Quảng Ninh: Bổ nhiệm viên chức lãnh đạo quản lý bắt buộc thông qua thi tuyển

BVD – Từ nay đến hết quý I năm 2020, việc bổ nhiệm mới từ vị trí cán bộ giữ chức danh thấp lên chức danh cao hơn ở Quảng Ninh bắt buộc phải thực hiện thông qua thi tuyển.

Đây là nội dung chủ đạo của Quy chế 02 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành vào cuối tháng 9 vừa qua về việc thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng.

Các chức danh thi tuyển gồm: Giám đốc và Phó Giám đốc các sở; trưởng và phó các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh; Hiệu trưởng, Hiệu phó Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ và Trường Đại học Hạ Long; Phó trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long; Phó trưởng các ban Đảng và Phó Văn phòng Tỉnh ủy; Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh.

Đối với chức danh thi tuyển thuộc các sở, ban, ngành và địa phương quản lý gồm các chức danh trưởng, phó phòng, ban, trung tâm và đơn vị sự nghiệp hoặc tương đương; Phó trưởng các ban Đảng, Phó Văn phòng huyện ủy, thị ủy và thành ủy; Phó trưởng các ban Đảng, Văn phòng Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Than Quảng Ninh (đối với trường hợp không tham gia cấp ủy).

Đối tượng thi tuyển là cán bộ, công chức trong quy hoạch chức danh tuyển chọn, hoặc trong quy hoạch chức danh tương đương không chỉ ở trong cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm mà được mở rộng ra ở các cơ quan, đơn vị và địa phương khác trong và ngoài tỉnh có chuyên môn gần với chức danh có nhu cầu bổ nhiệm.

Các thí sinh trải qua 2 kỳ thi: Thi viết phải đạt trên 50 điểm (thang điểm 100) thì được lọt vào vòng thi trình bày đề án với nội dung liên quan đến nghiệp vụ của vị trí lãnh đạo của chức danh cần tuyển chọn.

Thang điểm ở kỳ thi trình bày đề án là 100 điểm gồm: Xây dựng đề án 20 điểm; bảo vệ đề án 40 điểm; trả lời câu hỏi chất vấn của hội đồng thi tuyển 40 điểm. Những người được xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo là những người vượt qua kỳ thi trình bày đề án với số điểm từ 80 điểm trở lên.

Căn cứ vào kết quả thi trình bày đề án (trên 80 điểm) cộng với hồ sơ cán bộ, quá trình công tác, năng lực thực tiễn, ý thức trách nhiệm, lịch sử chính trị, thái độ chính trị…, cơ quan có thẩm quyền thực hiện bỏ phiếu kín để lựa chọn ra cán bộ lãnh đạo mới. Trường hợp các ứng viên có số phiếu bằng nhau thì người đứng đầu cấp có thẩm quyền bổ nhiệm quyết định lựa chọn.

Mặc dù tổ chức thi tuyển ở hầu hết các chức danh lãnh đạo nhưng việc thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ ở Quảng Ninh vẫn bắt buộc phải tuân theo nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; phân công cấp ủy đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý theo yêu cầu; đảm bảo tính nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng và công tâm./.

 

(TTXVN)

Related Posts