ĐS. Đoàn Xuân Hưng trả lời phỏng vấn BVD về thắng lợi của Hội nghị Apec – Việt Nam

BVD- Để cung cấp tốt hơn nữa về những thông tin về Hội nghị Apec lần thứ 25 tại Đà Nẵng Việt Nam,  ngày 24.11.2017, ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ  Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại CHLB Đức đã có cuộc trả lời phỏng vấn Baovietduc.de ( BVD) và truyền hình Việt – Đức ( VDTV ) về những thắng lợi vang dội và ý nghĩa thực tiến của Hội nghị đối với Việt Nam. 

Sau đây là câu hỏi do Nhà báo Huy Thắng thực hiện và trả lời phỏng vấn của Đại sứ Đoàn Xuân Hưng.  kính mời Quý vị và các bạn cùng theo dõi !

Hỏi, Nhà báo Huy Thắng: Trước hết xin chào Đại sứ Đoàn Xuân Hưng ! Xin cảm ơn Đại sứ đã  dành thời gian cho cuộc PV của Baovietduc.de và truyền hình VDTV tại CHLB Đức. Thưa Đại sứ, trong thời gian qua Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Apec lần thứ 25 cũng như Tuần lễ cấp cao Apec tại Đà Nẵng. Xin Đại sứ cho biết về những kết quả và ý nghĩa thực tiễn  từ việc tổ chức thắng lợi  Hội nghị vừa qua ?   

Trả lời, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng:  Vâng, xin cảm ơn ông ! Trước hết tôi cũng muốn chia sẻ để anh chị em và bà con ở ngoài nước hiểu về APEC như thế nào. Thì, Apec chúng ta hình dung tên gọi đầy đủ của nó là Tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (tiếng AnhAsia-Pacific Economic Cooperation, viết tắt là APEC) là các nước nằm ở châu Á và Thái Bình Dương (PV, không phải châu Âu ) kéo dài theo vệt từ châu Mỹ sang châu Á. Hiện nay thành viên của Apec là 21 nền kinh tế, chúng ta không gọi là nước. Vì có nơi là nước, có nơi và vùng lãnh thổ. Trong đó có những nước như Mỹ, Canada, Peru, Việt Nam, Singapore, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc… vùng lãnh thổ như  Đài Loan, Hồng Kông thuộc nước Trung Quốc nhưng tham gia là nền kinh tế thành viên Apec. Vì thế người ta tránh gọi 21 nước mà gọi là 21 nền kinh tế thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

 Hội nghị Apec vừa qua do chúng ta tổ chức đã thành công vang dội trên mọi phương diện, tôi nghĩ là như vậy. Nhưng không chỉ dồn vào Hội nghị cấp cao mà năm vừa qua, giống như nước Đức chủ trì Hội nghị G20, suốt cả năm có rất nhiều Hội nghị khác nhau với nhiều chủ đề khác nhau, thì Việt Nam chủ trì Apec cũng tổ chức với hàng trăm hội nghi khác nhau. Nhưng đỉnh cao là tập trung vào Tuần lễ Cấp cao Apec được tổ chức ở TP Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức Hội nghị cấp cao không ở Thủ đô Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh mà địa phương khác ( TP Đà Nẵng ) và chúng ta tổ chức rất thành công.

Thành công trước hết tôi muốn nói đến là, tất cả lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế đã đến dự. Kể cả TT Mỹ, TT Nga, Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Nhật, v,v… là những thành viên kinh tế lớn nhất đã đến dự.

Thứ hai là, nhân dịp Tuần lễ cấp cao đã có 11.000 người đăng ký đến tham dự, giới báo chí cũng có tới 3.000 người đăng ký, và trên dưới 2.000 doanh nghiệp ( CEO SUMMIT ) các đại gia đã đến tham dự. Điều quan trọng là chúng ta tổ chức để chừng đó nền kinh tế, các nhà lãnh đạo ngồi với nhau cùng nhau dẫn dắt các nền kinh tế phát triển trong thời gian tới đi đúng hướng là hợp tác phát triển mà Apec đã chọn với một khu vực thương mại tự do, mở cửa đầu tư… trong điều kiện đã có nhiều thay đổi trên thế giới. Đặc biệt đã có sự thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ, một nước chủ chốt trong Apec. Apec đứng trước nguy cơ đi chệnh hướng ban đầu. Việc Việt Nam đã tổ chức giữ được bản sắc của Apec hướng Apec tiếp tục phát triển và nhận được sự đồng thuận của các nước đó là một thành công rất lớn. Tại Hội nghị đã có Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng, tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao Apec, các Bộ trưởng kinh tế Apec…

Điều nữa là bên lề Apec có những Hội nghị thượng đỉnh của các doanh nghiệp thành viên Apec và các nhà lãnh đạo cao nhất đã đến dự và phát biểu đều khuyến khích su hướng làm ăn mà đó là sáng kiến của Việt Nam  với chủ đề  “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung“ . Thế giới hiện nay, có những người được hưởng lợi rất nhiều, có người người bị gạt ra lề, Apec bàn các biện pháp để không ai trong các thành viên bị gạt ra lề và đều được hưởng chung.

Một vấn đề quan trọng nữa là Hiệp định tự do Thương mại xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là TPP,  trước đây có 12 nước tham gia trong đó có Việt Nam, nhưng khi ông Donald Trump là Tổng thống mới của nước Mỹ đã tuyên bố rút ra khỏi hiệp định này nên TPP đứng trước nguy cơ tan giã, thì Việt Nam đã chủ trì để 11 nước còn lại ngồi với nhau và thống nhất giữ cho khung một hiệp định thương mại tự do, một Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới gọi là TPP-11.  Hiệp định mới có tên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương – CPTPP ( CPTPP: Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership).

Một thắng lợi rất quan trọng nữa là – Tôi muốn nói tới thành công của công tác tổ chức-  Đó là chúng ta đã tổ chức một Hội nghị rất chu đáo về mọi phương diện từ khâu Lễ tân, Hậu cần … được bạn bè đánh giá rất cao. Không chỉ có đón tiếp khách mà còn dẫn dắt hội nghị tầm cỡ quốc tế. Qua đó,  hình ảnh một Việt Nam năng động, một Việt Nam khởi sắc, hội nhập trước bạn bè Quốc tế. Có thể nói, hình ảnh Việt Nam khó có điều kiện nào quảng bá hơn thế !

Bên lề Hội nghị cấp cao là các cuộc gặp song phương. Việt Nam đã đón cấp nhà nước 4 Nguyên thủ quốc gia của 4 nước trong đó có Tổng thống Mỹ, Chủ tịch, Tổng bí thư Tập Cận Bình của Trung Quốc, Tổng thống Chile, Thủ tướng Canada. Với các nước khác đều có gặp gỡ song phương. Trong 4 nước ta đón cấp nhà nước có 4 Tuyên bố chung khảng định nền tảng quan hệ ngoại giao và kinh tế.

Theo suy nghĩ của tôi ( PV., Đại sứ Đoàn Xuân Hưng ) chưa bao giờ trong một ngày ta đón Tổng thống  Mỹ và đón Chủ tịch, Tổng bí thư  Trung Quốc. Trong một ngày có hai cuộc thăm đều vô cùng có ý nghĩa đối với Việt Nam.

Theo tôi được biết, trong dịp này ( Apec ) chúng ta đã ký 121 các văn bản thỏa thuận hợp tác khác nhau với các đối tác khác nhau với tổng số tiền cam kết lên đến hơn 19 tỷ Đô la . Đấy là thu hoạch vô cùng có ý nghĩa.

Tôi muốn nói thêm để bà con ta hiểu là: Apec được thành lập 1994 đến nay Việt Nam đã 2 lần đăng cai tổ chức. Lần đầu tiên 2006 ( tại Thủ đô Hà Nội ) và mới đây 2017 ( tại Đà Nẵng ) . Điều nữa, chúng ta tham gia Apec năm 1988 ( lúc bấy giờ tôi công tác ở Mỹ ), Bộ ngoại giao giao cho tôi tìm hiểu:  Nếu  Việt Nam trở thành thành viên thì có đăng cai tổ chức Hội nghị Apec được không ?.  Người Mỹ rất ngạc nhiên, họ nói, các bạn vừa mới trở thành thành viên mà đã nghĩ tới đăng cai Hội nghị lớn như vậy sao ? Đó là điều ngạc nhiên nhưng đó là điều thú vị và tại sao không, các bạn có thể làm được. Nhưng Hội nghị này khác với hội nghị khác đấy, riêng đoàn Mỹ chúng tôi đến ít nhất cũng trên 1.000 người ! Đó là sơ bộ để hiểu Hội nghị Apec là như thế nào – Đại sứ nhấn mạnh.

Hỏi, Nhà báo Huy Thắng: Thưa Đại sứ ! Đại sứ có thể nói rõ về sự hưởng lợi sau khi Hội nghị Apec để cho bà con có thể hiểu rõ thêm ?

Trả lời, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng: Tôi nói riêng về góc độ kinh tế. Như chúng ta thấy, 21 nền kinh tế thành viên, chúng ta đã tham gia một cách chủ động và dẫn dắt giữ được su hướng đã được đặt ra là hợp tác kinh tế, tự do hóa thương mại, đầu tư. Trong Apec có 2.000 doanh nghiệp đứng đầu của 21 nền kinh tế đến dự, họ thấy một đất nước Việt Nam đang chuyển mình và năng động trong làm ăn thì chỉ cần một số nhỏ trong số đó họ quan tâm đầu tư đến chúng ta cũng tạo ra sự phát triển, khác biệt và bản thân chúng ta cũng phải có những thay đổi cho nó thích hợp vơi môi trường kinh doanh và phát triển.

Một vấn đề nữa, với những chuyến thăm cấp cao như vậy có hàng vạn hàng triệu người trên thế giới theo dõi họ sẽ biết hơn về Việt Nam. Mà trước đó họ chỉ nghe về một Việt Nam bị chiến tranh tàn phá, nghèo đói có mặt nọ mặt kia thì nay thấy Việt Nam với một hình ảnh khác, Việt Nam tươi đẹp như vậy, hiếu khách, một Đà Nẵng bị tàn phá sau chiến tranh thì nay là thành phố mới, TP đáng sống thì đó là thu hút giới làm ăn và cả du lịch.  

Với các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thông qua các cuộc gặp song phương cũng tạo ra sự khác biệt trong quan hệ về an ninh, chính trị, kinh tế. Cụ thể hơn liên quan đến cơm áo gạo tiền thì với gần 20 tỷ Đola được ghi nhận trong Hội nghị Apec lần này cũng là động lực phát triển, nhất là trong điều kiện hiện nay của đất nước ta.

Theo kinh nghiệm của tôi, khi tôi còn làm Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao phụ trách về Apec trong nhiều năm nên biết rất rõ. Năm 2006, sau khi chúng ta tổ chức  thành công Hội nghị Apec lần đầu tiên ở Hà Nội thì sự hào hứng quan tâm và cam kết đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cao kỷ lục. Nếu tôi nhớ không nhầm  là khoảng 60 tỷ Đola và trên thực tế triển khai khoảng 20 tỷ Đola, là con số rất lớn lúc bấy giờ. Sau Hội nghị lần này ( PV. Apec-25 ở Đà Nẵng )  tôi cũng kỳ vọng là đầu tư sẽ tăng lên.

Tôi cũng nghĩ rằng, châu Âu, các doanh nghiệp Đức cũng phải sẽ chú ý hơn. Tại sao một khu vực phát triển năng động như thế này mà chúng ta không quan tâm hơn, chẳng lẽ chúng ta đứng ngoài hay sao ? Đó là những điều tôi nghĩ về Việt Nam tương lai của chúng ta !    

Nhà báo Huy Thắng: Vâng, xin trân trọng cảm ơn Đại sứ ! Đại sứ đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của  BVD và truyền hình VDTV để bà cho con ta ở Đức có thể hiểu thêm về Apec và Việt Nam được hưởng lợi gì từ Hội nghị cấp cao Apec diễn ra ở Đà Nẵng vừa qua !

Một lần nữa xin trâ trọng cám ơn Đại sứ Đoàn Xuân Hưng!

 

Nhà báo Huy Thắng, BVD-VDTV  thực hiện  

 

Related Posts