Gian lận khí thải gián tiếp làm 5.000 người châu Âu tử vong mỗi năm

BVD – Riêng tại châu Âu, lượng khí thải từ các dòng ô tô sử dụng động cơ diesel liên quan vụ bê bối gian lận khí thải của Volkswagen có thể là nguyên nhân khiến 5.000 người tử vong/năm do ô nhiễm không khí.
Theo nghiên cứu mới đăng tải trên Tạp chí môi trường Environmental Research Letters ngày 18/9, số ca tử vong nói trên hoàn toàn khớp với các đánh giá trước đó về tỷ lệ tử vong liên quan bê bối gian lận khí thải, trong đó Volkswagen vào năm 2015 đã thừa nhận lắp đặt phần mềm gian lận để các xe ô tô của hãng này vượt qua những cuộc kiểm tra khí phát thải.

Theo nghiên cứu, nhóm chuyên gia Na Uy, Áo, Thụy Điển và Hà Lan ước tính khoảng 10.000 người tử vong tại châu Âu mỗi năm có thể là do các phân tử ô nhiễm nhỏ được thải ra từ các phương tiện chạy bằng động cơ diesel.

Tuy nhiên, nếu lượng khí nitrogen oxide (NOx) từ các ô tô chạy bằng động cơ diesel lưu thông trên đường tương ứng với các mức tiêu chuẩn được đưa ra trong phòng thí nghiệm, thì có thể giảm từ 4.000 đến 5.000 ca tử vong mỗi năm tại châu lục này.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết thêm các quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ vấn đề phát thải khí gây ô nhiễm môi trường là Italy, Đức và Pháp, bởi đây là 3 nước có dân số đông, tỷ lệ sử dụng ô tô chạy bằng động cơ diesel lớn.

Nghiên cứu còn chỉ ra rằng số lượng xe chạy bằng động cơ diesel tại châu Âu tăng nhanh hơn so với xe chạy bằng động cơ xăng kể từ những năm 90 của thế kỷ 20. Tính đến nay, tại châu Âu đã có hơn 100 triệu ô tô chạy bằng động cơ diesel được đưa vào lưu thông, gấp đôi so với phần còn lại của toàn thế giới. Mặc dù động cơ diesel phát thải ít hơn khí carbon dioxide (CO2) so với động cơ xăng, song lại phát thải nhiều hơn khí NOx.

Các phương tiện giao thông đường bộ phát thải khoảng 40% khí NOx tại các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) cộng Na Uy và Thụy Sĩ.

Là một hợp chất gồm nitric oxide và nitrogen dioxide, khí NOx có trong thành phần mưa axít và trong thành phần sương mù gây khó thở. Nếu bị phơi nhiễm loại khí này trong một khoảng thời gian dài, con người có thể gặp phải các vấn đề về hô hấp, bị kích ứng mắt, mất cảm giác thèm ăn, đau đầu và suy giảm chức năng của phổi.

Trước đó, hồi tháng 5 năm nay, một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Nature cho thấy lượng phát thải khí từ các phương tiện chạy bằng động cơ diesel vượt tiêu chuẩn cho phép có liên quan khoảng 38.000 ca tử vong sớm trên toàn cầu trong năm 2015./.

 

TTXVN

Related Posts