục bàn giao đất”, Thượng tướng Trần Đơn nhấn mạnh.

Đối với đề xuất của TPHCM về sử dụng đất quân sự mở đường giao thông có hướng tuyến song song với đường Cộng Hòa nhằm “giải vây” cho sân bay Tân Sơn Nhất, Thượng tướng Trần Đơn cho biết Quân ủy Trung ương đồng tình với TPHCM. BQP đề nghị các cơ quan liên quan xúc tiến nhanh để TPHCM thông qua và BQP báo cáo Chính phủ. “Cách đây một tuần, Tổng Tham mưu trưởng đã ký văn bản gửi UBND TPHCM. BQP sẽ bàn giao đất để TPHCM mở rộng đường”, Thượng tướng Trần Đơn khẳng định.

Lãnh đạo BQP cho biết, tổng diện tích sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay là 1.060 ha, trong đó quân đội quản lý 490 ha (247 ha phía Bắc, 231 ha phía Nam sân bay). Từ năm 1975, quân đội bố trí rất nhiều đơn vị đóng quân bảo vệ sân bay, TPHCM và khu vực lân cận. Riêng đất hàng không dân dụng chiếm 107 ha. Đất dùng chung (giữa quân sự và hàng không dân dụng) là 464 ha.

Về vấn đề sân golf, Thượng tướng Trần Đơn cho biết tinh thần chung là BQP chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ. “Sân golf là đất quốc phòng, thu hồi lúc nào cũng được. Nếu Chính phủ chọn phương án xây dựng thêm đường băng thì BQP sẵn sàng bàn giao. Nếu Chính phủ thu hồi thì chúng ta tính toán với nhà đầu tư cho hợp tình hợp lý”, Thượng tướng Trần Đơn nói.

Theo Thượng tướng Trần Đơn, từ năm 1975 đến nay BQP đã bàn giao cho TPHCM hàng nghìn hecta để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, quốc phòng là vấn đề không thể đánh đồng. Có những khu đất dành cho quốc phòng, có khi phải bỏ không nhưng không thể nói là lãng phí.

“Quan điểm của BQP là phát triển kinh tế cũng vì mục đích bảo vệ Tổ quốc. Kinh tế mạnh quốc phòng mạnh. Quốc phòng mạnh thì mới đảm bảo an ninh chính trị”, Thượng tướng Trần Đơn nói.

Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Không cho thuê, liên doanh liên kết

Thừa nhận sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải từ trên trời, đường lăn, nhà ga và cả đường thoát ra, Thượng tướng Trần Đơn cho rằng quy hoạch sân bay phải cân đối được nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ khu vực và phát triển kinh tế xã hội.

Lãnh đạo BQP cho hay trên thực tế đất quốc phòng chưa được quy hoạch bài bản, bố trí xen kẽ nhiều đơn vị, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, sau khi tiếp quản (1975) đến nay dù có nhiều thay đổi nhưng chưa có quy hoạch tổng thể.

Đối với công tác quản lý sử dụng đất quốc phòng ở sân bay Tân Sơn Nhất, Thượng tướng Trần Đơn cho biết BQP đã nhiều lần kiểm tra, chấn chỉnh. Việc quản lý đất quốc phòng, đưa vào hoạt động kinh tế tại sân bay còn nhiều bất cập như cho thuê kho bãi gây lãng phí đất đai.

BQP đã yêu cầu doanh nghiệp báo cáo kết quả sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động kinh tế và sẽ chọn một số nơi tiến hành thanh tra xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm trong quản lý sử dụng đất quốc phòng để xử lý.

“BQP yêu cầu không ký hợp đồng cho thuê kho bãi, tự ý cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết… Tập trung thu hồi các dự án không có chủ trương như kho chứa hàng hóa trong khu vực sân bay. Các dạng này phải chấm dứt. Bộ sẽ chỉ đạo sát sao đảm bảo an toàn cho sân bay. Phải tập trung giải quyết tồn tại, làm quy hoạch và tổ chức lại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất an toàn, văn minh, hiện đại. Đây là quyết tâm cao của Thường vụ Quân ủy Trung ương”, Thượng tướng Trần Đơn nhấn mạnh./.

 

(tienphong)

Related Posts