Người nước ngoài đủ trò đối phó CSGT

BVD – Lợi dụng việc bất đồng ngôn ngữ, nhiều người nước ngoài “ỳ ra hổng hiểu” hoặc không nói tiếng Anh khi bị CSGT mời vào.
Bất đồng ngôn ngữ, không hiểu luật, biết nhưng vờ không biết… là những điều mà người nước ngoài hay sử dụng để đối phó với CSGT khi vi phạm, bị CSGT tuýt còi.

Trung tá Phạm Minh Đức, Phó Đội trưởng Đội CSGT Nam Sài Gòn (Công an TP.HCM), cho biết trên địa bàn mà anh đảm trách có khu vực Phú Mỹ Hưng, tập trung nhiều người nước ngoài ở các quốc gia trên khắp thế giới đến cư ngụ. Đông nhất là người Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ… Đây cũng là nhóm người thường xuyên chạy xe quá tốc độ, đi ngược chiều, đi sai làn, đi vào đường cấm…

“Thường người nước ngoài mới nhập cảnh vào Việt Nam không biết rõ quy định rất dễ vi phạm. Trường hợp này anh em làm nhiệm vụ nhắc nhở, hướng dẫn cho họ” – ông nói.

Tuy nhiên, có nhiều người rất am hiểu các quy định về giao thông ở Việt Nam, nói cả tiếng Việt nhưng giả vờ lặp đi lặp lại mỗi câu “I don’t know” rồi tuôn hàng tràng tiếng địa phương để đối phó với CSGT.
Ông kể: Có trường hợp một người mang quốc tịch Trung Quốc chạy xe ngược chiều. Khi anh em yêu cầu xuất trình giấy tờ, người này đứng im, dùng động từ “to quơ” (huơ tay múa chân) ra dấu là không biết gì hết. CSGT hỏi gì cũng lắc, CSGT liên hệ với người phiên dịch, người này cũng không đồng ý… Sự việc kéo dài gây mất rất nhiều thời gian của lực lượng chức năng, CSGT đành phải cho người này đi.

Có trường hợp một người mang quốc tịch Hàn Quốc đi sai làn đường, bị CSGT tuýt còi. Gặp CSGT, người này bập bẹ vài câu tiếng Anh rồi toàn dùng tiếng bản địa. Khi có người phiên dịch, anh em Đội CSGT Nam Sài Gòn thông báo lỗi, yêu cầu xuất trình giấy tờ. Đến lúc đó người này đồng ý xử phạt nhưng anh ta không bằng lái, phương tiện lại đi thuê nên CSGT tạm giữ xe.

”Có nhiều người nước ngoài sống nhiều năm ở TP.HCM, biết rõ các quy định nhưng học tật xấu và hành xử “y chang” người Việt khi vi phạm giao thông” – ông nói.

“Hôm đó có một người mang quốc tịch châu Âu phóng xe quá tốc độ trong làn đường ô tô. Vừa nhác thấy CSGT, người này liền quay đầu xe chạy ngược chiều luôn. Chỉ cần nhìn hành vi là anh em biết mấy “trự” này sống lâu lên lão làng, nhiễm tật xấu của những người Việt thiếu ý thức tuân thủ luật pháp” – ông kể.

Ở quận 1, nơi tập trung khá đông du khách đến làm việc, tham quan… nhiều trường hợp người nước ngoài vi phạm giao thông, chủ yếu phạm vào các lỗi dừng, đỗ ô tô không đúng nơi quy định.

Theo lãnh đạo Đội CSGT quận 1, lực lượng xử phạt sử dụng ngôn ngữ quốc tế thông dụng là tiếng Anh và các lỗi vi phạm thông thường đều được CSGT học nằm lòng. Tuy nhiên, có trường hợp trong tổ không có người rành tiếng Anh đi cùng, anh em lại phải dùng động từ “to quơ”.

Với những trường hợp chạy xe không bằng lái hoặc bằng không hợp lệ, anh em phải tạm giữ phương tiện. Đối với các trường hợp người nước ngoài thuê xe máy để lưu thông mà vi phạm thì đội kiên quyết lập biên bản và mời cả chủ xe đến để phạt cả lỗi giao xe cho người không đủ điều kiện sử dụng. Đồng thời tuyên truyền để họ khi cho thuê xe phải kiểm tra giấy tờ của người nước ngoài, tránh gây ra tình trạng mất an toàn khi tham gia giao thông.

Nhiều địa phương cũng than khó

Các địa phương có nhiều du khách đến tham quan như TP Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu… cũng than khó khi xử lý người nước ngoài vi phạm giao thông.

Ở Vũng Tàu, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, CSGT phát hiện khá nhiều trường hợp người nước ngoài vi phạm Luật Giao thông đường bộ với các lỗi phổ biến như không có giấy phép lái xe, lưu thông không đúng phần đường, đi vào đường cấm, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ… Khi làm việc với CSGT, họ không sử dụng tiếng Anh. Vì vậy CSGT hiếm khi dừng xe.

Tại Nha Trang, từ đầu năm đến nay Đội CSGT Công an TP Nha Trang đã lập 47 biên bản xử phạt vi phạm giao thông đối với người nước ngoài. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay trên địa bàn TP đã có hơn 20 trường hợp va quẹt, tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài./.

 

(PLO)

Related Posts