Vụ 2 cô gái và cái giá của nhân phẩm
BVD – Nhận sai, xin lỗi và cam kết sẽ xử lý nghiêm những cá nhân có liên quan. Những phản ứng tích cực này của chính quyền phường Tam Bình, quận Thủ Đức (TP.HCM) sau sự cố đưa hai cô gái đang ngồi ở quán cà phê vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP (nói gọn là trung tâm) đáng được ghi nhận.
Tuy phải tha thứ thôi vì chuyện lỡ xảy ra rồi nhưng lời trần tình của lãnh đạo phường này tại buổi họp báo vào chiều 29-9 vẫn khó làm vừa lòng mọi người. Cái giá quá đắt mà hai cô gái phải trả cho lỗi không trình được CMND xuất phát từ chỗ nhiều cán bộ xử lý vụ việc không nắm quy định! Dù Quyết định 29/2017 của UBND TP (và các văn bản có cùng nội dung trước đó) đã giải thích rõ thế nào là người sinh sống nơi công cộng, hiểu sao là không có nơi cư trú ổn định… để phải bị đưa vào trung tâm nhưng những người có quyền bắt người lại không biết cách xác định cho trúng.
Từ chỗ bị xếp nhầm đối tượng mà hai cô gái đã bị tạm giữ ở trung tâm trong tám ngày. Một con số 8 oan nghiệt về thời gian bị mất tự do, về những tổn thương, thiệt hại… khó thể đong đếm. Chỉ thử hình dung thì những người ngoài đã thấy rùng mình và tất nhiên không bao giờ muốn mình hay người thân trở thành nạn nhân.
Điều đáng nói là oan khiên trên đâu chỉ có mỗi phường Tam Bình gây ra. Phường này đưa người đi, còn trung tâm là nơi tiếp nhận ban đầu và giải quyết hồi gia. Vậy sao đến giờ trung tâm và trên nữa là Sở LĐ-TB&XH TP chưa lên tiếng theo đúng phận sự, trách nhiệm được giao để làm rõ đúng, sai?
Theo phân định, sau khi quản lý đối tượng do địa phương lập hồ sơ đưa đến, trung tâm phải tạo điều kiện cho đối tượng liên hệ kịp thời với gia đình. Đồng thời trung tâm phải tiến hành giải tỏa ngay cho các đối tượng khi có gia đình, người thân bảo lãnh theo quy định; đối tượng xuất trình được CMND hoặc giấy tờ tùy thân hợp lệ khác.
Ấy thế, mẹ của một trong hai cô gái cho biết vào sáng 19-9, khi bà đem sổ hộ khẩu, CMND đến bảo lãnh con thì cán bộ trung tâm không cho và nói phải chờ trong vòng 30 ngày mới giải quyết. Sau khi bà năn nỉ thì một cán bộ mới cung cấp một tờ giấy bảo đem về công an xã ở Tiền Giang chứng. Đến ngày 22-9, khi bà mang giấy này lên nộp thì phía trung tâm lại nói khi nào thả sẽ báo cho biết. Cuối cùng, phải đến chiều 27-9, sau khi báo chí phản ảnh về sự việc thì hai cô gái mới được trung tâm thả ra.
Quyết định 29/2017 đưa ra nhiều con số đáng lưu ý: Tối đa trong năm ngày kể từ lúc tiếp nhận thì trung tâm phải xác minh địa chỉ cư trú theo địa chỉ do đối tượng cung cấp. Thời gian thực hiện tiếp nhận ban đầu tối đa là 30 ngày, kể từ ngày giám đốc Sở LĐ-TB&XH quyết định tiếp nhận
ban đầu.
Nếu trình bày của người mẹ là đúng thì ai đó ở trung tâm đã làm sai Quyết định 29/2017 khi cho rằng 30 ngày mới giải quyết hồi gia hoặc làm cho thân nhân hiểu nhầm về thời gian thả người. Quan trọng hơn, trung tâm và Sở LĐ-TB&XH cần minh định về một yêu cầu đã có từ lâu chứ không phải chỉ có trong vụ việc của hai cô gái.
Đó là dẫu thân nhân trực tiếp đến trung tâm với đầy đủ giấy tờ tùy thân và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú hợp pháp thì vẫn chưa xong việc. Họ phải có thêm đơn được công an địa phương nơi đăng ký cư trú xác nhận thì mới được bảo lãnh. Đòi hỏi này có cần thiết không vì khi không có đủ điều kiện để xác định cá nhân đang sinh sống ở đâu, có thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định hay không (theo cắt nghĩa của Quyết định 29/2017 về người không có nơi cư trú ổn định) thì không loại trừ công an sẽ xác nhận theo hộ khẩu hoặc sổ tạm trú do người thân xuất trình? Chưa kể, do không phù hợp với Quyết định 29/2017 nên cần làm rõ đòi hỏi đó có dựa theo văn bản nào? Khi thân nhân đã bị làm khó dễ, thậm chí có thể làm phát sinh tiêu cực từ bắt buộc không theo Quyết định 29/2017 thì tới đây Sở và trung tâm sẽ phải khắc phục như thế nào?
Sai sót như trong vụ hai cô gái không phải lần đầu mới có. Vậy nên không thể để danh dự, nhân phẩm của nhiều thân phận tiếp tục bị đe dọa xâm hại bởi cách bắt tắc trách, cách tha nhiêu khê vì hậu quả luôn rất khó lường!
(PLO)