Mỹ: Dân đụng độ cảnh sát phản đối vụ người da đen bị bắn chết
BVD – Cảnh sát St. Louis phải phun hơi cay trấn áp đám đông biểu tình hôm 16/9 sau khi người dân bức xúc phản đối việc tòa tha bổng cho một cảnh sát da trắng bắn chết nghi phạm da đen.
Cảnh sát St. Louis đụng độ với người biểu tình ngày 15/9 (giờ địa phương) khi người dân phản đối việc một sĩ quan da trắng được tuyên không có tội trong cáo buộc nổ súng làm chết nghi phạm da đen Anthony Lamar Smith hồi năm 2011.
Cảnh sát St. Louis canh giữ một tuyến phố trong đường đi của người biểu tình. Khoảng 600 người phản đối việc cảnh sát Jason Stockley (36 tuổi) được tuyên vô tội. Lúc đầu dòng người di chuyển trong ôn hòa, nhưng sau đó bùng phát thành bạo động.
Cuộc biểu tình thu hút sự tham gia của cả người da đen và da trắng. Vụ việc giữa cảnh sát Stockley và nghi phạm Smith, bị tình nghi bán ma túy, xảy ra năm 2011. Khi bị cảnh sát truy đuổi, Smith lái ôtô chạy trốn buộc cảnh sát phải đuổi theo. Sau màn truy bắt trên phố, xe của nghi phạm đâm vào lề buộc anh phải dừng lại. Lúc này, Stockley cho biết Smith cũng mang theo súng nên anh phải nổ súng trước vì lo sợ nguy hiểm cho bản thân.
Sau sự việc, Stockley bị buộc tội giết người cấp 1 vì anh bắn Smith tới 5 lần. Nếu bị kết án, viên cảnh sát có thể lĩnh án chung thân và không có cơ hội ân xá. Do vậy, việc tòa tuyên Stockley vô tội khiến người dân địa phương bất bình.
Thống đốc bang Missouri Eric Greitens tuyên bố sự xuất hiện của cảnh sát là để bảo đảm trật tự công cộng. “Nhưng nếu bạn tấn công một nhân viên hành pháp thì chúng tôi sẽ phải bắt giữ bạn. Bạo lực và phá hoại không phải là biểu tình. Đó là phạm tội”.
Khoảng 600 người dân tuần hành từ tòa án nơi tuyên bố kết quả phán xử đi đến trung thâm St. Louis. Họ cầm theo những biểu ngữ như “Phân biệt chủng tộc là có thật” hoặc “Mạng sống người da đen cũng quan trọng”.
Biểu tình ở St. Louis gợi nhớ lại tình hình bạo loạn nghiêm trọng từng xảy ra ở Ferguson (cùng bang Missouri) hồi năm 2014. Khi đó, người dân phản đối việc thiếu niên da màu Michael Brown bị một cảnh sát da trắng bắn chết dù cậu không có vũ khí vào thời điểm 2 bên chạm trán. Viên cảnh sát này sau đó cũng không bị kết tội.
Cảnh sát mặc trang phục chống bạo động khi cuộc biểu tình không có dấu hiệu hạ nhiệt dù trời đã về đêm, rất đông người vẫn tụ tập ngoài đường.
“Chúng tôi không muốn ai bị thương cả. Nhưng đây là cuộc biểu tình về sự bất công không chỉ xảy ra ở St. Louis mà là trên cả nước”, Elad Gross, một nhà hoạt động, nói.
Khoảng 1.000 người đã bao vây nhà riêng của Thị trưởng St. Louis Lyda Krewson, ném gạch đá làm vỡ cửa sổ của căn hộ và ném sơn lên tường quanh nhà. Diễn biến này buộc cảnh sát phải can thiệp. Trong khi đó, tại trung tâm thành phố, đám đông tập trung và phản kháng bằng khẩu hiệu, biểu ngữ tương đối ôn hòa.
Cuộc biểu tình phản đối của người dân St. Louis kéo qua đến ngày thứ 2 liên tiếp hôm 16/9 (ngày 17/9 giờ Hà Nội).
Người đứng đầu cảnh sát St. Louis, ông Lawrence O’Toole, nói nhân viên an ninh buộc phải sử dụng hơi cay và đạn cao su sau khi người biểu tình nổi loạn và có hành vi bạo lực.
Người biểu tình té ngã khi họ bị cảnh sát đẩy lùi giữa lúc hai bên giằng co trên phố. “Chúng tôi sẽ không dung thứ bất kỳ hành vi bạo lực nào”, chỉ huy lực lượng cảnh sát St. Louis O’Toole, nói.
Một người che mặt để tránh hơi cay phun từ phía cảnh sát.
Đến chiều tối ngày 16/9, cảnh sát cho biết họ đã bắt 33 người biểu tình, trong khi 11 đồng nghiệp của họ bị thương. Nhà của Thị trưởng Krewson bị hư hại do người dân ném đá trong lúc phản đối.
Minh Anh