Tây Bắc phòng chống lũ: Đang lực bất tòng tâm
BVD – Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất luôn là câu chuyện đau lòng, khi tính mạng của hàng trăm con người bị cuốn phăng bởi những trận “đại hồng thủy”
Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là câu chuyện không mới ở vùng cao Tây Bắc khi mùa mưa về. Thế nhưng, nó luôn là câu chuyện đau lòng, khi tính mạng của hàng trăm con người, tài sản hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước và nhân dân bị cuốn phăng bởi những trận “đại hồng thủy” kinh hoàng ngày một gia tăng. Chỉ tính từ đầu mưa mưa lũ năm 2017 đến nay, tại các tỉnh Tây Bắc đã có trên 70 người chết và mất tích, ước thiệt hại về kinh tế khoảng 5.000 tỷ đồng.
Mưa lũ gây sạt lở, ách tắc giao thông.
Nguyên nhân sâu xa do đâu? Phải chăng chính quyền các địa phương ở Tây Bắc“lực bất tòng tâm” trước sự “nổi giận” của thiên nhiên? Làm gì để tính mạng bà con, tài sản của Nhà nước và nhân dân được đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ…
Trận lũ quét lịch sử, kinh hoàng vừa xảy ra đầu tháng 8 tại Sơn La và Yên Bái khiến 34 người chết, mất tích, nhiều khu vực bị chia cắt, nhiều bản làng bị xóa sổ, thiệt hại rất lớn về tài sản.
Một điểm trường ở Điện Biên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Bản Nà Ten, xã Nặm Păm, huyện Mường La sau cơn lũ dữ đã bị xóa trắng. Toàn bộ 45 hộ dân ở bản bị lũ cuốn trôi nhà cửa hoàn toàn. Nỗi đau, sự lo lắng cho cuộc sống mưu sinh sắp tới của bà con trong bản dài đằng đẵng: “Nhà bà mới làm nhà xong, còn chưa ở được 1 năm. Giờ nước cuốn trôi hết không còn gì. Bà chỉ biết khóc, không ăn cơm được”.
“-Tài sản nhà cửa trâu bò lợn trôi hết rồi…”.
Nghẽn dòng chảy, gây ngập úng ở Điện Biên.
Sau cơn lũ lịch sử lớn nhất suốt 70 năm qua, cả một vùng từ thị trấn Ít Ong đến trung tâm xã Nặm Păm (huyện Mường La) dài hơn 10km là một dòng sông đá tảng nhức mắt, có chỗ rộng tới 300m. Con suối Nặm Păm hiền hòa và hơn 10 km đường nhựa uốn lượn đã không còn dấu vết bởi hàng trăm nghìn khối đá từ những ngọn núi theo dòng lũ quét ầm ầm lao ra băm vằm, xé toạc, phủ kín.
Cánh đồng Quang Kim – Bát Xát sau lũ quét.
Một thành viên trong đoàn cứu trợ của một tổ chức quốc tế đến đây đã đề nghị: Nên giữ nguyên hiện trạng này để làm bảo tàng thiên nhiên thế giới về thảm họa thiên tai. Những người già chúng tôi gặp bên “dòng sông đá” hoang tàn này giọng nói vẫn chưa hết bàng hoàng.
“Người Thái chúng tôi thường sống ven những con suối nhỏ để thuận tiện cho sinh hoạt, sản xuất. Sống mãi rồi cũng quen, có ai nghĩ lũ to như thế, to nhất trong gần 70 năm trở lại đây”.
“Chả ai nghĩ nước suối cuốn phăng tất cả mọi thứ như thế, từ cái nhà, cái xe, con trâu, con lợn bị cuốn hết đi, kinh khủng hơn cả bom thời chiến tranh rồi”.
Nhiều hộ dân vẫn giữ tập quán ở ven suối rất nguy hiểm.
Gần 2 tháng sau trận lũ ống, lũ quét xảy ra vào sáng ngày 3/8, người dân vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vẫn chưa hết bàng hoàng. Sự hãi hùng ập về mỗi khi nghĩ tới khoảnh khắc đó. Dòng nước hung dữ cuồn cuộn từ Kim Nọi đổ về thị trấn kèm theo vô vàn cây cối và những tảng đá to như gian nhà đã cuốn phăng đi mọi thứ trong gang tấc. 14 người chết và mất tích, 9 người bị thương, hàng chục ngôi nhà bị xóa sổ, nhiều hộ dân rơi vào hoàn cảnh tay trắng; thiệt hại về tài sản và công trình, trường học hơn 550 tỷ đồng.
Vẫn còn nhiều hộ dân ở khu vực sạt lở, sát suối, rất nguy h iểm cần di chuyển.
Gia đình chị Mùa Thị Xua, bản Kháo Giống, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải là một trong những gia cảnh tang thương nhất khi cơn lũ dữ đi qua. Đến nay chị vẫn chưa ổn định lại được tinh thần. Cùng một lúc chị mất cả hai đứa con, một lên tám, một lên mười. Trước buổi sáng định mệnh ấy, cả hai con của chị xin đi theo anh em họ lên nương chơi và ngủ tại lán qua đêm. Không thể ngờ rằng các con của chị đã bị nước lũ cuốn trôi ở ngay trên nương vốn là nơi canh tác của gia đình.
“Hai con tôi nó vẫn đang tuổi đi học, biết đỡ đần bố mẹ lắm, giờ chúng nó không về được nữa rồi. Cơn lũ ở đâu ra mà nó lại ác thế, tôi không dám tin”.
Không phải chỉ đến trận lũ lịch sử này Mù Cang Chải mới thiệt hại lớn, trước đó, huyện vùng cao nghèo khó nhất cả nước này liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở lớn. Điển hình như vụ lở đất mà người dân địa phương ví như “vụ sập trời” xảy ra sáng ngày 7/9/2012 ở thôn Trống Páo Trang, xã La Pán Tẩn, làm hơn 20 người chết và mất tích; hay vụ lở núi làm 7 người chết ở vùng giáp ranh giữa hai bản Dề Thàng và bản Thào Chua Chải, xã Chế Cu Nha lúc 14 giờ ngày 22/8/2010…
Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: “Do đặc điểm địa hình địa bàn của tỉnh Yên Bái có độ dốc cao, có nhiều vị trí đứt gãy địa chất do vậy khi có mưa lớn nguy cơ sạt lở sạt lở đất và lũ quét, lũ ống rất cao. Về lâu dài cũng cần phải có nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng để tiến hành quy hoạch dân cư đảm bảo an toàn về tính mạng con người, tài sản, hoa màu cũng như đảm bảo an toàn cho sản xuất của nhân dân. Đây là một vấn đề lớn đòi hỏi nguồn lực lớn và phải có sự chỉ đạo quyết liệt Chính phủ và với sự vào cuộc hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái”.
Trường học bị ảnh hưởng do lũ.
Lũ quét thường xảy ra trong thời gian rất ngắn, từ vài phút cho đến khoảng vài giờ đồng hồ. Lũ quét phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó, là nguyên nhân gây ra sạt lở đất, gây ra những thiệt hại về người và của cải. Số liệu khí tượng thủy văn trong nhiều năm qua cho thấy, thời gian mưa trung bình ở vùng núi Tây Bắc hơn 3 giờ đồng hồ với lượng mưa trung bình khoảng từ 120mm đến 210mm là khả năng xảy ra lũ quét. Thống kê đó cho thấy khả năng xảy ra lũ quét ở vùng Tây Bắc là rất cao.
Tại sao lũ quét ở Tây Bắc lại có sức tàn phá ghê gớm và khó lường trước đến vậy? Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng đó là hệ quả của việc tàn phá rừng đầu nguồn; xây dựng thủy điện, hay khai thác khoáng sản tràn lan. Những việc làm đó đã làm thay đổi môi trường, làm cơn lũ xuất hiện với hướng dòng chảy cùng những điểm giao thủy, cộng thủy không lường trước được. Bên cạnh đó, người dân cũng vẫn còn chủ quan, sống bám vào núi hay ven sông suối, càng làm tăng thiệt hại khi có lũ xảy ra./.
VOV-Tây Bắc