Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là ví dụ điển hình cho dự án BOT thiếu sự tính toán

BVD – Nguyên tắc BOT giao thông là phải có sự lựa chọn cho người dân, là minh bạch đi bao nhiêu kilômet trả tiền bấy nhiêu.

Quốc lộ 5 là đường giao thông huyết mạch nối cụm cảng Hải Phòng với thủ đô Hà Nội, tuyến đường này được cải tạo, nâng cấp năm 1996 bằng vốn ngân sách Nhà nước và đã thu phí nhiều năm.

Mức thu phí trước đây chỉ là 10.000 đồng/ lượt, phần phí thu được đưa vào ngân sách nhằm duy tu bảo trì tuyến đường. Khi Quỹ bảo trì đường bộ ra đời tưởng chừng sẽ dừng thu phí.

Tuy nhiên bỗng chốc mức thu phí Quốc lộ 5 được điều chỉnh tăng từ 10.000 đồng lên 45.000 đồng/xe. Trước sự vô lý này người dân phản đối bằng nhiều cách từ việc tìm đường tránh trạm thu phí đến việc trả phí bằng tiền lẻ.

Trả lời về sự vô lý của việc thu phí 2 trạm trên Quốc lộ 5, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tại Nguyễn Ngọc Đông lại lý giải, khi làm cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, lẽ ra Nhà nước phải bỏ ra một khoản tiền để giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án, nhưng không có tiền nên Nhà nước phải góp vốn bằng cách cho thu phí trên Quốc lộ 5 để coi là vốn góp GPMB cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

“Dòng tiền thu phí từ Quốc lộ 5 trong thời gian qua chính là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tham gia vào dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng…”, ông Đông nói.

Như vậy với lý giải của Bộ Giao thông Vận tải thì việc thu phí Quốc lộ 5 hiện nay nhằm hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Nói cách khác người dân không đi đường cao tốc xây dựng bằng hình thức BOT nhưng vẫn phải trả phí.

Theo ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, nguyên tắc BOT giao thông là phải có sự lựa chọn cho người dân, là minh bạch đi bao nhiêu kilômet trả tiền bấy nhiêu. Tuy nhiên việc thu phí tại Quốc lộ 5 hiện nay thì người dân không đi cao tốc vẫn phải trả phí là vô lý.

Hơn nữa hướng đi nhanh nhất Hà Nội đi Hải Phòng người dân không có sự lựa chọn giữa đường BOT và đường quốc lộ mà buộc phải trả phí. Thực tế này ông Liên cho rằng đang có sự méo mó trong việc thực hiện chủ trương đầu tư BOT giao thông.

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội

Theo ông Liên kêu gọi đầu tư BOT giao thông là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm phát triển hạ tầng giao thông. Với nhà đầu tư BOT giao thông bản chất là kinh doanh bởi doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư, sau đó thu phí hoàn vốn.

Trong mức phí thu, thời gian thu bao gồm cả vốn đầu tư và lợi nhuận. Sau khi thu phí hoàn vốn tuyến đường được bàn giao nhà nước quản lý.

Đầu tư BOT là kinh doanh đã là kinh doanh thì phải có rủi ro, rủi ro chỉ đến khi dự án không được tính toán kỹ lưỡng. Dự án BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là ví dụ điển hình cho dự án BOT thiếu sự tính toán.

Ông Liên cho rằng, nút thắt thu phí Quốc lộ 5 nằm ở chỗ nếu không thu phí, các phương tiện sẽ kéo sang Quốc lộ 5 khi đó phương án tài chính cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ vỡ.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ hai phương án giảm phí tại Quốc lộ 5: Phương án 1, giảm phí cho chủ phương tiện trong vùng lân cận trạm thu giá QL5; giảm 100% cho các phương tiện nhóm một (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt công cộng) không tham gia kinh doanh và giảm 20% với phương tiện của các cơ quan đóng trên địa bàn quanh trạm.

Phương án 2, giảm chung cho tất cả phương tiện qua trạm. Xe nhóm một giảm từ 40.000 đồng còn 35.000 đồng hoặc 30.000 đồng, các xe nhóm khác sẽ giảm tương ứng từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/lượt.

Nêu quan điểm về việc giảm phí ông Liên cho rằng cần thực hiện ngay để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp đồng thời cần tiến tới dừng thu phí và kiến nghị Chính phủ giải quyết vốn góp GPMB cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng./.

 

(sohuutritue)

Related Posts