Luật sư bào chữa vụ Oceanbank: ‘Số tiền hơn 1.500 tỷ như trái bóng’

BVD – “Số tiền hơn 1.500 tỷ như trái bóng được đá qua đá lại giữa Cơ quan điều tra và Ngân hàng Nhà nước mà không cơ quan nào xác định được thiệt hại”, luật sư Phạm Công Hiếu nói.

Nguyễn Xuân Sơn là ai, vì sao bị đề nghị tử hình? Nguyễn Xuân Sơn bị bắt tạm giam năm 2015 để điều tra 3 tội tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.
Ngày 18/9, phiên xét xử đại án Oceanbank tiếp tục với phần tranh tụng của các luật sư bào chữa cho nhóm 34 bị cáo nguyên là giám đốc, phó giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank. Những người này bị cáo buộc phạm tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư Nguyễn Phương Nam được HĐXX mời lên bào chữa cho nhóm 4 bị cáo: Tạ Hoàng Phương (cựu giám đốc chi nhánh Nha Trang), Bùi Đức Quỳnh (cựu giám đốc chi nhánh Bình Dương), Đỗ Quốc Trình và Hoàng Phương Nga (cựu giám đốc phòng giao dịch Phú Mỹ Hưng). 4 bị cáo vừa bị VKS đề nghị mức án 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Họ bị cáo buộc đồng phạm với Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Oceanbank) và những người khác trong hội sở nhà băng này, gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 1.500 tỷ đồng.

Theo bà Nam, việc VKS đề nghị mức án từ 24-30 tháng án tù giam cho hưởng án treo với cả 4 thân chủ của mình đã không phân hóa hành vi từng người và thực tế hành vi của các bị cáo có phạm tội hay không.

“Họ là người lao động và thực hiện nhiệm vụ được quy định trong hợp đồng lao động. Các bị cáo của tôi không phạm tội Cố ý làm trái như quy kết. Họ đáng lẽ chỉ bị xử lý hành chính”, vị luật sư nêu quan điểm.

Từ những luận cứ trình bày, bà Nam cho rằng hành vi chi vượt trần lãi suất của các bị cáo đang bị quy kết trái với thông tư 02, song cần xem xét thông tư này có tính hợp pháp hay không. Thông tư này chỉ là quy định nội bộ của ngành ngân hàng, không đủ căn cứ dùng để quy kết các bị cáo có hành vi Cố ý làm trái.

Hà Văn Thắm được cảnh sát đưa đến phiên xử. Ảnh: Việt Hùng.

Luật sư thứ 2 được HĐXX mời lên tranh tụng là ông Nguyễn Văn Quang. Vị luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Chai (cựu Giám đốc chi nhánh Bắc Giang, bị đề nghị 24 – 30 tháng tù cho hưởng án treo). Luật sư cho rằng khi Chai nhậm chức giám đốc chi nhánh thì nơi đây đã có chủ trương chi lãi suất ngoài cho khách hàng.

Luật sư bào chữa đánh giá thân chủ của ông không có động cơ mục đích cá nhân trong việc chi lãi ngoài. Thời điểm đó, Chai chỉ nghĩ rằng để tránh đổ vỡ cho ngân hàng, duy trì công ăn việc làm cho nhân viên thì việc chi lãi ngoài là cần thiết. Sau khi bị bắt, bản thân Chai đã khắc phục hậu quả hơn 590 triệu đồng. Từ các căn cứ đó, ông Quang đề nghị HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo mình nhận bào chữa.

Luật sư Phạm Công Hiếu là người thứ 3 được HĐXX mời lên phát biểu quan điểm trong sáng nay. Đây là luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Thủy, cựu giám đốc chi nhánh Bình Dương, người bị VKS đề nghị mức án 24-30 tháng tù giam nhưng cho hưởng án treo.

Trong phần tranh tụng, luật sư Hiếu tiếp tục đi sâu phân tích con số 1.576 tỷ đồng được cho là thiệt hại của Oceanbank do chủ trương chi lãi ngoài. Giống như nhiều đồng nghiệp khác, ông Hiếu tiếp tục đặt nghi vấn về tính chính xác của kết luận giám định thiệt hại. Vị luật sư cũng hoài nghi về năng lực của Thanh tra Ngân hàng khi đã nhiều lần thanh tra Oceanbank nhưng không phát hiện hành vi vi phạm chi lãi ngoài.

Luật sư Phạm Công Hiếu bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Thủy, cựu giám đốc chi nhánh Bình Dương. Ảnh: Việt Hùng.

Ông Hiếu đặt câu hỏi rằng căn cứ vào đâu để cơ quan điều tra và VKS cho rằng có thiệt hại hơn 1.500 tỷ để truy tố các bị cáo. “Số tiền hơn 1.500 tỷ như trái bóng được đá qua đá lại giữa Cơ quan điều tra và Ngân hàng Nhà nước mà không cơ quan nào xác định được thiệt hại. Khi chưa xác định được thiệt hại, HĐXX cần cho trưng cầu giám định lại để làm rõ bản chất vụ việc”, vị luật sư bào chữa nêu đề nghị.

“Có hay không vai trò đồng phạm của bị cáo Lê Vũ Thủy trong vụ án này”, ông Hiếu đặt câu hỏi và cho rằng thân chủ của mình không bàn bạc, không thống nhất quan điểm với Hà Văn Thắm và Nguyễn Minh Thu (cựu tổng giám đốc), cũng như không nhận chỉ đạo của 2 sếp Oceanbank. Từ luận cứ đó, vị luật sư nói thân chủ của mình không đồng phạm, giúp sức về cả vật chất và tinh thần với Thắm và Thu. “Thân chủ của tôi không phạm tội”, luật sư khẳng định.

Tuy nhiên, cuối phần trình bày của mình, vị luật sư này lại đề nghị HĐXX tuyên thân chủ của mình mức án thấp nhất.

Trải qua 3 ngày tranh luận, đến nay gần 20 bị cáo được các luật sư bào chữa. Hầu hết luật sư đều cho rằng thân chủ của mình không phạm tội danh như cáo trạng truy tố, đề nghị HĐXX xem xét, tuyên vô tội, có người được đề nghị trả tự do tại tòa…

Phần lớn các luật sư cho rằng việc chi chăm sóc khách hàng xảy ra ở Oceanbank không gây thiệt hại. Số tiền hơn 1.500 tỷ đồng theo họ không phải là thiệt hại của Oceanbank như cáo trạng đã quy kết.

Bốn ngày trước (14/9), đại diện cơ quan công tố tại tòa đã trình bày bản luận tội Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn (cựu tổng giám đốc Oceanbank) cùng 49 bị cáo liên quan. Mức án đề nghị cao nhất với Sơn là tử hình, Thắm là chung thân. Người có liên quan đến vụ án được đề xuất mức án nhẹ nhất là 18 tháng tù treo.

 

(Zing)

Related Posts