Xác nhận Nga chuyển tàu khu trục Gepard thứ 3 cho Việt Nam

BVD – Chiều 21-9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận thông tin Liên bang Nga đang vận chuyển cặp tàu khu trục Gepard để bàn giao cho Việt Nam.
Chiều nay 21-9, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc báo chí nước ngoài đưa tin Nga đang vận chuyển tàu Gepard-3.9 11661 về Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng xác nhận việc Nga giao tàu khu trục Gepard cho Việt Nam nằm trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa 2 nước, nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng của Việt Nam.

Theo cập nhật mới nhất từ trang thông tin hàng hải Marinetraffic cho thấy tàu Rolldock Star chở theo tàu hộ vệ tên lửa Gepard thứ 3 của Hải quân Việt Nam đã rời cảng Novorossiysk lên đường về nước.

Thông tin cập nhật đến ngày 18-9 từ trang thông tin hàng hải marinetraffic.com thì hiện tại con tàu đang ở vùng biển Ionia (thuộc biển Địa Trung Hải). Điểm đến của con tàu cũng đã được cài đặt là cảng Cam Ranh, Việt Nam.

Trước đó, Nga đã bàn giao cho Việt Nam 2 tàu lớp “Gepard-3.9” vào năm 2011. Đây hiện là những tàu hộ vệ tên lửa tàng hình hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam: tàu Đinh Tiên Hoàng (HQ-011) và Lý Thái Tổ (HQ-012)

Đến nay lực lượng Hải quân Việt Nam đã thực sự làm chủ 2 chiến hạm với các hoạt động như độc lập thử tên lửa chống hạm Uran-E (Kh35), tổ chức huấn luyện đường dài, huấn luyện hạ – cất cánh máy bay lên thẳng săn ngầm K28…

Theo thiết kế chung, tàu hộ vệ tên lửa lớp “Gepard-3.9” có khả năng tàng hình, có thể theo dõi, tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu tàu nổi, tàu ngầm; đồng thời phòng không, hộ tống, tuần tra bảo vệ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế một cách độc lập hoặc tác chiến theo biên đội.

Tàu khu trục mới Gepard-3.9 11661 sẽ được Nga bàn giao cho Việt Nam cuối năm nay – Ảnh: TASS

Về thông tin, sắp tới Úc sẽ điều lực lượng tới tập trận tại Biển Đông và đây được coi là lực lượng lớn nhất trong nhiều năm qua, đồng thời báo chí Trung Quốc đã có phản đối, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ Việt Nam luôn tôn trọng quyền của môi quốc gia thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Duy trì hòa bình ổn định của khu vực, trong đó, có Biển Đông là trách nhiệm, quyền lợi của mỗi quốc gia trong khu vực. Mọi hoạt động của các quốc gia nếu đóng góp vào mục tiêu chung này thì đều đáng hoan nghênh”- bà Hằng nói.

Chiến hạm lớp “Gepard-3.9” có chiều dài 102 m, rộng 13,7 m, lượng dãn nước toàn phần khoảng 2.100 tấn, tốc độ 21 hải lý/giờ, tầm hoạt động khoảng 5.000 hải lý, thời gian chạy liên tục trên biển 20 ngày đêm, có thể chịu được sóng gió cấp 10-12.

2 tàu Đinh Tiên Hoàng (HQ-011) và Lý Thái Tổ (HQ-012) trực tại quân cảng Cam Ranh – Ảnh: Hoàng Hà

Trên tàu được trang bị hệ thống vũ khí phòng vệ và tấn công tân tiến như tên lửa chống tàu Uran-E (Kh35) có khả năng tìm diệt các tàu mặt nước của đối phương từ xa ở cự ly đến 130 km; pháo hạm đa năng AK-176 tốc độ bắn 60-120 phát/phút, có thể tiêu diệt các mục tiêu trên biển, ven bờ và trên không với tầm bắn 15 km, độ cao 11,5 km; tổ hợp pháo – tên lửa phòng không đa năng Palma tốc độ bắn 10.000 phát/phút với tầm bắn 8.000 m; ống phóng ngư lôi 533 mm…

Phía đuôi tàu có bãi đáp cho trực thăng chống ngầm Ka-28. Với nhiệm vụ chính là chống tàu ngầm, Ka-28 được trang bị các thiết bị và vũ khí có thể phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm./.

 

(NLDD)

Related Posts